Với giá bán dao động quanh mức 1 tỷ đồng, những chiếc BMW Series 5 đời F10 có phải là món hời dành cho khách hàng Việt Nam?
Cầm trong tay 1 tỷ đồng, khách hàng Việt có quá nhiều lựa chọn nếu đang tìm kiếm một chiếc xe hơi. Nếu muốn mua xe mới, họ có thể mua một chiếc Mazda CX-5 và lăn bánh với số tiền hơn 1 tỷ đồng 1 chút. Nếu có nhu cầu sở hữu 1 chiếc xe rộng rãi và có thể đi đường xấu, khách hàng Việt vẫn có thể với tới những chiếc Toyota Fortuner hay Ford Everest nếu như “cố thêm một chút”.
Nếu chịu khó mua xe đã qua sử dụng thì họ có thêm rất nhiều lựa chọn, trong đó có xe Đức cũ. Với số tiền khoảng 1 tỷ đồng thì bạn có thể lựa chọn một chiếc Mercedes C-Class đời 2015 hoặc BMW Series 3 tương tự. Nếu “dũng cảm” hơn nữa, khách hàng Việt có thể chọn một chiếc E-Class đời W212 hoặc BMW Series 5 đời F10.
Tại thời điểm ra mắt, đó đều là những mẫu xe hàng đầu trong phân khúc xe sang cỡ nhỏ và vừa. Nhiều người cảm thấy hứng thú với việc có thể sở hữu xe sang Đức với số tiền chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 giá xe đời mới, nhưng cũng không ít người quan niệm rằng: “không gì đắt đỏ bằng một chiếc xe Đức giá rẻ”. Để hiểu rõ sức hấp dẫn của một chiếc xe Đức cũ, tôi đã liên hệ với anh Lê Ngọc Hùng, một người chơi xe BMW và đồng hồ tại Hà Nội để trải nghiệm chiếc BMW 523i đời 2011 của anh ấy. Bài viết ngày hôm nay sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: tại sao một số người lựa chọn xe Đức đã qua sử dụng?
Ngoại thất: 8.5/10 điểm
Đối với tôi thì trong ba hãng xe sang Đức (Audi, BMW và Mercedes), BMW là hãng xe có thiết kế ngoại thất trường tồn với thời gian nhất. Họ luôn trung thành với ngôn ngữ thiết kế vuông vức, chỉn chu và vì lẽ đó, những mẫu xe của BMW, đặc biệt là 3 trụ cột Series 3, 5 và 7, đều rất khó lỗi thời. Tôi tin rằng ít ai có thể đoán được chiếc BMW 523i trong bài viết ngày hôm nay đã 9 năm tuổi, gần 1 thập kỷ trôi qua nhưng chiếc xe vẫn toát lên vẻ sang trọng và tươi mới.
Cá nhân tôi vẫn thích thiết kế ngoại thất của Series 5 đời F10 hơn là đời G30 mới nhất. Series 5 F10 là cú hit đầu tiên của Adrian van Hooydonk sau khi ông thay thế người tiền nhiệm Chris Bangle. Với hơn 2,3 triệu xe được bán ra, đời F10 cũng là dòng Series 5 thành công nhất trong lịch sử và rõ ràng thiết kế ngoại thất đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng.
Cá tính thể thao của Series 5 đời F10 được thể hiện rõ ràng qua những đường nét năng động trên thân xe. Những cải tiến về công nghệ sản xuất cùng với nét bút cá tính, sắc sảo hơn của đội ngũ thiết kế do Adrian van Hooydonk đứng đầu đã mang đến một thế hệ Series đẹp hơn, mạnh mẽ hơn so với đời E60.
Phần đầu xe thực sự là khu vực cuốn hút nhất của chiếc 523i này. Bốn đường gân sắc lẹm bao trọn nắp capô và hướng đến logo BMW. Ngay bên dưới logo là mặt ca lăng quả thận đặc trưng, nay có thiết kế vuông vức và chỉn chu hơn so với đời E60. Cụm đèn pha Bi-Xenon sắc sảo với 4 vòng LED Corona đặc trưng của BMW là dấu ấn không thể bỏ qua ở phần đầu xe.
