Tân binh Nissan X-Trail xuất hiện trên thị trường từ tháng 9 năm ngoái dưới dạng xe lắp ráp tại Việt Nam nhưng gần như ngay lập tức, mẫu crossover 5+2 này đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Tháng 3 vừa rồi, Nissan X-Trail nhanh chóng chen chân vào top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam với doanh số 591 xe, thậm chí còn vượt mặt hai đối thủ trực tiếp là Mazda CX-5 và Honda CR-V.
Những tháng gần đây, thị trường xe hơi trong nước trở nên ảm đạm, doanh số xe giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, và Nissan X-Trail không nằm ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, sức hút của Nissan X-Trail không hẳn đến từ giá bán (từ 933 triệu điến 1,133 tỷ đồng, còn giảm nữa nếu liên hệ trực tiếp) mà đến từ những giá trị mà nó mang lại cho chủ nhân. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu giá trị đích thực của Nissan X-Trail qua bài đánh giá dưới đây.
Ngoại thất thực dụng, không quá hào nhoáng
Nissan X-Trail không phải là một chiếc xe có thể khiến bạn có khao khát sở hữu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thành thực mà nói, Nissan X-Trail không thời trang, đỏm dáng như Mazda CX5, không thể thao, mạnh mẽ như Honda CR-V và cũng không toát lên vẻ đắt tiền, sang trọng như Mitsubishi Outlander.
Nissan X-Trail phiên bản giới hạn màu đỏ-đen cá tính chào khách hàng Việt Nam, giá 933 triệu đồng |
Đó là triết lý làm xe của Nissan – luôn ưu tiên công năng thay vì kiểu dáng. Nói nôm na là xe có thể hơi cục mịch một tí, nhưng thân hình đồ sộ là cần thiết để có một khoang nội thất rộng rãi nhất nhì phân khúc. Với các thông số dài x rộng x cao lần lượt là 4,640 x 1,820 x 1,715 mm, Nissan X-Trail dài hơn, cao hơn và có trục cơ sở dài hơn so với CR-V và CX-5, yếu tố then chốt để mẫu xe nhà Nissan có thể sở hữu hàng ghế thứ 3 – thứ mà hai đối thủ trực tiếp không có (CR-V phiên bản 7 chỗ hiện vẫn chưa được phân phối tại Việt nam). Khoảng sáng gầm xe lên tới 21 cm cũng là quá đủ để bạn quên đi nỗi lo phải bơi giữa lòng Hà Nội.
Nhìn vào Nissan X-Trail, ta có thể thấy đây là một chiếc crossover khá hợp thời. X-Trail thế hệ thứ 3 đã rũ bỏ ngoại hình gồ ghề, vuông vức của thế hệ trước và khoác lên mình một bộ áo bóng bẩy hơn, phù hợp với tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay. Ở phần đầu xe, hai cụm đèn pha LED với dải đèn LED chạy ban ngày sắc lẹm mang đến vẻ đẹp sang trọng và hiện đại cho X-Trail. Cụm đèn pha thông minh này có khả năng tự cân bằng góc chiếu và tự bật sáng khi trời tối (bản 2.0 SL 2WD và 2.5 SV 4WD). Đèn pha kết hợp với lưới tản nhiệt V Motion và 2 đèn sương mù được đặt gọn ghẽ ở tấm cản trước tạo nên vẻ nam tính, hợp thời cho Nissan X-Trail.
Nissan ra mắt phiên bản cao cấp của bán tải Navara, giá từ 669 triệu đồng |
Nhìn từ bên hông, Nissan X-Trail toát lên vẻ gọn gàng nhưng không kém phần cơ bắp với những đường gồ ghề chạy dọc thân xe và 2 vòm bánh xe trước sau nở nang. Cửa sổ phụ dành cho hàng ghế thứ 3 có kích thước lớn nhằm khiến người ngồi ở vị trí này không cảm thấy quá gò bó. Bộ la-zăng hợp kim đa chấu 18 inch hình cánh quạt trên phiên bản 2.5 SV 4WD cao cấp nhất mà chúng tôi trải nghiệm có thiết kế rất đẹp. Tuy nhiên, phần đuôi xe lại hơi thiếu cá tính với thiết kế khá tròn trịa và thiếu điểm nhấn. Cụm đèn hậu với đèn LED hình boomerang tương tự đèn pha có lẽ sẽ đẹp hơn nếu sở hữu thiết kế táo bạo, sắc cạnh hơn. Nhìn chung, thiết kế ngoại thất của Nissan X-Trail đủ đẹp nhưng chưa thực sự đột phá.
