“The avant-garde Range Rover” – Kẻ tiên phong. Đó là biệt danh mà hãng xe sang Anh Quốc dành cho Velar. Đúng vậy, Velar là mẫu xe mở đầu một thời kỳ mới cho dòng xe Range Rover – thời kỳ của những chiếc xe sở hữu sự kết hợp tuyệt vời giữa những giá trị truyền thống và công nghệ mang âm hưởng tương lai.
Có lẽ Range Rover Velar là chiếc xe nổi bật nhất tại Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam 2017 và nó xứng đáng nhận được sự quan tâm mãnh liệt như vậy. Cánh phóng viên chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khăn đến thế khi quay phim và chụp hình Velar, đơn giản vì có quá nhiều khách thăm quan bủa vây chiếc xe nằm ở vị trí nổi bật nhất tại gian trưng bày Land Rover. Trong số họ, có những khách hàng tiềm năng, có những phóng viên đang chật vật bon chen để có những thước phim, bức ảnh ưng ý, cũng có rất nhiều bạn trẻ háo hức bước vào chiếc xe mà họ mơ ước – Range Rover Velar.
Tôi cũng vậy. Range Rover Velar là chiếc xe tôi muốn khám phá nhất tại VIMS 2017. Nó có một sự cuốn hút mãnh liệt bởi thiết kế ngoại thất đậm chất khoa học viễn tưởng, nội thất tối giản và tinh tế. Tại thị trường Việt Nam, Range Rover Velar được nhập khẩu và phân phối qua ba phiên bản: Base SE, R-Dynamic và First Edition đều sở hữu khối động cơ Si6 siêu nạp, dung tích 3.0L, sản sinh công suất tối đa 380 mã lực.
[VIMS 2017] Land Rover "khoe" toàn bộ mẫu SUV mới nhất của mình |
Range Rover Velar có giá bán lẻ (chưa bao gồm tùy chọn) từ: 4,9 tỷ đồng (phiên bản SE) đến 5,1 tỷ đồng (phiên bản R-Dynamic). Hiện chưa rõ giá chính thức của phiên bản First Edition. Tôi cũng không chắc chắn liệu quyết định chỉ nhập phiên bản V6, bỏ qua các bản sở hữu động cơ 4 xy-lanh có thực sự phù hợp tại Việt Nam hay không, có lẽ đây là một động thái nhằm bảo vệ doanh số của dòng Evoque. Tuy nhiên, đó là chuyện của Jaguar Land Rover Việt Nam, còn nhiệm vụ của tôi là cho các bạn thấy vì sao Velar là một trong những chiếc SUV cỡ trung hấp dẫn nhất hiện nay.
Ngoại thất – Ít hơn, là nhiều hơn
Leonardo da Vinci đã có một câu danh ngôn bất hủ: “Simplicity is the ultimate sophistication” (Sự đơn giản cũng là sự tinh tế tột cùng), và đó là triết lý thiết kế tột bậc mà nhiều nhà thiết kế đã, đang và sẽ theo đuổi. Danh ngôn trên của da Vinci, cùng với ý thơ cũng có sức ảnh hưởng không kém của Robert Browning: “less is more” (ít hơn là nhiều hơn) là hai “quy tắc” mà bất kỳ nhà thiết kế nào cũng thuộc lòng, nhưng không phải ai cũng áp dụng được điều đó vào sản phẩm của mình giống như cách Gerry McGovern làm với Velar.
Không ngoa khi cho rằng Velar là một trong những sản phẩm tâm đắc nhất của Gerry McGovern, Giám đốc thiết kế của Land Rover cùng các cộng sự. Dự án tạo nên một chiếc SUV “chen” giữa Range Rover Evoque và Range Rover Sport chính thức bắt đầu từ năm 2011 (đúng, đó là năm chiếc Evoque được bán ra). Tất nhiên, một mình “cánh én” Gerry không thể làm nên chiếc Velar cho chúng ta chiêm ngưỡng, mà đó là thành quả chung của hơn 15.000 con người tại Land Rover.