"Chúng tôi áp dụng triết lý thiết kế Night Design trên mẫu Series 5 này. Điều đó có nghĩa là dù người đi đường có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc BMW nhờ thiết kế đèn xe vô cùng nổi bật khi trời tối”, ông Adrian van Hooydonk chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Auto Bild. Chiếc 523i trong bài viết có vỏ đèn đã bị lão hóa tương đối nhiều nhưng vẫn có thể đánh bóng lại, trong khi đèn gầm đã đến lúc cần thay thế. Dù sao thì xe cũng đã 9 năm tuổi!
BMW Series 5 đời F10 thực sự đẹp khi nhìn ngang. Hình dáng tổng thể đặc trưng của dòng Series tiếp tục được thể hiện với đời F10 bằng các chi tiết như nắp capô cực dài, khoảng cách trục bánh trước – mũi xe ngắn, nóc xe thuôn dài về phần đuôi và trục cơ sở dài nhất phân khúc, lên tới 2.968 mm. Thiết kế thuôn mượt này khiến chiếc xe toát nên sự linh động và thể thao dù đang đứng yên. Ta có một đường gập mép kéo dài từ vòm bánh xe trước đến đèn phanh dưới đuôi xe. BMW đã rất khéo léo tích hợp các tay nắm cửa vào đường gân này. Đây là thiết kế vừa tối ưu khí động học, vừa tạo ấn tượng về chiều dài của xe.
Chiếc 523i 2011 vẫn giữ nguyên bộ la-zăng 17 inch nguyên bản đi kèm bộ lốp run flat của Pirelli mới được thay thế. Nếu chiếc xe được trang bị la-zăng M Sport 19 inch thì sẽ phù hợp với bộ body kit phong cách M5 hơn. Tuy vậy, lớp sơn Aventurine Red cực kỳ nổi bật và bộ 4 ống xả cỡ lớn là đủ để khiến tôi chấm điểm 9/10 cho ngoại hình chiếc BMW tuyệt đẹp này.
Nội thất: 7/10
Với một chiếc xe cũ thì phần ngoại thất bao giờ cũng dễ giữ gìn hơn nội thất. Những dấu vết thời gian như vệt đá dăm, các vết trầy xước trên thân xe là rất dễ dàng khắc phục. Đó là lý do vì sao khi cần mua xe cũ, bạn nên đánh giá các chi tiết nội thất hơn là ngoại thất.
Hãy bắt đầu ở khu vực người lái. Chủ nhân chiếc xe đã thay thế vô lăng nguyên bản bằng vô lăng độ với các phần ốp các-bon và bọc da đột lỗ trông có vẻ thể thao hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thích cảm giác cầm vô lăng zin của BMW hơn vì nó vừa tay và có độ bám tốt. Một điểm trừ nho nhỏ nữa mà tôi thấy trên vô lăng độ của chiếc 523i này là 3 vạch màu của biểu tượng ///M bị sai màu.
Phía sau vô lăng là một cụm đồng hồ truyền thống của BMW kết hợp với màn hình hiển thị dạng LCD ở bên dưới. Giờ đây, khi mà ngay cả những chiếc xe bình dân như Honda Civic cũng có bảng đồng hồ LCD thì đồng hồ đa phần là dạng cơ học như chiếc 523i này dường như đã lỗi thời. Đến cả những bảng đồng hồ LCD của BMW đời mới cũng có thiết kế rất bắt mắt và mang đến nhiều tính năng mới, điển hình là khả năng đẩy vòng tua máy và tốc độ sang 2 bên, nhường diện tích cho bản đồ định hướng ở trung tâm.
Tuy nhiên, có lẽ tôi là một trong số rất ít người vẫn yêu thích cách bố trí 4 đồng hồ tròn cơ học của xe BMW cũ. Kiểu bố trí truyền thống này khiến người lái rất dễ nắm bắt thông tin dù chỉ liếc xuống trong vài tích tắc. Cá nhân tôi cũng không thích thiết kế của bảng đồng hồ điện tử trên các mẫu BMW mới nhất, trông chúng cứ phảng phất nét Peugeot! Dù hãng xe nào cũng phải cuốn theo dòng chảy công nghệ nhưng bảng đồng hồ cơ trên chiếc 523i vẫn mang lại trải nghiệm thỏa mãn cho tôi, một người mê lái xe luôn đề cao trải nghiệm lái hơn là công nghệ hào nhoáng.