Nội thất vô cùng rộng rãi và tiện nghi
Khoang cabin của X-Trail vẫn sở hữu thiết kế khá thận trọng và không quá phô trương giống như nhiều mẫu xe khác của Nissan. Ấn tượng chung về vật liệu cấu thành nội thất là khá tốt, với nhiều bộ phận được làm từ nhựa mềm thay vì nhựa cứng, bảng táp lô và táp pi được ốp nhựa giả vân các-bon trông cũng rất thời trang. Thêm vào đó, da bọc ghế và táp pi cửa trên phiên bản SV khá mềm mại và thật tay.
Cửa sổ trời toàn cảnh rộng nhất phân khúc
Dù chất lượng sờ nắm của các bộ phận riêng lẻ là rất ổn nhưng thiết kế chung của khoang cabin X-Trail vẫn có chút gì đó hơi tụt lại so với các đối thủ trong phân khúc. Điều ấy thể hiện rõ ở màn hình thông tin giải trí cảm ứng kích thước 6,5 inch nằm giữa bảng táp lô. Màn hình có độ nét trung bình, phản ứng khá chậm với thao tác của người điều khiển. Bù lại, nó có giao diện tiếng Việt và có sẵn bản đồ Việt Map quen thuộc.
Nissan Sunny giảm thêm 20 triệu, X-Trail tặng tới 40 triệu tiền mặt |
Vô lăng xe rất tròn trịa, to bản với đầy đủ phím bấm kích hoạt tính năng kiểm soát hành trình cũng như đàm thoại rảnh tay, tăng giảm âm lượng. Bảng đồng hồ trung tâm có giao diện rõ ràng, trực quan với hai đồng hồ cơ hai bên hiển thị tốc độ xe và tua vòng động cơ, ở giữa là màn hình màu hiển thị đa thông tin. Nhìn chung, đối với tôi, thiết kế nội thất Nissan nằm ở mức chấp nhận được, không đẹp long lanh nhưng đủ dùng và trên hết, nó sở hữu sự tiện ích vượt trội so với đối thủ cùng tầm tiền.
Nếu như thiết kế từ trong ra ngoài của Nissan X-Trail sẽ khó thuyết phục những khách hàng khó tính thì tính thực dụng hàng đầu phân khúc của mẫu xe này lại là sự thật không phải bàn cãi. Tất cả các phiên bản của X-Trail đều trang bị chức năng khởi động xe bằng nút bấm, điều hòa tự động 2 vùng độc lập, cửa gió cho hàng ghế sau, ghế lái chỉnh điện 8 hướng và ghế phụ 4 hướng. Phiên bản X-Trail 2.0 SL và X-Trail 2.5L SV có thêm cửa sổ trời toàn cảnh Panorama diện tích rộng nhất phân khúc.
Cả 4 phiên bản đều sở hữu gương chiếu hậu trong xe có chức năng chống lóa, 2 gương chiếu hậu bên gập điện, chỉnh điện, có đèn LED báo rẽ và sấy điện. Đặc biệt, Nissan X-Trail là mẫu xe duy nhất trong phân khúc có cảm biến đóng/mở cửa sau tự động. Thêm vào đó, Nissan X-Trail cũng là mẫu crossover duy nhất trong phân khúc được trang bị hệ thống camera quan sát toàn cảnh, giúp việc đỗ xe trong không gian hẹp trở nên vô cùng dễ dàng.
Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại, sự hấp dẫn của Nissan X-Trail còn đến từ thiết kế nội thất 5+2 đa dụng. Trên thực tế, rất ít khi chủ xe crossover phải dùng đến hàng ghế thứ 3 để chở người, nhưng rất nhiều người Việt khi mua xe sẽ ưu ái một chiếc crossover 5+2 hơn, đơn giản vì “có còn hơn không”. Hai ghế ngồi của hàng ghế thứ 3 cũng có tựa đầu khá dày dặn và êm ái nhưng không có cửa gió điều hòa, cũng như tựa lưng không ngả được. Rõ ràng hàng ghế này chỉ phù hợp với trẻ em, hoặc nếu chịu khó trượt hàng ghế thứ 2 lên một chút, người lớn cũng có thể ngồi ở hàng 3 trong những chuyến đi ngắn. Mitsubishi Outlander cũng có thiết kế 5+2 nhưng chỉ có trên phiên bản cao cấp nhất, đắt hơn Nissan X-Trail khá nhiều, trong khi đó mọi phiên bản của X-Trail đều có ghế 5+2.
Hàng ghế thứ 2 của X-Trail có thể ngả đệm lưng, cũng như trượt lên/xuống, gập 60:40 vô cùng linh hoạt. Đây là những yếu tố ăn đứt hàng ghế thứ 2 không thể dịch chuyển, không ngả đệm lưng được của CX-5, hay ghế chỉ có thể ngả 1 chút của CR-V. Không gian khoang chứa đồ của X-Trail cũng tốt hơn so với đối thủ, lên tới 1520 lít nếu gập hàng 2 và 3, 550 lít nếu gập hàng 3. Thêm vào đó, khoang chứa đồ sau của mẫu crossover này còn có thiết kế khá đặc biệt: bên dưới tấm thảm lót có 2 ngăn ẩn: 1 ngăn bên trong để đồ quý giá, 1 ngăn kín để đồ ướt. Chưa hết, ngăn đồ ướt đấy còn được thiết kế để đựng vừa vặn tấm vải chia ngăn hành lý, 1 giải pháp rất thông minh mà ít hãng xe nào nghĩ tới. Nếu bạn đã từng loay hoay tìm chỗ để tấm vách ngăn này thì bạn sẽ thấy giải pháp của Nissan hữu ích như thế nào.
Nissan X-Trail cũng thuộc top đầu về khả năng an toàn với nhiều giải thưởng uy tín: 5 sao Euro NCAP, 5 sao ASIAN NCAP hạng mục bảo vệ người lớn. Bản SV sở hữu 6 túi khí, 3 phiên bản còn lại có 4 túi khí. Các trang bị an toàn cơ bản đều được trang bị đầy đủ cho X-Trail, bao gồm Chống bó cứng phanh ABS, Phân phối lực phanh điện tử EBD, Hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, Hệ thống kiểm soát độ bám đường TCS, Kiểm soát cân bằng động VDC, Hỗ trợ khởi hành ngang dốc, Hỗ trợ đổ đèo, Kiểm soát hành trình Cruise Control, Hệ thống định vị.
Bên cạnh đó là những trang bị tạo ra sự khác biệt, bao gồm Hệ thống phanh chủ động hạn chế trượt bánh (Active Brake Limited Slip), Hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động bao gồm Hệ thống kiểm soát lái chủ động, Hệ thống kiểm soát phanh động cơ chủ động và Hệ thống kiểm soát vào cua chủ động. Có thể nói, Nissan X-Trail là chiếc Crossover sở hữu nhiều tính năng, trang bị an toàn nhất trong phân khúc.
Nissan X-Trail: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Mở cửa bước vào chiếc Nissan X-Trail, với tay đóng cửa, một tiếng “thịch” chắc nịch dội vào tai. Đây là thứ âm thanh quen thuộc của một chiếc xe có tấm cửa được gia công đủ chắc chắn và dày dặn, cũng như có gioăng cửa đủ độ kín, trái ngược với tiếng “phạch phạch” khá nhàm chán và hơi rẻ tiền của một số xe trong phân khúc. Tầm quan sát xung quanh xe là khá tốt với các trụ A, B có kích thước vừa phải, không quá chắn tầm nhìn. Vô lăng cũng cho cảm giác cầm nắm tốt và rất nhẹ nhàng. Có thể nói đi trong phố với Nissan X-Trail dễ dàng, thoải mái như … đi chợ vậy!
