Nếu bạn cần một chiếc xe gầm cao rộng rãi, bền bỉ, có thể chở 5 người lớn nhưng vẫn có trải nghiệm lái thú vị, nhiều khả năng Subaru Forester 2019 là chiếc xe duy nhất thỏa mãn được những tiêu chí này.
Subaru Forester là cái tên khá lạ lẫm tại thị trường Việt Nam nhưng trên bình diện thế giới, đây là mẫu xe bán chạy nhất của hãng xe Nhật Bản. Tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số Forester thậm chí còn vượt trội so với Mazda CX-5 và Hyundai Tucson với tổng số xe bán ra trong năm 2018 là hơn 170.000 chiếc.
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đài Loan là thị trường lớn nhất của Subaru, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan. Tại Việt Nam, sức hút của dòng xe gầm cao này dần ấm lên sau khi Subaru Việt Nam quyết định nhập khẩu xe từ Thái Lan thay vì Nhật Bản như trước đó. Với sự chuyển dịch này, giá xe Subaru Forester đã giảm hàng trăm triệu đồng so với trước đây và tiệm cận giá bán của những đối thủ chính như Honda CR-V hay Mazda CX-5. Cụ thể, giá bán của Subaru Forester 2019 là từ 990 triệu đến 1,199 tỷ đồng tùy phiên bản.
Subaru là thương hiệu xe Nhật mang lại nhiều cảm hứng nhất cho tôi. Đó là một hãng xe “dị biệt”, chuyển sản xuất những thứ không giống ai. Có thể kể đến những chiếc xe đua rally như Subaru Impreza 555 và những mẫu WRX kế nhiệm, rồi các xe đường phố của hãng xe Nhật này cũng rất thú vị khi vẫn giữ được cấu hình dẫn động 4 bánh, động cơ Boxer. Ngay cả 1 chiếc CUV 5 chỗ như Forester cũng có những điểm độc đáo khi so với các đối thủ đồng hương.
Thiết kế thực dụng
Subaru Forester 2019 có dáng hình cao ráo, năng động và khỏe khoắn, những yếu tố mà người tiêu dùng mong đợi ở một chiếc crossover đa dụng. Ngoại thất xe là sự pha trộn giữa những đường nét vuông vức và các đường kẻ phẳng phiu. Dù chiếc xe không sở hữu ngoại thất phá cách nhất trong phân khúc nhưng chắc chắn thiết kế của Subaru Forester 2019 sẽ dễ dàng lấy lòng phần đông người tiêu dùng. Thực sự thì phiên bản mới nhất này cũng không quá khác biệt so với bản cũ, điều này phản ánh đúng phong cách thiết kế không khoa trương và bảo tồn những đường nét truyền thống của Subaru.
Dù vậy, Forester 2019 vẫn sở hữu những điểm nhấn hiện đại. Ở phần đầu xe là cụm đèn pha mới với hộc đèn kéo dài về phía sau, hòa nhập với vòm bánh xe trước. Phần mũi xe vẫn mang thiết kế vạm vỡ với mặt ca lăng hình lục giác đặc trưng của Subaru, bên trong là phần lưới tái thiết kế và phần crôm lớn hơn ôm trọn biểu tượng 6 ngôi sao của Subaru.
Phần thân xe cũng có đủ điểm nhấn để Forester 2019 thu hút ánh nhìn. Một đường gân bắt đầu từ vòm bánh xe trước, chạy xuyên qua các tay nắm cửa và được vuốt lên ở viền kính cột D. Chi tiết này kết hợp với 2 vòm bánh xe vạm vỡ và phần nẹp cửa sáng màu ở thân dưới mang lại vẻ đẹp đậm chất off-road dù sự thực là nhiều chủ xe chỉ sử dụng Forester làm phương tiện di chuyển trong thành phố. Ở phần đuôi xe, ta có thể thấy các điểm nhấn là cụm đèn hậu được tái thiết kế hiện đại hơn và cánh lướt gió gắn liền nóc được sơn trùng màu thân xe. Nhìn chung, Subaru Forester 2019 có vẻ đẹp pha trộn giữa gen việt dã và sự bảnh bao của một chiếc CUV đường phố.