Dù vậy, bảng táp lô là nơi chiếc Series 5 này bắt đầu cho thấy dấu hiệu tuổi tác. Chủ xe đã thay phần ốp gỗ nhìn bắt mắt hơn nhưng các chi tiết như những nút bấm nhựa hay cửa gió điều hòa cũng như núm vặn chỉnh nhiệt độ thì không xứng tầm xe sang. Dù mọi nút bấm trên xe đều được thiết kế rất khoa học và dễ nắm bắt nhưng sự thật là chất lượng gia công của chúng không thể so với những chiếc Mercedes hay Audi cùng tuổi.
Bù lại cho phần nhựa là các chi tiết da. Chiếc 523i này có màu da nâu Cinnamon Brown tương đối hiếm tại Việt Nam. Sau gần 10 năm chịu đựng nhiệt độ và độ ẩm cao tại Việt Nam, lớp da trên ghế ngồi, táp lô và táp pi vẫn giữ được màu sắc nguyên bản và có độ đàn hồi tốt như mới. Phần đềm đùi ở ghế lái và ghế phụ tất nhiên đã có vài vết nhăn vì phải gánh trọng lượng của hành khách ra vào xe nhưng đó là điều có thể chấp nhận được. Cá nhân tôi đã từng thấy những chiếc xe Đức có đệm đùi nhăn nhiều như thế này dù mới chỉ lăn bánh hơn 20.000 km.
Trải nghiệm: 9/10
Chiếc BMW 523i này được trang bị động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 2,5 lít, sản sinh công suất tối đa 201 mã lực tại 5.000 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 250 Nm tại 2.750 vòng/phút. Xe sở hữu hộp số ZF 8 cấp và hệ dẫn động cầu sau. Đây là những thông số vẫn vượt trội so với các mẫu sedan đời mới có giá xấp xỉ 1 tỷ trên thị trường, điển hình là Toyota Camry và Honda Accord. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của chiếc BMW Series 5 này không chỉ đến từ những con số khô khan.
Nhắc đến BMW là phải nhắc đến dòng động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng của họ. BMW là một trong số ít hãng xe trung thành với động cơ I6, cấu hình động cơ được coi là hoàn hảo cho một chiếc xe sang. Cần lưu ý là chiếc 523i đời F10 trước facelift này vẫn giữ được động cơ I6 nạp khí tự nhiên tên mã N52, trong khi bị thay thế hoàn toàn bởi động cơ 4 xy-lanh tăng áp N20. Vậy động cơ I6 có gì đặc biệt?
Động cơ N53 của 523i là hai trong số những động cơ I6 nạp khí tự nhiên cuối cùng mà BMW sản xuất trước khi họ áp dụng công nghệ tăng áp cho dòng động cơ 6 xy-lanh của mình. Giống như người anh em N53, động cơ N52 tiếp tục sử dụng lốc máy bằng hợp kim ma-giê và nắp máy hợp kim nhôm để giảm trọng lượng. Trong bối cảnh mà rất nhiều hãng sản xuất, đặc biệt là đối thủ Mercedes-Benz, chuyển sang cấu hình động cơ V6 thì BMW vẫn trung thành với cấu hình 6 xy-lanh thẳng hàng. Họ đổ rất nhiều tiền để nghiên cứu và phát triển dòng động cơ I6 của mình, giảm cân, tăng độ bền và tăng công suất. Có thể nói rằng BMW rất “bảo thủ” với cấu hình động cơ I6, giống như cách Audi tiếp tục phát triển dòng động cơ I5 của họ.
So với kiểu động cơ V6 mà Mercedes và Audi sử dụng, động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng ưu việt hơn nhờ sự êm ái, mượt mà và thiết kế đơn giản hơn. Khi nói về độ rung động của một khối động cơ, ta có 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển động lên xuống của các pít tông. Với động cơ I6, mỗi pít tông đều có một người anh em song sinh đối diện (1 và 6, 2 và 5, 3 và 4) chuyển động theo chiều ngược lại. Ví dụ, nếu pít tông 1 đang đạt điểm chết trên thì pít tông 6 ở điểm chết dưới. Chính sự chuyển động ngược chiều này đã triệt tiêu hoàn toàn sự rung động do chuyển động tịnh tiến của pít tông. Chỉ có cấu hình động cơ I6 và V12 (bản chất là 2 khối I6 chập lại) là có sự mượt mà tuyệt vời này.
