Đánh giá xe Porsche 911 Carrera 2017 - Biểu tượng bất diệt

Người ta thường nói: “đừng bao giờ gặp anh hùng của bạn” (never meet your heroes) vì rất có thể họ ở ngoài đời không được hào nhoáng, mạnh mẽ và tài năng như bạn tưởng. Thật vậy, không ít người có xu hướng “thần thánh hóa” một điều gì đó mà họ chưa từng được thấy, chưa từng được cảm nhận. Hy vọng càng nhiều thì thất vọng cũng nhiều không kém. Thật may là tôi không thấy hối tiếc, thậm chí còn khao khát sở hữu Porsche 911 hơn sau khi trải nghiệm nó.

54 năm lịch sử, hơn 1 triệu chiếc xuất xưởng

Hiếm có dòng xe nào giữ được sức hấp dẫn và cá tính đặc trưng trong hơn 50 năm như Porsche 911. Đây là dòng xe mang tính biểu tượng của Porsche. Được giới thiệu lần đầu năm 1963, trùng với thời điểm thương hiệu Lamborghini ra đời, dòng xe 911 có tuổi đời lên tới 54 năm và là một trong những dòng xe có tuổi đời lâu nhất thế giới.

Porsche 911 với kiểu dáng thuôn mượt hình giọt nước, động cơ 6 xy lanh đối đỉnh đặt sau đã đặt nền móng cho mọi chiếc Porsche sau này. Tháng 5 vừa qua, chiếc Porsche 911 thứ 1 triệu được sản xuất và tính tới thời điểm hiện tại, vẫn còn tới 150.000 chiếc Porsche 911 được sản xuất từ năm 1964 đến 1989 vẫn còn lăn bánh, chứng minh độ bền đáng nể của dòng xe thể thao này. Hãy cùng nhìn lại lịch sử dòng xe này để thấy được sự thay đổi dần dần sau 7 thế hệ của 911.

1963 – Sự khởi đầu:

Ảnh: Porsche

Dòng xe 911 ra đời nhằm thay thế 356, dòng xe đầu tiên của Porsche. Ngay từ khi mẫu xe ý tưởng Porsche 901 được giới thiệu tại triển lãm Frankfurt 1963, nó đã lập tức chiếm được cảm tình của người hâm mộ hãng xe Đức. Năm 1964, những chiếc Porsche 911 đầu tiên được bán ra (Peogeot không cho phép Porsche sử dụng tên gọi 901 vì họ sở hữu quyền đặt tên xe có số 0 ở giữa, buộc Porsche đổi tên thành 911). Năm 1966, Porsche 911 Targa ra đời, trở thành chiếc xe mui trần an toàn đầu tiên trên thế giới (trước đó, xe không có mui cứng vô cùng nguy hiểm vì không có cơ chế bảo vệ khách khách khi lật xe). Đỉnh cao của dòng 911 thế hệ đầu là phiên bản 911 Carrera RS 2.7 ra đời năm 1972. Với công suất 210 mã lực và cân nặng chưa đầy 1 tấn, chiếc xe hiệu suất cao này với cánh gió sau kiểu đuôi vịt đặc trưng trở thành một trong những dòng 911 được săn đón nhất bởi giới sưu tập xe. Số lượng xe được sản xuất: 81.100.

1973 – 911 G Series:

Ảnh: Porsche

10 năm sau sự ra đời của dòng xe 911, các kỹ sư Porsche trình làng thế hệ 911 G Series với nhiều cải tiến đáng kể. 911 G Series lên dây chuyển sản xuất từ năm 1973 đến 1989, trở thành đời xe được sản xuất thương mại lâu nhất của Porsche. Về mặt thẩm mỹ, G Series sở hữu tấm cản trước lồi hẳn ra, khác biệt hoàn toàn so với thế hệ đầu tiên. Đây là thay đổi nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn tại thị trường Mỹ. Ngôi sao sáng nhất của thế hệ G Series là Porsche 911 Turbo, ra đời năm 1974. Đây là mẫu xe thương mại đầu tiên của Porsche sở động cơ tăng áp 6 xy-lanh đối đỉnh, công suất tối đa 260 mã lực. Năm 1977, Porsche tiếp tục giới thiệu hệ thống làm mát khí nạp cưỡng bức, nâng công suất của mẫu Turbo lên tới 300 mã lực, cao nhất trong phân khúc. Thế hệ G Series có doanh số cực tốt: 198.414 chiếc 911 G Series đã xuất xưởng.