Subaru Forester 2019 có kích thước tổng thể thuộc hàng cao lớn nhất phân khúc. Xe có chiều dài 4.625 mm, chiều rộng đạt 1.815 mm, chiều cao 1.730 mm và chiều dài cơ sở đạt 2.670 mm, dài hơn phiên bản cũ 30 mm. So với Honda CR-V, Subaru Forester 2019 dài hơn 41 mm, hẹp hơn 40 mm, cao hơn 51 mm cùng chiều dài cơ sở nhỉnh hơn 10 mm. Điểm đáng lưu ý là Subaru Forester là xe 5 chỗ thuần túy nên khoảng không gian dành cho 2 hàng ghế cũng như khoang chứa đồ sẽ rộng rãi hơn xe 5+2 như CR-V. Subaru Forester 2019 có trọng lượng khô 1.580 kg và khoảng sáng gầm xe lên tới 220 mm. Đây là một con số rất đáng nể, hơn nhiều so với đối thủ cùng phân khúc và tương đương với các mẫu SUV chuyên dụng có khung gầm rời.
Khi nhìn lại ngoại thất Forester 2019, ấn tượng lớn nhất trong tôi là sự thực dụng. Cửa xe có thể mở rất rộng, khoảng 70 độ cửa trước, hơn 80 độ cửa sau nên hành khách có thể ra vào xe rất dễ dàng. Độ mở cửa là điều không phải hãng xe nào cũng làm tốt và sau khi đã thử nghiệm hàng loạt xe hơi từ lớn đến nhỏ trong thời gian gần đây, độ mở cửa cực rộng của Subaru Forester thực sự là điều khiến tôi phải ngạc nhiên.
Một chi tiết khác cũng rất thực dụng là các cửa sổ “siêu to khổng lồ” của Forester. Thiết kế này tuy không bắt mắt như xe hãng khác nhưng nó mang lại tầm nhìn rất thoáng cho hành khách trong xe. Rất, rất thực dụng! Hai mẫu xe “tiết kiệm” kích thước kính cửa sổ nhất trong phân khúc là Mazda CX-5 và Peugeot 3008 và cảm giác ngồi trong Forester thoáng đãng hơn nhiều. Chưa hết, chỉ riêng Subaru Forester là có rửa đèn pha dạng pop-up.
Nội thất cũng đậm tính thực dụng
Bên trong cabin, hành khách được tận hưởng một không gian sang trọng và đậm chất công nghệ ấn tượng hơn hẳn so với Forester thế hệ trước. Bảng táp lô được thiết kế theo chiều dọc với điểm nhấn là màn hình trung tâm 8 inch có độ sáng tốt nhưng độ sắc nét và độ phản hồi thì chưa được như tôi mong đợi. Bên trên là một màn hình phụ hiển thị các thông số như chế độ lái X-Mode, góc nghiêng thân xe, nhiệt độ dầu, nước làm mát, tình trạng hoạt động của hệ thống Eye Sight.
Các cửa gió điều hòa được bố trí dọc với viền crôm sáng bóng, mang đến nét sang trọng cho bảng táp lô. Vô lăng của Forester 2019 cũng được bọc da cao cấp và có tới 17 nút bấm cho mọi tác vụ cần thiết. Phía sau vô lăng là cụm đồng hồ kết hợp màn hình LCD màu cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của xe.