Nguyên nhân thứ 2 khiến 1 khối động cơ rung động là chuyển động quay của trục khuỷu và bánh đà. Bánh đà của khối động cơ N53 được giảm cân, qua đó giảm rung động khi quay. Trục khủy được thiết kế với các mấu khuỷu đặt lệch nhau với nhau một góc 120 độ, mang đến sự cân bằng hoàn hảo khi các vấu khuỷu và đối trọng chuyển động quay.
Nguyên nhân thứ 3 khiến động cơ rung là kỳ sinh công của các xy-lanh, hay nói cụ thể hơn, đó là góc đánh lửa. Thiết kế mấu khuỷu lệch nhau 120 độ mang đến góc đánh lửa 120 độ - hoàn hảo cho 6 xy-lanh lần lượt sinh công một cách mượt mà. Tức là, trục khuỷu cứ quay được 120 độ thì sẽ có 1 xy-lanh bước vào kỳ nổ, 6 xy lanh = 720 độ, tức 2 vòng quay của trục khuỷu. Chính sự cân bằng về mặt thiết kế mang đến sự êm ái và mượt mà tối ưu cho cấu hình động cơ 6 xy-lanh, và Mercedes-Benz cũng như Jaguar Land Rover cũng dần trở lại với cấu hình I6 sau nhiều thập kỷ trung thành với động cơ V6.
“Lì lợm” sẽ là từ miêu tả chính xác nhất trải nghiệm chạy chiếc BMW 523i trong phố. Cho dù bạn để số tự động hay vào số tay thì chiếc xe vẫn tăng tốc một cách mượt mà và nhanh chóng. Khối I6 vẫn êm ru, không gào thét mệt mỏi như động cơ I4 tăng áp và hộp số ZF 8 cấp thực sự là bạn nhảy hoàn hảo của khối động cơ I6. Tất nhiên, chiếc 523i này không thể tăng tốc phấn khích như phiên bản 535i cao cấp hơn nhưng trong tầm giá 1 tỷ đồng, hiệu năng của BMW 523i 2011 vẫn rất ấn tượng.
Sự êm ái và khả năng cách âm của chiếc 523i 2011 cũng tốt hơn nhiều so với những mẫu xe “bình dân” mới cứng bằng tiền. Nghe có vẻ khó tin nhưng 10 năm là không đủ để các mẫu xe của Honda hay Toyota đuổi kịp các hãng xe Đức về độ đầm chắc khi qua ổ gà, khả năng kiểm soát thân xe khi vào cua hay chỉ đơn giản là sự cách âm khỏi tiếng lốp, tiếng gió qua cột A hay tiếng ồn của động cơ.
Tuy nhiên, có một điều mà tôi khá thất vọng với chiếc Series 5 đời F10 này: cảm giác vô lăng. Đây là dòng xe đầu tiên của BMW được áp dụng hệ thống trợ lực vô lăng điện. Vô lăng vẫn chính xác và có độ nặng nhất định nhưng tôi không cảm nhận được một chút phản hồi mặt đường nào. Nguyên nhân là đa số khách hàng của BMW đã yêu cầu hãng xe Đức giảm độ nặng và phản hồi mặt đường so với đời E60, và BMW đã làm đúng như vậy! Đó là ý muốn của phần lớn người mua BMW mới và họ đã được toại nguyện, nhưng đó là điều mà những người mê lái như tôi không hề muốn chút nào.
Kết luận
Dù có đôi chút thất vọng về cảm giác vô lăng nhưng nhìn chung thì tôi vẫn hiểu vì sao những chiếc BMW Series 5 đời F10 vẫn có sức hút lớn đến vậy. Chúng có thiết kế không lỗi thời và mang đến trải nghiệm hơn một vài bậc so với những chiếc Mazda hay Toyota đời mới cùng giá tiền. Tất nhiên, sức mạnh thương hiệu của BMW hay Mercedes vẫn tốt hơn các thương hiệu Nhật hay Hàn Quốc. Nếu bạn không ngần ngại bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để chăm chút cho chiếc BMW cũ mỗi khi nó hắt hơi sổ mũi thì rõ ràng việc sở hữu một chiếc xe Đức đã qua sử dụng là hoàn toàn xứng đáng.