Quá trình thiết kế nên chiếc Velar hoàn toàn mới bắt đầu từ những bản vẽ phác thảo của các nhà thiết kế tại Land Rover. Những bản vẽ được hoàn thiện bởi máy tính và sau đó, một mô hình đất sét tỷ lệ 1:1 được tạo ra. Mô hình đất sét này được gọt dũa bởi một chiếc máy phay 5 trục vô cùng hiện đại với độ sai số chỉ 0.01 mm. Phải mất tới 3 ngày để chiếc máy phay hoàn thành khâu tạo hình cho chiếc Velar bằng đất sét. Tuy nhiên, chiếc Velar đất sét vẫn không thể “chuyển hộ khẩu” sang xưởng sơn khi chưa được hoàn thiện bởi các nghệ nhân đất sét. Họ có nhiệm vụ rất quan trọng: hoàn thiện từng bề mặt, từng mili-mét trên chiếc Velar đất sét chỉ bằng đôi bàn tay, những tấm thước thủ công và hàng chục năm kinh nghiệm. Khâu hoàn thiện này được giám sát bởi ông Massimo Frascella, Giám đốc ý tưởng, phụ trách phần thiết kế ngoại thất của Land Rover.
Sau khi đã được tạo hình với những chi tiết sắc sảo chẳng kém gì xe thật, chiếc Velar đất sét được sơn theo đúng quy trình sơn một chiếc xe thật và được mang ra ngoài ánh sáng tự nhiên để Massimo cùng cộng sự chiêm ngưỡng thành quả của mình. Chỉ có ánh sáng tự nhiên mới cho ta thấy chiếc xe sẽ trông như thế nào trong đời thực, và cũng chỉ khi các nhà thiết kế hài lòng với tác phẩm của mình, thì cuộc chiến của các kỹ sư mới bắt đầu.
Range Rover Velar sẽ ra mắt khách hàng Việt vào ngày 30/8 tại Hà Nội |
Liệu có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao những chiếc xe ý tưởng trông vô cùng lộng lẫy và viễn tưởng, nhưng phiên bản thương mại lại khá … xoàng xĩnh hay không? Đơn giản là vì các nhà thiết kế có thể “vẽ hươu vẽ vượn” gì cũng được, nhưng thiết kế ấy phải nhận được cái gật đầu của bộ phận kỹ thuật. Để hiện thực hóa vẻ đẹp ngoại thất vô cùng mượt mà và tối giản của Velar, họ đã phải sáng tạo hết mình, thậm chí là áp dụng những ý tưởng lần đầu tiên xuất hiện trên xe Land Rover.
Một ví dụ nổi bật là các tay nắm cửa của Velar. Với mọi người, chúng chỉ đơn thuần là những cái tay nắm cửa nhưng với Lee Piotrowski, kỹ sư thiết kế thân vỏ, và các cộng sự, đó là cả một thử thách to lớn. Khi bạn khóa cửa hay khi xe chạy, tay nắm sẽ nằm gọn bên trong cửa xe, chỉ khi bạn nhấn nút mở khóa xe, tay nắm mới thò ra. Thiết kế này rất độc đáo và tinh tế, không chỉ góp phần tăng tính thẩm mỹ cho xe mà nó còn giúp chiếc Velar có độ cản gió chỉ 0,32 Cd, tốt nhất trong số những chiếc Range Rover từng sản xuất.
Đọc đến đây, chắc chắn bạn sẽ thắc mắc rằng nếu tay nắm cửa bị kẹt thì sao? Đó là lý do bộ phận này được thử nghiệm vô cùng khắt khe để đảm bảo nó có thể hoạt động tốt ở dải nhiệt độ môi trường từ - 2 độ C đến 50 độ C. Land Rover còn có một phòng thử nghiệm nhiệt độ đặc biệt, nơi chiếc xe được đặt vào và xịt nước để tạo nên một lớp băng dày 4mm phủ kín thân xe cũng như khu vực xung quanh tay nắm cửa. Điều kiện khắc nghiệt này mô phỏng những đêm lạnh giá ở nước Nga, nơi nhiệt độ về đêm có thể thấp tới hàng chục độ âm. Tất nhiên, tay nắm cửa của Velar dễ dàng phá tan lớp băng 4 mm bên ngoài chỉ với một nút bấm mở khóa.
Chiếc Range Rover Velar có ngoại hình tuyệt đẹp, bất kể bạn nhìn từ góc độ nào, hay nhìn toàn cảnh cho đến từng tiểu tiết nhỏ nhất. Nói một cách nôm na thì Velar thực sự “đẹp không góc chết”. So với các mẫu Range Rover trước đó, Velar có đôi chút tròn trịa hơn một chút, nhất là ở 4 góc thân xe. Điều ấy khiến chiếc xe trông có vẻ đô thị hơn, thể thao hơn so với các đàn anh.