Vô lăng trợ lực điện của nó rất nhẹ nhàng, nhưng không thực sự thật tay lắm và gần như chẳng cung cấp một chút thông tin mặt đường nào. Vô lăng không thật tay chỉ là điểm trừ đối với những người thích cảm nhận chiếc xe như tôi, còn đối với những chủ xe chỉ đang cần một chiếc xe êm ái, nhẹ nhàng khi vận hành thì nó lại là điểm cộng. Hệ thống treo của X-Trail cũng rất êm ái. Khi xe đi qua đường ghồ ghề hay vượt ổ gà, ổ voi, rung động bị triệt tiêu nhanh chóng, rất ít gây khó chịu cho hành khách trong xe. Động cơ và hộp số cũng hoạt động rất êm, ít rung động ở dải tốc độ dưới 50 km/h. Ở tốc độ thấp và vòng tua động cơ thấp, xe cách âm khỏi mọi nguồn tiếng ồn khá tốt. Nhìn chung, trải nghiệm Nissan X-Trail trong phố là rất tích cực.
Hệ thống camera toàn cảnh khiến việc đỗ xe trở nên dễ dàng hơn nhiều
Khi di chuyển trong phố, hệ thống camera quan sát toàn cảnh của Nissan X-Trail thực sự là một món đồ chơi đáng tiền trong phân khúc xe crossover tầm giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 1 điều hơi khó chịu là khi bạn vào số D, camera lập tức tắt ngay. Những xe khác thường duy trì camera lùi ngay cả khi bạn vào D và chỉ tắt khi xe đã chạy được 1 đoạn. Hiện tượng này trên X Trail khiến tôi hơi khó chịu, nhất là khi cần quay đầu, “nhiều đỏ”. Điểm trừ khá đáng tiếc của Nissan X-Trail là xe không có cảm biến lùi, dù bạn có thể độ tính năng này khá dễ dàng mà không mất nhiều chi phí. Thêm nữa, xe cũng không có cảm biến áp suất lốp.
Ở hầu hết tình huống hoạt động thông thường, toàn bộ lực mô-men xoắn động cơ được truyền đến cầu trước
Dù vẫn còn một số điểm cần khắc phục như màn hình thông tin giải trí chưa thực sự đẹp, camera toàn cảnh hơi méo hình và tắt ngay khi vào số D nhưng nhìn chung, Nissan X-Trail thực sự là một chiếc xe đi phố tuyệt vời. Khi bạn lái X-Trail hàng ngày, bạn sẽ hài lòng với nhiều điểm cộng của chiếc xe này. Đó là động cơ, hộp số êm ái, cũng như khả năng cách âm tốt ở tốc độ thấp; hệ thống treo khá êm và xử lý khiếm khuyết mặt đường tốt; có cửa gió điều hòa cho hàng ghế thứ 2; có camera 360; có sấy gương chiếu hậu; có thiết kế 5+2 hữu dụng; cửa sau đóng/mở điện và ngay cả chi tiết rất nhỏ như hộc để cốc ở giữa có cửa gió điều hòa để làm mát/ấm đồ uống cũng góp phần giúp bạn có trải nghiệm hài lòng với X-Trail hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần thử nghiệm Nissan Xtrail ra đường trường để xem sự êm ái, thoải mái có được duy trì ở vận tốc cao hay không.
Cả khi chạy trong phố lẫn trên đường trường, tôi luôn để chế độ dẫn động bốn bánh tự động AWD Auto. Hệ thống dẫn động bốn bánh của X-Trail khá thông minh: khi đi phố bình thường, hoặc thậm chí khi di chuyển trên cao tốc ở tốc độ 100 km/h, toàn bộ lực kéo động cơ được truyền lên hai bánh trước, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Khi gặp đường trơn trượt, khi vào cua gấp hoặc khi bạn đạp lút ga từ vị trí đứng yên, hệ thống chuyển sang chế độ 50:50 – phân bổ đều lực kéo trước sau để xe hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Tôi tin tưởng hệ thống dẫn động bốn bánh thông minh của Nissan X-Trail nên luôn để ở AWD Auto. Tuy nhiên, X-Trail không có khả năng điều hướng lực kéo đến từng bánh trái/phải riêng biệt giống như các mẫu xe cao cấp hơn, điều này là dễ hiểu với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng của X-Trail.