Không chỉ được nâng cấp về mặt thị giác mà khoang nội thất Forester 2019 còn có không gian rộng rãi nhất phân khúc. Khoảng để chân ở hàng ghế sau lên tới 1.000 mm, nhiều hơn 35 mm so với thế hệ trước. Những thông số như khoảng trốn trên đầu, khoảng đặt vai của cả 2 hàng ghế đều được nới rộng, cửa sau có góc mở rộng hơn vì cột C được tái thiết kế. Chưa hết, bậu cửa sau cũng được làm phẳng hơn để bạn dễ dàng để đồ lên nóc xe. Giá nóc là trang bị tiêu chuẩn trên mọi phiên bản Forester 2019.
Không gian chứa đồ phía sau cũng được mở rộng tối đa, lên tới 1.592 lít nếu gập hàng ghế sau. Cửa cốp sau của Forester 2019 cũng lớn hơn Forester thế hệ trước với chiều rộng 1.300 mm, rộng hơn tới 134 mm, đủ rộng để bạn đặt trọn 1 bộ golf theo chiều ngang của xe! Cửa cốp cũng có thể đóng bằng điện với các pít-tông thủy lực hoạt động nhanh hơn nhiều so với Forester đời cũ. Chưa hết, bạn có thể gập hàng ghế sau từ khoang hành lý chỉ bằng 2 nút bấm. Đó là những nâng cấp nhỏ nhưng đầy hữu dụng cho một chiếc xe đa dụng như Subaru Forester 2019.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Nhắc đến Subaru, ta không thể không nhắc đến 4 công nghệ chính mà họ trang bị cho rất nhiều mẫu xe của mình. Đó là hệ dẫn động bốn bánh đối xứng toàn thời gian S-AWD, động cơ Boxer, khung gầm Subaru Global Platform và gói công nghệ hỗ trợ người lái EyeSight.
Nhắc đến Subaru là nhắc đến hệ dẫn động 4 bánh đối xứng toàn thời gian S-AWD. Trong một chiến dịch quảng bá, Subaru đã đưa ra một bình luận rất hóm hỉnh: “An toàn không phải là một công việc part-time”, hàm ý rằng hệ dẫn động S-AWD của họ luôn luôn truyền lực đến cả 4 bánh xe, trong khi những hệ dẫn động bốn bánh của các đối thủ hầu hết chỉ làm việc bán thời gian.
Điều đó có nghĩa là trong các tình huống bình thường, lực mô-men xoắn của động cơ chỉ truyền đến 2 bánh trước và chỉ khi cảm biến nhận thấy có sự trượt bánh thì lực mô-men xoắn mới được truyền đến hai bánh sau. Đó là cách mà hệ dẫn động 4 bánh của Honda CR-V hay Mazda CX-5 hoạt động. Đúng với từ “đối xứng” (Symetrical), hệ dẫn động S-AWD của Subaru luôn phân bổ lực kéo theo tỷ lệ 50:50 cho cầu trước và cầu sau, mang lại lực bám đường ưu việt trên mọi địa hình. Một đặc trưng cũng rất độc đáo của Subaru là các trục láp đối xứng ở 2 cầu đều có độ dài bằng nhau. Thiết kế này loại bỏ hiện tượng lệch lái về 1 bên khi đạp ga lút sàn (torque steer).
Một thứ khác cũng đối xứng trên mọi chiếc Subaru là khối động cơ Boxer 4 xy-lanh đối đỉnh danh tiếng. So với cấu hình động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng, động cơ Boxer tạo ra ít rung động hơn vì chuyển động của 2 cặp xy-lanh đối nhau đã triệt tiêu phần lớn rung động tạo ra. Do ít rung động hơn nên động cơ Boxer cũng nhẹ hơn vì không cần bổ sung các đối trọng để triệt tiêu rung động giống như động cơ xy-lanh thẳng hàng.