Dù vậy, những nét thiết kế không thể nhầm lẫn của một chiếc Range Rover vẫn được giữ nguyên. Đó là kiểu dáng tổng thể vô cùng năng động với khoảng cách trục bánh xe trước đến mũi xe cực ngắn, trong khi khoảng cách trục bánh xe sau đến đuôi xe cực dài, cùng phần nóc mái “floating roof” dốc thoải về phía sau, tạo nên kiểu dáng vô cùng thuôn mượt và bề thế. Đó còn là nắp ca pô dạng vỏ sò (có nếp gấp ở phần mũi xe), đường giáp ranh giữa thân xe và cửa sổ (beltline) cực phẳng và song song với mặt đất, kết hợp với gờ dập lõm chạy dọc thân xe tạo nên hiệu ứng thị giác nhấn mạnh chiều dài 4,8 mét của Velar.
Sự tối giản còn được thể hiện ở dải đèn full LED của Velar. Đây là cụm đèn pha nhỏ nhất từng được trang bị trên một chiếc Range Rover và dù nhỏ như vậy, tầm chiếu sáng của nó vẫn rất tốt. Cụm đèn pha còn có tùy chọn đèn LED - laser ma trận với tầm chiếu ở chế độ chiếu xa lên tới 550 mét và có khả năng tạm thời tắt một hoặc vài phần tử LED/laser để hạn chế gây chói mắt người đi đối diện. Dải đèn LED chạy ban ngày còn đóng vai trò là đèn báo rẽ với cơ chế sáng tuần tự từ trong ra ngoài, rất đẹp mắt. Đèn hậu của Velar cũng được thiết kế nhỏ gọn tương tự như đèn pha.
Bạn cũng không thể bỏ qua một điểm nhấn khác ở phần đầu xe: lưới tản nhiệt. Vẫn là lưới tản nhiệt hình thang ngược nhưng những mắt lưới hình lục giác mạ crôm rất tinh xảo khiến chiếc xe vô cùng nổi bật khi nhìn từ phía trước. Thiết kế này xuất hiện trên Velar đầu tiên rồi mới có trên Range Rover “thùng to” 2018 và Range Rover Sport 2018. Tấm cản trước của Velar cũng rất sắc sảo và chiếc Velar R-Dynamic SE được trưng bày tại VIMS còn sở hữu các thanh nan mạ đồng ở cản trước và trên nắp ca pô.
Hãng độ Urban Automotive tung ra gói nâng cấp cho Range Rover Velar mới |
Theo ông Massimo Frascella, Velar là biểu tượng hoàn hảo nhất cho triết lý tối giản, là sự kế thừa tuyệt vời những giá trị truyền thống của Range Rover nhưng không bị phụ thuộc vào quá khứ mà ngược lại, nó mở đầu cho một cuộc cách mạng thiết kế của dòng xe Range Rover.
“Sự đơn giản sẽ trường tồn với thời gian. Sự đơn giản cho bạn những thiết kế không bao giờ lỗi thời. Hãy nhìn ngắm những chiếc xe cổ, chúng thật đơn giản, ta có thể phác họa chúng chỉ bằng 3 đường bút. Nhiều mẫu xe hiện đại sở hữu quá nhiều chi tiết thiết kế, quá nhiều đường cắt xẻ mà với chừng ấy đường nét, tôi có thể vẽ ra 5 chiếc xe khác nhau. Mười năm sau, sẽ chẳng mấy ai nhớ đến những chiếc xe phức tạp đó”. Đó là quan điểm của ông Massimo, ta có thể thấy quan điểm của ông được thể hiện rõ rệt trên chiếc Range Rover Velar.
Nội thất sang trọng và viễn tưởng
Triết lý tối giản không chỉ được thể hiện ở ngoại thất mà còn trong khoang cabin của chiếc Velar. Nếu bạn bước vào xe mà không bấm nút khởi động, nhất là với một chiếc Velar có nội thất sáng màu như chiếc trưng bày ở triển lãm, bạn sẽ được chào đón bởi những màn hình đen bóng, tương phản với da ghế và trần xe, tạo nên một không gian vô cùng hiện đại, sang trọng và viễn tưởng.