Porsche 911 GT3 RS của Cường Đô La "khoe dáng" tại Sài Gòn

1988 – Thế hệ 964

Ảnh: Porsche

Porsche 911 964 vẫn sở hữu khung gầm có nguồn gốc từ những chiếc 911 đầu tiên nhưng đã được làm mới 85%. Thế hệ 964 được bổ sung hàng loạt công nghệ giúp người lái tận hưởng hiệu năng 911 thoải mái hơn, như hệ thống ABS, hộp số tự động Tiptronic, vô lăng trợ lực thủy lực, túi khí, hệ thống treo lò xo hợp kim thay vì dạng thanh xoắn trước đó. Động cơ boxer 6 xy-lanh 3.6 lít làm mát bằng khí được nâng cấp để có công suất lên tới 250 mã lực. Một thành viên nổi bật của thế hệ 964 là Carrera 4 – chiếc 911 đầu tiên được trang bị hệ dẫn động bốn bánh. Năm 1992, Porsche 911 Turbo được nâng cấp, sở hữu công suất tối đa 360 mã lực. Số lượng 911 964: 74.800 chiếc.

1993 – Thế hệ 993 

Ảnh: Porsche

Những chiếc 911 993 luôn được fan cuồng Porsche “tôn thờ”, cho rằng thế hệ 933 là thời kỳ hoàng kim nhất của dòng 911. Xe sở hữu những đường nét thiết kế chuẩn mực của 911 từ trước tới nay: cản trước gắn liền mũi xe, mui xe thuôn mượt và cực thấp nhờ việc sử dụng đèn pha hình bầu dục, thay vì hình tròn vuông góc với mặt đất. Những chiếc 911 đời 933 cũng sở hữu sự linh hoạt vượt trội với khung gầm nhôm hoàn toàn mới. Đỉnh cao của dòng 933 là phiên bản 911 GT2 với công suất đủ sức cạnh tranh với những siêu xe cùng thời. Dù vậy, nguyên nhân chủ yếu mà người hâm mộ Porsche nhớ đến thế hệ 933 là vì đây là những chiếc 911 cuối cùng sở hữu động cơ boxer làm mát bằng khí. Số lượng 911 993: 67.535 chiếc.

1997 – Thế hệ 996

Ảnh: Porsche

Có lẽ 996 là thế hệ 911 bị hắt hủi nhất bởi người hâm mộ Porsche. Họ có nhiều lý do để ghét 996: đây là dòng 911 đầu tiên sở hữu động cơ làm mát bằng nước, đánh mất âm thanh đầy xúc cảm của động cơ boxer làm mát bằng khí. 996 cũng là đời 911 có thiết kế gây tranh cãi nhất với đèn pha hình … trứng tráng giống với đàn em Boxster. Dù vậy, Porsche 996 vẫn là những chiếc xe hoàn toàn vượt trội so với những chiếc 911 thế hệ trước: nhanh hơn, mạnh hơn, nội thất sang trọng hơn, rộng rãi hơn và … thân thiện hơn với người lái. Chính điều đó khiến doanh số dòng 911 bùng nổ, vì nhiều người có thể tận hưởng dòng xe này hơn. Porsche 996 gần như không còn hiện tượng văng đuôi theo thiên hướng khó kiểm soát của những chiếc 911 đời đầu khi vào cua, và mẫu 911 GT3 ra đời năm 1999 thực sự là một bước tiến lớn về hiệu năng của dòng 911. Số lượng xe 911 996 được sản xuất: 179.163 chiếc.

2004 – Thế hệ 997 

Ảnh: Porsche

Có thể nói ngắn gọn là thế hệ 997 tốt hơn mọi mặt so với 996, cả về thẩm mỹ lẫn hiệu năng. Đèn pha hình bầu dục đã quay trở lại, thay thế đèn kiểu “trứng tráng” của 996, kiểu dáng đặc trưng của dòng 911 vẫn được giữ nguyên nhưng được tinh chỉnh đôi chút. Porsche 911 997 thực sự là những cỗ máy hiệu năng cao với động cơ 3.6 của bản Carrera tiêu chuẩn cũng sở hữu công suất 325 mã lực, trong khi phiên bản S với động cơ 3.8 mạnh tới 355 mã lực. Năm 2008, hộp số PDK lần đầu tiên xuất hiện, thay thế Tiptronic và chưa bao giờ đại gia đình 911 đông đúc đến thế với 24 biến thể, biến dòng xe 911 trở nên phù hợp với mọi khách hàng ở mọi lứa tuổi khác nhau. Số lượng xe sản xuất: 215.902.