Ưu điểm quan trọng nữa của động cơ Boxer là do xy-lanh đặt ngang nên động cơ có trọng tâm thấp hơn hẳn, kéo trọng tâm xe thấp theo. Động cơ là thành phần nặng nhất trên một chiếc xe nên việc đặt nó càng thấp càng tốt sẽ cải thiện khả năng vận hành của chiếc xe. Với trọng tâm thấp, xe sẽ vào cua mượt mà hơn, nhanh hơn và cảm giác lái cũng được cải thiện đáng kể. Khối động cơ Boxer của Forester cũng được thiết kế để trượt xuống dưới gầm xe thay vì lao thẳng vào khoang lái trong tình huống có va chạm mạnh. Do đó, xe được trang bị động cơ Boxer sẽ an toàn hơn xe dùng động cơ inline.
Subaru Forester 2019 được trang bị động cơ boxer nạp khí tự nhiên cho công suất tối đa 156 mã lực và lực mô-men xoắn 198 Nm. Con số này không ấn tượng như Honda CR-V hay Mazda CX-5 bản 2.5. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Subaru Forester có thể làm được gì với “chỉ” 156 mã lực ở phần trải nghiệm thực tế.
Khung gầm Subaru Global Platform cũng cải thiện cả về hiệu suất hoạt động và sự an toàn của hành khách trên xe. Khung gầm mới có độ cứng xoắn tốt hơn 50% so với khung gầm Forester cũ và có thể hấp thụ lực va chạm tốt hơn tới 40%. Về mặt hiệu suất thì một nền tảng khung gầm cứng vững hơn sẽ khiến chiếc xe vào cua tốt hơn. Chưa hết, Subaru Global Platform còn có khả năng triệt tiêu rung động tốt hơn 50% so với hệ khung gầm cũ, mang đến sự êm ái cho hành khách trên xe.
Giải pháp công nghệ cuối cùng tạo nên trải nghiệm đặc trưng của Subaru là gói công nghệ an toàn Eye Sight. Hệ thống bao gồm 2 camera 3D hoạt động song song. Chúng đồng thời thu thập hình ảnh phía trước đầu xe và đo đạc khoảng cách xe phía trước bằng cách đối chiếu thị sai của 2 hình ảnh mà 2 camera thu được. Chính vì cách hoạt động giống với mắt con người này mà hệ thống được đặt tên là EyeSight. Subaru là hãng xe duy nhất áp dụng kiểu camera đôi như vậy. Ưu điểm so với camera đơn của các hãng xe khác là phản xạ nhanh hơn và có độ chính xác cao hơn.
Sáu tính năng tiên tiến của EyeSight: Phanh tự động khi gặp vật cản (Pre-Collision Braking); Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control); Kiểm soát chân ga tránh đạp nhầm (Pre-Collision Throttle Management); Cảnh báo lệch làn (Lane Departure Warning); Cảnh báo đi lảo đảo (Lane Sway Warning - cảnh báo khi người lái không giữ xe đi thẳng do mệt mỏi hay gió tạt ngang); Cảnh báo khi dừng đèn đỏ (Lead Vehicle Start Alert - Cảnh báo người lái khi xe phía trước di chuyển mà người lái lơ đãng chưa khởi hành).
Tính năng đáng kể nhất của EyeSight là khả năng hỗ trợ phanh tự động khi có vật cản (Pre-Collision Braking). Tính năng này hoạt động hiệu quả nhất nếu tốc độ tương đối giữa 2 xe là dưới 50 km/h và giữa xe và người đi bộ dưới 35 km/h. Trên ngưỡng tốc độ trên thì hệ thống vẫn hoạt động hết khả năng để giảm thiếu lực va chạm. Pre-Collision Braking hoạt động với 3 bước mức độ. Cấp 1 là Cảnh báo: Khi một mục tiêu trước đầu xe được xác định là nguy hiểm, nó sẽ được hiển thị trên màn hình sau vô lăng, đồng thời những tiếng beep ngắn vang lên để cảnh báo người lái.
Cấp 2: Hỗ trợ phanh lần đầu: Khi mục tiêu được xác định là nguy hiểm và có nguy cơ va chạm cao, máy tính sẽ kích hoạt phanh lần đầu với lực vừa phải, đồng thời vẫn đưa ra cảnh báo ở màn hình sau vô lăng và cảnh báo bằng âm thanh. Nếu người lái đạp mạnh chân phanh và đánh lái nhiều, máy tính sẽ hiểu rằng người lái đang làm chủ được tình huống và sẽ tắt tính năng hỗ trợ phanh.