Sự tối giản được thể hiện rõ nhất ở việc tất cả nút bấm ở bảng điều khiển trung tâm đã được thay thế bằng 2 màn hình cảm ứng 10 inch của hệ thống Touch Duo Pro. Khẽ ấn nút khởi động, 2 màn hình bừng sáng, màn hình phía trên khẽ nhô lên khỏi bảng táp lô một cách rất tinh tế - màn hình này thậm chí còn được uốn cong một chút để hòa nhập hoàn toàn với độ cong của bảng táp lô. Bộ đôi màn hình Touch Duo Pro có độ sáng và độ nét rất tốt, giao diện tuyệt đẹp và nhất là vô cùng nhạy bén vì được trang bị chip xử lý 4 nhân. Bộ đôi màn hình này đúng là “một trời một vực” so với màn hình của những chiếc Range Rover trước đó, nếu phải so sánh thì chẳng khác nào Thúy Kiều với Thị Nở vậy!
Màn hình phía trên hiển thị bản đồ, các thông tin giải trí và rất nhiều menu tùy chỉnh trong khi màn hình dưới là bảng điều khiển của hệ thống điều hòa, sấy, sưởi, mát-xa ghế (nếu như xe có tùy chọn này) và các chế độ off-road của hệ thống Terrain Response. Điều đặc biệt là màn hình dưới có đi kèm 2 núm xoay to và một núm xoay nhỏ ở giữa. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng Range Rover đã rất khéo léo kết hợp thao tác trên màn hình cảm ứng và 2 núm xoay lớn để mọi điều chỉnh của bạn trở nên dễ dàng và thuận tiện. Ví dụ, bạn muốn chỉnh điều hòa thì chỉ cần 1 lần bấm vào màn hình cảm ứng và xoay núm để lựa chọn nhiệt độ hay mức gió mong muốn, rất dễ dàng, cá nhân tôi thấy dễ hơn là thao tác chỉ bằng màn hình cảm ứng trên các mẫu xe Volvo.
Bảng đồng hồ trung tâm cũng là một màn hình LCD 12,3 inch, hiển thị đầy đủ thông tin cần thiết cho người lái nhưng nếu chọn tùy chọn hệ thống hiển thị trên kính lái (HUD), có lẽ bạn sẽ rất ít khi phải liếc xuống bảng đồng hồ vì thông tin hiển thị trên kính rất sắc nét, trực quan và dễ hiểu. Hệ thống HUD của Velar cũng rất hiện đại. Bạn có thể chọn các nội dung hiển thị trên kính, như tốc độ, vị trí số, bản đồ, biển báo tốc độ và “độc” hơn, bạn có thể lựa chọn vị trí hiển thị trên mặt kính sao cho phù hợp với chiều cao và tư thế ngồi của mình nhất.
Hàng hót Range Rover Velar First Edition đầu tiên cập bến Việt Nam |
Chiếc vô lăng trên Velar có thiết kế 4 chấu giống như các đàn anh “thùng to” và được bọc da sang trọng và đặc biệt hơn, 2 cụm phím ở hai bên vô lăng nay có khả năng cảm ứng và thay đổi chức năng tùy theo lựa chọn của người lái. Cụm bên trái là các nút điều hướng menu, đàm thoại rảnh tay và tăng giảm âm lượng, chuyển bài hát, cụm bên phải là hệ thống kiểm soát hành trình và một vài chức năng khác. Có lẽ Velar là chiếc xe thương mại đầu tiên có cụm phím trên vô lăng vừa đẹp lại vừa hữu dụng như vậy.
Bạn cũng có rất nhiều tùy chọn bọc da nội thất chiếc Velar. Phiên bản tiêu chuẩn có ghế da chỉnh điện 10 hướng, vô lăng và một phần táp lô bọc da tự nhiên. Phần giữa táp-lô và táp-pi cửa bọc Luxtec với họa tiết kim cương, một loại vật liệu da nhân tạo có thành phần chính là PVC và polyurethane. Trải nghiệm của cá nhân tôi cho thấy đây là một loại vật liệu rất mềm mại và có vẻ như khá bền bỉ.
Với những ai luôn đòi hỏi những gì sang trọng nhất, Land Rover có cung cấp gói tùy chọn bảng táp lô, toàn bộ táp pi cửa và ghế ngồi bọc da Windsor – loại da sang trọng nhất của Land Rover. Tất nhiên, giá của tùy chọn này rất “thấm”, lên tới 5.760 USD (tại thị trường Mỹ). Bạn cũng có thể chọn thêm gói ghế trước chỉnh điện 20 hướng, có sưởi ấm, làm mát và mát xa ghế trước, trong khi ghế sau có thể ngả lưng và sưởi ấm. Không gian dành cho người ngồi sau khá rộng rãi, khoảng sáng trần xe phía sau tối đa là 970mm khi đóng cửa sổ trời và khoảng duỗi chân tối đa 945mm cho hàng ghế sau, cùng với đó là khoang hành lý lên tới 673 lít (1.731 lít nếu gập ghế sau, hơi tiếc là ghế sau không thể gập hoàn toàn phẳng). Thêm vào đó, tùy chọn Rear Seat Entertainment cung cấp 2 màn hình 8 inch cho hàng ghế sau, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng HDMI, 2 tai nghe bluetooth và 1 chiếc điều khiển từ xa.