2011 – Thế hệ 991:

Ảnh: Porsche

Porsche 911 thế hệ thứ 7 (991) được kết tinh từ kinh nghiệm sản xuất xe với động cơ đặt sau của Porsche trong nửa thập kỷ. Đây là những chiếc Porsche 911 lớn nhất từ trước tới nay (trục cơ sở dài hơn 100 mm, dài hơn 70mm so với 997), cho thấy dòng 911 nay đã mang thiên hướng GT nhiều hơn thay vì thiết kế nhỏ gọn của những đời đầu. Năm 2015, Porsche giới thiệu bản facelift 991.2 và đó cũng là chiếc 911 mà nhóm phóng viên Xehay trải nghiệm ngày hôm nay. Lần đầu tiên, tất cả phiên bản 911 (trừ dòng GT3, GT3 RS) đều mang trong mình động cơ tăng áp. Liệu thay đổi này có khiến 991 911 lại một lần nữa “mất chất”? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

 

Porsche tăng trưởng kỷ lục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2017

Sức cuốn hút của một biểu tượng

Nhìn vào chiếc 991.2 911 Carrera ngay trước mặt, tôi dễ dàng nhận thấy dấu ấn của những chiếc 911 đầu tiên. Đó là thiết kế thân xe đặc trưng dạng fastback, là cửa sổ phụ bên hông với thiết kế không hề thay đổi sau nửa thập kỷ, gương chiếu hậu vẫn gắn ở cửa xe chứ không phải cột A và còn là 2 cụm đèn pha lồi hẳn lên, ở giữa là nắp cốp trước thuôn phẳng. 911 không chỉ là một biểu tượng của Porsche mà còn là của toàn ngành công nghiệp xe hơi – rất ít dòng xe có thể trở thành một biểu tượng trường tồn như thế. Nếu như trong suốt 54 năm tồn tại, dòng xe 911 có một thế hệ hoàn toàn khác biệt về kiểu dáng tổng thể thì có lẽ cái tên 911 đã không trở thành chuẩn mực thiết kế của một chiếc xe thể thao như ngày hôm nay.

Trong suốt 7 thế hệ, trải dài hơn nửa thế kỷ, dòng xe 911 luôn sở hữu vẻ bề ngoài hiện đại nhưng lại không chạy theo trào lưu đương thời. Đó là yếu tố thiết kế then chốt để một chiếc xe trở thành một biểu tượng. Tuy nhiên, các nhà thiết kế Porsche không thể cứ giữ mãi một hình dáng nhất định được. Dù vẫn phải giữ nguyên kiểu dáng cơ bản của 911, họ cần tạo ra những thay đổi, dù nhỏ, nhưng cần thiết để mang lại nét hiện đại cho dòng xe này. Chiếc 911 thế hệ mới nhất mà tôi trải nghiệm vẫn mang kiểu dáng thuôn mượt hình giọt nước quen thuộc, nhưng những chi tiết như đèn pha LED, đèn định vị đặt ngang hay đèn hậu sắc lẹm cũng đủ để khiến thế hệ 991.2 không trở nên lỗi thời.

Dạo quanh một vòng chiếc 911 với màu sơn cam Lava Orange bắt mắt (màu sơn này “ngốn” tới 150 triệu đồng!), những sự thay đổi về mặt ngoại thất so với thế hệ 991.1 là khá rõ ràng. Ở phần đầu xe, tấm cản trước được làm mới với các khe tản nhiệt lớn hơn. Khi xe di chuyển, các khe này đóng lại để giảm lực cản không khí nhưng khi bật chế độ Sport/Sport Plus hay bất kể khi nào động cơ cần được làm mát nhiều hơn, các khe này lại mở để tăng hiệu quả làm mát. Đây là thiết kế học hỏi từ mẫu hypercar Porsche 918 Spyder.

Chiếc 911 Carrera tiêu chuẩn mà chúng tôi trải nghiệm được trang bị đèn pha full LED thông minh, chiếu theo góc rẽ (có giá tới 148,7 triệu đồng!), đèn hậu thiết kế 3D mới, nắp che động cơ nay có các thanh nan dọc thân xe thay vì dàn hàng ngang như thế hệ 991.1. Chiếc 911 Carrera tiêu chuẩn mà Xehay trải nghiệm còn sở hữu la-zăng 20 inch theo kiểu Carrera S (82 triệu đồng), cửa sổ trời chỉnh điện (129 triệu đồng) và hệ thống ống xả thể thao 129,5 triệu đồng. Hàng loạt tùy chọn thêm cả về nội, ngoại thất là lý do vì sao chiếc 911 Carrera này có giá bán lên tới 8,2 tỷ đồng, dù giá tiêu chuẩn chỉ 6,1 tỷ. Nhìn chung, Porsche 991.2 không có quá nhiều thay đổi đáng kể về mặt thẩm mỹ, điều này là có thể đoán trước vì đây chỉ là một bản facelift của đời 991.1, không phải là một thế hệ hoàn toàn mới.