Khi nhận thấy xe đang hoạt động ở địa hình trơn trượt, hệ dẫn động bốn bánh chuyển sang trạng thái 50:50
Trên đường trường, điểm yếu của hộp số CVT mới dần lộ ra. Khối động cơ 2.5 lít, 170 mã lực của phiên bản SV cao cấp nhất không phải là quá yếu đuối nhưng nó không thực sự thoải mái khi “đá cặp” cùng hộp số Xtronic CVT. Hộp số CVT của Nissan có hiện tượng dây cao su khá khó chịu, nhất là khi bạn muốn vượt xe ở tốc độ khoảng 80 km/h: bạn đạp ga dứt khoát để vượt xe, động cơ vọt lên 5.000 vòng/phút, gào rú mãnh liệt nhưng chiếc xe … chỉ tà tà tăng tốc một cách rất từ tốn. Người lái sẽ chịu cảm giác như động cơ và tốc độ của xe dường như chẳng liên quan gì tới nhau.
Về cảm giác vận hành ở tốc độ cao, hộp số CVT cho trải nghiệm phần nào thua kém hộp số có cấp độ của các đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên, nếu cứ chạy điềm tĩnh và duy trì tốc độ ổn định, bạn sẽ lại thấy chiếc Nissan X-Trail hiền hòa, thoải mái như chạy phố, với vô lăng đầm chắc rất đáng tin cậy. Bạn không cần phải dùng quá nhiều lực để giữ chiếc X-Trail chạy trên đường thẳng.
Ở bãi thử xe ưa thích của chúng tôi tại Đồng Mô, tôi có thử bài chạy zig zag ở tốc độ khoảng 60 km/h. Chiếc xe không cho tôi cảm giác tự tin lắm vì tôi gần như không có cảm nhận mặt đường, thân xe nghiêng khá nhiều bởi xét cho cùng, X-Trail là một chiếc crossover gầm cao 7 chỗ ngồi. Đến lúc này, tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng Nissan X-Trail là một chiếc xe gia đình tuyệt vời trong môi trường đô thị, nhưng không thể thỏa mãn những yêu cầu khắt khe của một người thích cầm lái.
Bài thử cuối cùng mà chúng tôi dành cho X-Trail là offroad. Hệ thống dẫn động 4 bánh của X-Trail làm việc khá hiệu quả qua các bài thử đi đường bập bênh, lên dốc, xuống dốc. Xe có khoảng sáng gầm xe 210mm, góc tới cũng khá tốt: 24,8 độ nhưng góc thoát lại chỉ ở mức 17,3 độ. Trong hầu hết tình huống thì X-Trail đều chinh phục tốt địa hình cỏ ướt, bùn lầy nhưng người lái vẫn cần cẩn trọng với chân ga và vô lăng nếu không muốn bị mắc kẹt. Bài học rút ra qua phép thử offroad là bạn có thể hoàn toàn tự tin đi về mọi nẻo miền quê với X-Trail, nơi đường nhựa không phải lúc nào cũng có sẵn nhưng đừng tham dự bất kỳ giải đua việt dã nào với chiếc X-Trail nguyên bản của bạn!
Trong tình huống này, chiếc X-Trail vẫn "quẫy" ra được nhưng điều đó còn phụ thuộc vào kinh nghiệm chạy offroad của người lái
Nissan X-Trail không phải là mẫu xe xuất sắc nhất trong phân khúc ở một vài tiêu chí, nhưng sự thực dụng, khoang cabin rộng rãi, cảm giác lái êm ái và 7 chỗ ngồi là những yếu tố quyết định khiến mẫu crossover này được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Xét ở một góc độ nào đó, Nissan X-Trail chẳng khác nào gà rán KFC – không phải là ngon nhất nhưng đủ ngon để trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.