Tuy nhiên, tùy chọn đặc biệt nhất về phần nội thất Velar là gói bọc nội thất bằng một loại vải đặc biệt được sản xuất bởi Kvadrat, thương hiệu dệt may cao cấp đến từ Đan Mạch. Loại vải này là sản phẩm tâm huyết của Amy Frascella, chuyên gia màu sắc và vật liệu của Land Rover, nó là sự pha trộn giữa 30% lông cừu và 70% polyester. Theo Land Rover, loại vài này có độ bền cơ học, độ bền màu, chống lửa, thậm chí là độ giữ ẩm tương đương với da Windsor cao cấp. Thậm chí số tiền khách hàng bỏ ra để sở hữu loại vải này cũng không hề rẻ: 4480 USD (tại Mỹ). Amy chia sẻ: “Tùy chọn này sẽ thay đổi cách khách hàng định nghĩa thế nào là vật liệu sang trọng. Tất nhiên, đa số khách hàng vẫn lựa chọn da hảo hạng nhưng sẽ có người lựa chọn những loại vật liệu khác, không phải là da động vật và thân thiện với môi trường, cũng như nhân văn hơn”.
Nhắc đến Range Rover, ta phải nhắc đến những dàn loa Meridian trứ danh. Trên chiếc Velar, tùy chọn âm thanh cao nhất là dàn loa Meridian Signature với 23 loa vệ tinh, công suất tối đa 1.600W. Range Rover thậm chí còn đưa chiếc Velar vào một căn phòng cách âm đặc biệt để tinh chỉnh dàn âm thanh trên xe một cách “chuẩn chỉ” nhất. Người phục trách nhiệm vụ đó là Orla Murphy, Kỹ sư âm thanh của Land Rover, một trong những kỹ sư trẻ tuổi nhất của tập đoàn.
Theo cô, trong một chiếc xe, có rất nhiều vật liệu hấp thụ âm thanh, ví dụ như lớp da trên ghế và ngược lại, cũng có nhiều vật liệu phản xạ âm thanh rất tốt như các cửa kính. Vì lẽ đó, Orla đã dùng các micro được đặt ở từng độ cao khác nhau (để mô phỏng điểm nghe của những khách hàng có chiều cao khác nhau) và phát một đoạn “pink noise” – một tín hiệu âm thanh ngẫu nhiên, được lọc để có năng lượng bằng nhau mỗi quãng tám. Nhờ pink noise, Orla có thể nhận biết độ phản xạ và hấp thụ của từng bộ phận trên xe. Sau đó, cô và cộng sự sẽ áp dụng nhiều loại bộ lọc điện tử khác nhau cho từng dải âm để đảm bảo từng nốt nhạc được người nghe cảm thụ một cách chân thực nhất, đỡ nhiễu nhất và gần nhất so với bản thu âm gốc.
Một công nghệ nổi bật khác trên dàn âm thanh của Velar là Trifield 3D. Công nghệ này hay ở chỗ: nó bao gồm 4 loa “hight midrange” chuyên biệt, được đặt ở 4 góc nóc xe, ngay bên trên đầu hành khách. Những loa hight midrange hoạt động ở dải tần khoảng 12.000 Hz, tức là chen giữa loa midrange và tweeter thông thường và tín hiệu âm thanh từ những loa này được làm chậm một chút so với các loa khác (chỉ vài mili-giây) góp phần tạo ra hiệu ứng 3D, mở rộng âm trường, tạo cảm giác rằng người nghe đang thực sự ngồi trong một phòng hòa nhạc đích thực.