[ĐÁNH GIÁ XE] Porsche Panamera 4S 2017 - chiếc coupe bốn cửa thuần chất

Nội thất quen thuộc

Ngồi yên vị ở ghế lái, liếc mắt nhìn gương chiếu hậu. À! Vòm bánh xe sau tròn lẳn vẫn “chém” một ít vào khung cảnh trong gương. Đây là chi tiết luôn gợi nhớ tôi rằng mình đang ngồi trong một chiếc 911. Phần hông nở nang này là một trong những nét thiết kế đặc trưng của dòng 911 và chỉ khi ngồi ở ghế lái, bạn mới thấy đây là một chi tiết đặc biệt.

Nguồn: Internet

Hầu hết mọi diện tích trong khoang cabin được bọc da Agate màu đen, nhôm và sợi các-bon, trong khi trần xe bọc da Alcantara. Tuy nhiên, vì đã trải nghiệm bảng nút bấm cảm ứng của Panamera thế hệ mới nên các nút bấm bằng nhựa trên bảng điều khiển trung tâm của 911 phần nào khiến tôi hụt hẫng. Dù vậy, ấn tượng chung về khoang nội thất của Porsche 911 vẫn là rất sang trọng và ấn tượng, đơn giản chỉ là không gian bên trong Panamera tuyệt vời hơn thôi! Điều ấy cũng rất dễ hiểu bởi Panamera vẫn được hướng về mảng sang trọng nhiều hơn là 911 – chiếc xe thu hút khách hàng bởi hiệu năng thể thao.

Giống như ngoại thất, nội thất chiếc 911 là nơi Porsche thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa những giá trị truyền thống và công nghệ của tương lai. Bạn vẫn thấy cụm 5 đồng hồ trung tâm với đồng hồ tua máy ở giữa, vẫn thấy cần số đậm chất cơ khí, vẫn là đồng hồ cơ đặt giữa bảng táp lô và nhất là ổ chìa khóa nằm bên trái vô lăng.

Chìa khóa cắm bên trái vô lăng là một chi tiết thể hiện tính truyền thống của Porsche. Nhiều năm về trước, rất nhiều giải đua áp dụng "Sprint start": tất cả xe đua đậu ở 1 bên đường, các tay đua thì đứng ở bên đường bên kia. Khi hiệu lệnh bắt đầu cuộc đua vang lên, các tay đua sẽ chạy thật nhanh đến xe của mình và khởi động xe nhanh nhất có thể. Kiểu bắt đầu cuộc đua thú vị này khiến tay đua nào vào xe, khởi động và cho xe lăn bánh càng sớm thì càng có một khởi đầu tốt. Chìa khóa Porsche nằm ở bên trái là để khi tay đua vừa bước vào xe thì: tay trái vặn chìa khóa, chân trái đạp côn, chân phải sẵn sàng đạp ga trong khi tay phải vào số một. Tứ chi đều được tận dụng để tay đua khởi đầu nhanh nhất có thể. Chìa khóa cắm bên trái vô lăng từ đó đã trở thành một trong những nét đặc biệt của mọi chiếc Porsche.

Bên cạnh các yếu tố mang tính truyền thống đó là chiếc vô lăng tuyệt đẹp được lấy cảm hứng từ Porsche 918 Spyder, là màn hình cảm ứng 7 inch khá nhạy bén và sắc nét, khả năng kết nối Apple Carplay, dàn loa Bose Surround Sound 12 loa, 555 watt, camera và cảm biến lùi, khả năng phát wifi v.v.. Porsche 911 cũng là một chiếc xe thể thao khá hữu dụng với thiết kế 2+2. Hai ghế sau dù rất nhỏ nhưng hai người lớn vẫn có thể cố nhét mình vào trong khoang sau nếu thực sự cần thiết. Hai ghế sau khi gập lại sẽ tạo thành khoang chứa đồ dung tích 260 lít, cộng với dung tích cốp trước 145 lít là bạn đã có tổng dung tích chứa đồ 405 lít. Tuy nhiên, những yếu tố như công nghệ giải trí hay khả năng chứa đồ chẳng thể nào quan trọng bằng điểm hấp dẫn nhất của dòng 911: trải nghiệm lái.

Động cơ tăng áp có khiến 911 “mất chất”?

Sự thay đổi mà fan cuồng Porsche “sợ” nhất ở thế hệ 991.2 là từ nay, phiên bản tiêu chuẩn Carrera, Carrera S và cả GTS cũng đều sở hữu động cơ boxer tăng áp 3.0 lít. Với phiên bản Carrera tiêu chuẩn, động cơ 3.0 lít mới có công suất tối đa 370 mã lực, lực mô-men xoắn cực đại 450 Nm trải dài từ tua vòng 1.700 – 5.000 vòng/phút. Với gói Sport Chrono, Porsche 911 Carrera chỉ cần 4.2 giây để chạm mốc 100 km/h trước khi đạt tốc độ tối đa 293 km/h.

Porsche Driving Experience ra mắt tại Sepang, Maylaysia

Với những fan cuồng Porsche, cuồng đến mức độ tiêu cực, thì hãng xe họ yêu quý đã không ít lần “phản bội” họ. Đó là khi 911 đời 996 ra đời, đánh dấu sự kết thúc của động cơ Boxer làm mát bằng khí, hay khi 991.1 trình làng với vô lăng trợ lực điện và khi 991.2 ra đời với sức mạnh tăng áp bao phủ lên cả phiên bản tiêu chuẩn. Họ cuống cuồng đổ xô đi mua 993 hay 964, làm các đời 911 này đội giá phi mã, trong khi “tội đồ” 996 tụt giá thê thảm. Có thể nói, một bộ phận fan Porsche cũng bảo thủ như chính triết lý thiết kế của dòng 911 vậy.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn, ta sẽ thấy Porsche không sai khi đưa ra những lựa chọn của mình với dòng 911. Porsche phải bơi cùng dòng chảy thời gian, phải tự làm mới mình để không tụt lại phía sau, không để đối thủ vượt mặt. Việc thay đổi từ động cơ làm mát bằng khí sang làm mát bằng nước khiến khối Boxer 6 xy-lanh huyền thoại tốt hơn ở mọi tiêu chí có thể đo đạc được, từ hiệu suất đến tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng hệ thống trợ lực vô lăng điện giúp giảm chi phí sản xuất, tăng độ bền và giảm tiêu thụ nhiên liệu; sử dụng động cơ tăng áp giúp ngay cả phiên bản tiêu chuẩn cũng đạt hiệu suất tiệm cận với siêu xe hơn, trong khi khiến việc sử dụng xe hàng ngày dễ dàng hơn, khiến dòng xe 911 tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Quay trở lại với câu hỏi quan trọng nhất: liệu động cơ tăng áp có khiến 911 Carrera “mất chất”?

Nếu nói về vấn đề sử dụng tăng áp trong xe thương mại, Porsche chắc hẳn là một trong những tay chơi lão luyện nhất. Năm 1975, Porsche trình làng 911 Turbo, chiếc 911 sở hữu động cơ tăng áp đầu tiên của mình, và đó là chiếc xe thương mại nhanh nhất được bán ra tại Đức tại thời điểm đó. Một số hãng xe khác đã thử áp dụng hệ thống tăng áp vào xe thương mại từ nhiều năm trước nhưng tất cả đều phải từ bỏ ý tưởng này vì vấn đề tản nhiệt. Porsche 911 Turbo là mẫu xe đầu tiên có tăng áp nhưng vẫn đảm bảo sự bền bỉ và hiệu năng ưu việt. Năm 1995, dòng 911 Turbo đời 993 lần đầu tiên được trang bị hệ thống tăng áp kép và năm 2006, Porsche là hãng xe đầu tiên áp dụng thành công turbo tăng áp điều khiển cánh (VGT - Variable geometry turbocharger) trên động cơ xăng thương mại.

Ảnh: Porsche

Công nghệ turbo tăng áp VGT được sử dụng rộng rãi trong động cơ turbo sử dụng nhiên liệu diesel kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, công nghệ này chưa bao giờ được ứng dụng trên động cơ xăng cho tới khi loại Type 997 Porsche 911 Turbo ra đời. Nguyên nhân bởi nhiệt độ khí xả do xe sử dụng VGT trên máy xăng tạo ra lớn hơn rất nhiều so với xe dùng máy dầu (máy xăng có nhiệt độ khí xả xấp xỉ 1.000 độ C, trong khi máy dầu là khoảng 700 đến 800 độ C), do vậy vật liệu sử dụng để chế tạo VTG không chịu nổi sức nóng đó. Porsche 911 997 Turbo sử dụng kiểu turbo VGT của BorgWarner dùng một loại vật liệu đặc biệt bắt nguồn từ công nghệ chế tạo tàu vũ trụ, do đó giải quyết được vấn đề nhiệt độ. Từ đó công thức chế tạo loại turbo có hình dạng biến đổi này được nhiều hãng tiếp thu và ứng dụng trong các sản phẩm của mình.