Hơi tiếc một chút là chiếc Velar trưng bày tại triển lãm chỉ được trang bị bộ loa tầm trung Meridian Surround với 17 loa vệ tinh và công suất 825W. Hệ thống loa này cũng rất tuyệt, nhưng thiếu đi công nghệ 3D của dàn loa xa xỉ Meridian Signature (tất nhiên rồi, dàn loa Signature có giá lên tới 3.060 USD!). Nhìn chung, khoang nội thất của Velar thực sự quá tuyệt vời, cả về tính năng, trang bị, công nghệ, vật liệu và sự sang trọng.
Động cơ và công nghệ vận hành
Jaguar Range Rover Việt Nam hiện tại chỉ phân phối các mẫu Velar sở hữu động cơ V6 siêu nạp 3.0 lít, sản sinh công suất tối đa 380 mã lực và 450 Nm. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu JLR Việt Nam nhập bản máy xăng P250 về ngay từ đầu với giá bán cạnh tranh hơn thì sức hút của Velar có lẽ sẽ mãnh liệt hơn rất nhiều. Nhóm khách hàng chỉ muốn sở hữu vẻ đẹp và sự sang trọng của Velar những không cần động cơ quá mạnh rõ ràng là có tồn tại. Nếu nhìn sang các đối thủ như Porsche Macan GTS, Jaguar F-Pace 35t hay Mercedes-Benz GLC43 AMG, các phiên bản Velar bán tại Việt Nam có giá đắt hơn khá nhiều.
Dù vậy, khối động cơ V6 3.0L siêu nạp cũng là điểm hấp dẫn chính của Velar. Có lẽ độ phản hồi của động cơ với chân ga, cảm giác khi tăng tốc cũng gần tương tự với chiếc F-Pace 35t mà tôi trải nghiệm gần đây. Theo Land Rover, Velar R-Dynamic SE chỉ cần 5.7 giây để chạm mốc 100 km/h trước khi đạt vận tốc tối đa 250 km/h. So với chính người anh em F-Pace, Velar có một thứ mà “báo chồm” không có: hệ thống treo khí nén. Đây là trang bị làm trải nghiệm sang trọng trong quá trình vận hành của Velar.
Hệ thống treo khí nén là trang bị tiêu chuẩn trên các phiên bản R-Dynamic. Khi bạn tắt máy và mở cửa xe, hệ thống treo sẽ tự hạ thấp gầm xe 40 mm để hành khách trên xe dễ dàng ra bước ra và giữ nguyên ở trạng thái hạ thấp cho đến khi bạn bắt đầu hành trình mới. Tình trạng hạ thấp này khiến xe có dáng đỗ rất thể thao và đẹp như một chiếc hatchback gầm cao chứ không phải là SUV.
Là một chiếc Range Rover, Velar vẫn giữ được phần nào khả năng offroad trứ danh của hãng xe Anh, dù Land Rover không ngần ngại thừa nhận Velar là chiếc xe được tối ưu cho đường nhựa nhất từ trước đến nay. Nếu được trang bị hệ thống treo khí nén , khoảng sáng gầm xe ở mức 251 mm (213 mm với hệ thống treo lò xo giảm chấn). Các chỉ số phục vụ khả năng offroad cũng rất ấn tượng: góc tới 28,9 độ, góc vượt dốc 23,5 độ, góc thoát 29,5 độ, khả năng lội nước sâu 650 mm. Velar vẫn sở hữu hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian danh tiếng của Land Rover và hộp số tự động 8 cấp và hệ thống Terrain Response, nhưng hộp số phụ (cầu chậm) đã bị lược bớt, nên dù chiếc xe vẫn có thể vượt qua những bài offroad tiêu chuẩn, nhưng nếu muốn chinh phục những thử thách “nặng đô” hơn, bạn phải tìm đến những chiến binh thực thụ như LR4 hay Defender.
Kết luận sơ bộ
Tôi khó có thể chê được Velar ở điểm gì, ngoài việc mức giá bạn ở Việt Nam là khá cao, từ 4,9 tỷ đồng. Chiếc xe là một bước tiến lớn về thiết kế nội, ngoại thất và công nghệ, vượt lên tất cả so với đối thủ và với cả chính các thành viên trong gia đình Range Rover. Cho đến thời điểm này, Range Rover “thùng to” và Range Rover Sport cũng đã có những phiên bản hoàn toàn mới, nhưng chúng không mang lại một cú sốc lớn như lúc Velar được trình làng 7 tháng trước. Nhiều người cho rằng Velar là chiếc xe lấp đầy khoảng trống giữa Evoque và Range Rover Sport. Không, Velar là mẫu xe tiên phong cho một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Land Rover. Nó là ““The avant-garde Range Rover”.