Sau một ngày trải nghiệm 911 thế hệ mới, tôi tin rằng động cơ 3.0 tăng áp mới không hề làm “cụ tổ 911” đời 1963 thất vọng. Động cơ tăng áp này có thể đạt tua vòng tối đa lên tới 7.500 vòng/phút và quan trọng hơn cả, nó có cách thể hiện sức mạnh giống hệt như động cơ nạp khí tự nhiên (NA) 3.4 và 3.8 trước đó.

Chiếc xe tôi trải nghiệm có trang bị gói Sport Chrono, mang đến tính năng Launch Control giúp xe tăng tốc từ 0 km/h tốt nhất. Bật chế độ Sport Plus, đạp mạnh chân ga và chân phanh. Khối động cơ vọt lên hơn 6.000 vòng/phút, sẵn sàng phô diễn trọn vẹn 370 sức ngựa. Nhả phanh! Chiếc 911 Carrera lao vút đi với gia tốc đáng ngạc nhiên đối với một chiếc xe dưới 400 mã lực. Bên cạnh gia tốc, một thứ đặc sản không thể thiếu đối với mọi mẫu xe thể thao là âm thanh từ động cơ và ống xả. Một chiếc xe dù nhanh như thế nào nhưng không có một “giọng ca” đủ cao, đủ lớn và đủ cung bậc thì cũng không thực sự mang lại cảm giác “sướng” khi tăng tốc.

Thật may, 2 cuộn tăng áp không làm mất đi tiếng gào tê tái đặc trưng của động cơ Boxer, nhất là tiếng thét “u u u” khiến bạn rợn tóc gáy ở dải tua 6.500 đến 7.500 vòng/phút. Khối động cơ tăng áp này thể hiện sức mạnh một cách rất lũy tiến, không giật cục, không có cảm giác “luồng sức mạnh thứ hai” hay gặp trên các động cơ sở hữu hệ thống tăng áp cung cấp khí nén có áp suất rất cao. Đặc tính đó kết hợp với âm thanh giòn tan của máy Boxer khiến bạn gần như quên rằng mình đang điều khiển một khối động cơ tăng áp.

Công bằng mà nói, nếu chấm sự “sướng” mà âm thanh động cơ boxer nạp khí tự nhiên mang với thang điểm là 10, động cơ tăng áp mới sẽ đạt 8 điểm. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng huýt của tăng áp, hiện tượng trễ tăng áp dù được giảm tối đa vẫn còn có thể cảm nhận, nhất là ở tua vòng dưới 3.000 vòng/phút và âm thanh động cơ - ống xả nghe từ bên ngoài xe không thực sự cuốn hút như khi bạn ngồi trong xe. Dù vậy, khối động cơ 3.0L mới đạt tua vòng tối đa đủ nhanh, đủ mãnh liệt, đủ lũy tiến và cho âm thanh đủ hay để bạn có thể bỏ đi nỗi băn khoăn về động cơ tăng áp và tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại.

Nhằm hạn chế hiện tượng trễ tăng áp, Porsche đã áp dụng một hệ thống “anti-lag” tương tự như trên những chiếc xe rally: khi bạn nhả chân ga (ví dụ như trước khi vào cua), ECU vẫn điều khiển bướm ga mở hé, để một lượng không khí nhất định vẫn lọt vào xy lanh và duy trì trang thái hoạt động của 2 cuộn tăng áp. Điều này giúp tăng áp vẫn hoạt động ở một mức độ nào đó khi người lái nhả chân ga và khi họ lại đạp ga, hệ thống tăng áp đã sẵn sàng cung cấp thêm công suất cho động cơ.

Ngoài khoản âm thanh, động cơ mới hoàn toàn lất át động cơ nạp khí tự nhiên cũ, nhất là ở công suất ở dải tua thấp và trung, điều khiến bạn dễ dàng khai thác tiềm năng của 911 cả ở trên đường phố cũng như ở cung đường núi ưa thích của bạn. Lực mô men xoắn cao và trải dài từ tua vòng thấp đến cao (450 Nm tại 1.700 – 5.000 vòng/phút) khiến 911 trở thành mẫu xe cực kỳ dễ lái hằng ngày. Với chế độ Comfort, thậm chí động cơ chỉ hoạt động ở vòng tua hơn 900 vòng/phút một chút ở tốc độ 50 km/h, ở 100 km/h chi 1.700 vòng/phút, một mức rất ấn tượn đối với một mẫu xe thể thao.

Tuy nhiên, chỉ cần vặn núm sang chế độ Sport hay Sport Plus, chiếc 911 sẵn sàng cho bạn dính ghế bất cứ lúc nào, hộp số PDK sang số dứt khoát hơn và ở tua vòng cao hơn và hệ thống treo khí nén PASM cũng trở nên cứng hơn, liên tục biến thiên lực giảm chấn ở từng bánh xe khác nhau, mang đến sự cân bằng cần thiết cho chiếc 911. Vô lăng của chiếc 911 cho cảm giác lái đầy tự tin: đầm chắc ở tốc độ cao, nhẹ nhàng ở tốc độ thấp và nó phản ứng tức thì với từng centimét hành trình vô lăng của người lái. Khung gầm xe cũng rất cứng cáp. Bạn chỉ có thể khám phá giới hạn của khung gầm Porsche 911 ở trong trường đua mà thôi.

Nhắc đến cá tính của động cơ Boxer mà không nhắc đến vị trí nó nằm trên chiếc 911 là không đủ, chắc chắn là không đủ. Động cơ đặt sau trục bánh xe sau là yếu tố khiến cầm lái một chiếc 911 lại trở nên thú vị như thế. Porsche 911 thế hệ 991 có tỷ lệ phân bổ trọng lượng cực kỳ chênh lệch, lên tới 36/64 trước/sau vì cấu trúc động cơ đặt sau (động cơ luôn là thành phần nặng nhất trên một chiếc xe). Vậy kết cấu động cơ đặt sau mang lại những ưu điểm gì?

Đầu tiên, đó là khả năng phanh tốt hơn. Porsche 911 luôn là một trong những chiếc xe có quãng đường phanh ngắn nhất. Liệu có phải do Porsche có công nghệ sản xuất phanh tốt nhất? Chưa chắc, vì hầu hết các hãng sản xuất xe đều phần nào sử dụng chung công nghệ phanh từ những nhà sản xuất thứ ba, đơn cử như Brembo.

Khả năng phanh xuất chúng của những chiếc 911 phần nhiều đến từ việc hai bánh sau mang nhiều trọng lượng hơn. Khi bạn đạp phanh, chiếc xe (và cả bạn) sẽ chúi về phía trước, khi đó trọng lượng xe sẽ dồn về hai bánh trước nhiều hơn. Porsche 911 với gần 2/3 trọng lượng đặt trên hai bánh sau sẽ khiến bánh sau “chia sẻ” bớt sức nặng dồn lên bánh trước, giúp bánh trước không bị quá tải và giảm độ bám, hiện tượng không hiếm gặp đối với những chiếc xe có động cơ đặt trước. Tất nhiên, điều ấy đồng nghĩa với việc hệ thống phanh sau phải làm việc vất vả hơn. Do đó, Porsche 911 được thiết lập để hệ thống phanh sau chiếm tới 40% lực phanh tổng thể, trong khi con số này với xe có động cơ đặt trước thường chỉ là 20 đến 30% mà thôi.

Lợi thế tiếp theo là khả năng tăng tốc tốt hơn. Đương nhiên rồi, hay bánh sau chịu nhiều trọng lượng hơn, đương nhiên chúng sẽ có độ bám đường tốt hơn, đồng nghĩa với việc lực kéo động cơ có thể được truyền xuống mặt đường hiệu quả hơn. Tiếp theo, đó là khả năng vào cua tốt hơn. Hai bánh trước chịu ít trọng lượng xe hơn có nghĩa là chúng sẽ chuyển hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Xe với tỷ lệ trọng lượng thiên về đuôi xe sẽ có thiên hướng thừa lái (oversteer), tức là phần đuôi xe luôn có xu hướng văng ra phía bên ngoài khúc cua. Và cũng chính việc phần lớn trọng lượng xe đặt trên bánh sau giúp xe có thể tăng tốc sớm hơn, nhanh hơn khi ra cua. Cá tính thừa lái này giúp những tay lái cứng cựa có thể vận dụng kỹ năng đánh lái ngược để tạo ra những cú drift ngoạn mục, hay bám chặt racing line để vào cua, ra cua với tốc độ cao.

Lái một chiếc xe dẫn động cầu sau sở hữu 370 mã lực trong điều kiện mưa lớn chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Tốt hơn hết là bạn không nên tắt hệ thống cân bằng điện tử.

Tuy nhiên, đôi khi đặt quá nhiều trọng lượng vào bánh sau và không cung cấp cho chiếc xe những bộ lốp và hệ thống treo xứng đáng sẽ khiến cầm lái chiếc xe đó trở nên khá … đáng sợ. Trong suốt một thời gian dài, Porsche bị chỉ trích vì những chiếc 911 đầu tiên cho người lái cảm giác như đang vật tay với thần chết. Sự kết hợp giữa 4 chiếc lốp mỏng teo có kích thước đồng đều, hệ thống treo không quá hiệu quả và trọng lượng xe dồn phần nhiều về bánh sau khiến Porsche 911 thế hệ đầu rất khó lái và không phải ai cũng có thể khai phá hết tiềm năng của xe.

Cảm giác lái ấn tượng của Porsche 911 thời hiện đại không thể ngẫu nhiên mà có. Porsche đã âm thầm cải tiến dòng xe này bằng cách dần dịch chuyển động cơ lên vị trí giữa xe qua từng thế hệ, liên tục thử nghiệm và trau truốt hệ thống treo, khung gầm, thiết kế lại thân xe, bổ sung các chi tiết khí động học chủ và bị động và thậm chí là tinh chỉnh để chiếc 911 giờ đây đã thêm phần thiếu lái (understeer), bớt đi hiện tượng thừa lái (oversteer) để đại bộ phận người sở hữu 911 – vốn không phải các tay đua chuyên nghiệp – có thể tiếp cận và khai phá tiềm năng của 911 dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, dễ dàng hơn không có nghĩa là nhàm chán hơn. Porsche 911 vẫn là một cỗ máy cực kỳ tuân lệnh người lái – bạn hướng về đâu, chiếc xe sẽ ngay lập tức hướng về phía đó, động cơ cung cấp sức kéo đáng nể ở mọi tốc độ vòng tua, hộp số PDK dường như đọc được bạn đang nghĩ gì và chuyển số một cách hoàn hảo và bộ lốp Pirelli P Zero mới cung cấp độ bám đường tuyệt hảo. Thực sự, hiếm chiếc xe nào có thể kết nối với người lái một cách thuyết phục như vậy. Chiếc xe gần như trở thành một phần cơ thể bạn. Càng lái, tôi lại càng hiểu vì sao Porsche 911 lại là một chiếc xe thể thao có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Qua 7 thế hệ với vô số cải tiến, Porsche 911 dường như đã tiệm cận hai từ “hoàn hảo”. Kể cả khi dòng xe 911 đã đạt đến đỉnh cao như vậy, những cá nhân thực sự yêu quý dòng xe này (như tôi!) vẫn không khỏi băn khoăn liệu cái tên 911 sẽ có những bước chuyển mình nào nữa trong tương lai. Băn khoăn chứ! Nhất là khi phiên bản đua 911 RSR hiện đang mang trong mình động-cơ-đặt-giữa và một phiên bản 911 hybrid cũng sẽ sớm trình làng. Có lẽ sự băn khoăn, lo lắng đó cũng phần nào giống với cảm xúc của rất nhiều fan Porsche khi dòng xe 911 dần chuyển mình từ động cơ làm mát bằng khí sang làm mát dung dịch, từ vô lăng trợ lực dầu sang trợ lực điện và từ nạp khí tự nhiên sang tăng áp. Tôi không biết tương lai 911 như thế nào, nhưng tôi tin rằng cứ mỗi thế hệ 911 mới ra đời, các kỹ sư Porsche sẽ lại “tái định nghĩa xe thể thao”, như cách họ vẫn làm trong suốt 54 năm.

Một số hình ảnh khác về Porsche 911 Carrera 2017:                 

 

Tin tức liên quan
Porsche 911 Carrera Cabriolet 2020 - Thật khó để buông lời "chê" chiếc xe thể thao này !

Porsche 911 Carrera Cabriolet 2020 - Thật khó để buông lời "chê" chiếc xe thể thao này !

Porsche 911 Carrera S Cabriolet 2020 giá hơn 8,5 tỷ đầu tiên Việt Nam lăn bánh ra phố, biển số đặt ra dấu hỏi lớn

Porsche 911 Carrera S Cabriolet 2020 giá hơn 8,5 tỷ đầu tiên Việt Nam lăn bánh ra phố, biển số đặt ra dấu hỏi lớn

Porsche Carrera GT Signal Yellow độc nhất vô nhị được "hét giá" tới 28,78 tỷ VNĐ

Porsche Carrera GT Signal Yellow độc nhất vô nhị được "hét giá" tới 28,78 tỷ VNĐ

Porsche xuất xưởng mẫu xe 911 thứ một triệu

Porsche xuất xưởng mẫu xe 911 thứ một triệu

Rat rod Porsche 911 gây sốc tại triển  lãm Monaco

Rat rod Porsche 911 gây sốc tại triển lãm Monaco

Porsche 911 Cabriolet 2020 "bằng xương bằng thịt" ở Geneva 2019

Porsche 911 Cabriolet 2020 "bằng xương bằng thịt" ở Geneva 2019