Cấp 3: Hỗ trợ phanh lần hai: Khi nguy cơ va chạm là rất cao, máy tính sẽ dùng lực phanh tối đa để ngăn chặn hoặc hạn chế va chạm, đi kèm là tiếng beep liên tục. Khi người lái có hành động đạp phanh mạnh hoặc ga mạnh hoặc đánh lái nhiều, hệ thống sẽ nhận đinh là người lái đang kiểm soát và có hành động né tránh và phanh tự động sẽ không được kích hoạt để người lái hoàn toàn chủ động điều khiển xe.
Như vậy, chốt lại là: EyeSight sẽ luôn ưu tiên để người lái chủ động trong các tình huống và chỉ can thiệp vào những thời khắc cuối cùng. EyeSight là hệ thống hỗ trợ giảm thiểu va chạm, không phải là phép màu. Người lái vẫn cần tập trung tối đa vào việc lái xe, tránh lệ thuộc vào EyeSight. Những điều kiện có khả năng cản trở độ chính xác của EyeSight: trời mưa lớn hoặc có sương mù dày đặc, xe phía trước đi đêm không bật đèn, đối tượng chạy cắt mặt quá đột ngột v.v.. Cần đặc biệt lưu ý rằng camera ba chiều của EyeSight rất nhạy cảm nên tuyệt đối không lau chùi camera, không đặt, dán vật cản lên khu vực đỉnh táp lô và kính lái và thay thế kính lái ngay khi bị vỡ hoặc nứt để camera làm việc chính xác.
Trải nghiệm – con số không phải là tất cả
Tôi đã từng có dịp thử trực tiếp khả năng tăng tốc của Subaru Forester, Honda CR-V và Mazda CX-5 trên đường đua và thực tế mà nói, Forester là chiếc xe chậm nhất. Tuy nhiên, chẳng mấy ai đua drag những chiếc crossover cồng kềnh này ngoài đường phố. Đường sá thực tế là tập hợp của vô vàn khúc cua, ổ gà, bụi đất, đá dăm, và sự êm ái của xe khi đi đường xấu hay sự cân bằng khi vào cua là những thứ quan trọng hơn khả năng tăng tốc, nhất là đối với 1 chiếc xe gia đình.
Tôi khẳng định rằng Subaru Forester là chiếc xe lái hay nhất phân khúc tại thời điểm hiện tại. Trải nghiệm trước đó của tôi với Forester tại đường đua Lihpao Racing Park, vốn là 1 trường đua go kart với vô vàng khúc cua trái phải liên tục, đã chứng minh rằng đây là mẫu CUV cho trải nghiệm lái “đã” nhất phân khúc. Giờ đây, chạy Forester 2019 trên đường Việt Nam, tôi càng thấy nhận định của mình là chính xác. Chiếc xe vượt qua mọi khiếm khuyết mặt đường với sự chắc chắn và những âm thanh “thịch, thịch” chắc nịch, cho cảm giác tựa như xe châu Âu. Khung gầm cứng hơn nhiều cộng với thanh cân bằng sau gắn trực tiếp vào khung xe đã mang lại sự cân bằng tuyệt vời.
Khả năng cách âm của Subaru Forester cũng không hề thua kém bất kỳ mẫu xe nào trong phân khúc, dù lốp Bridgestone Dueler không phải là loại lốp êm ái nhất. Khả năng cách âm và êm ái của Subaru Forester càng được thể hiện khi đi vào đường đá sỏi hoặc đường đất. Thực sự mà nói thì chẳng mấy khi chúng ta chạy xe trên các địa hình xấu như vậy nhưng khi cần thiết, Forester sẵn sàng cùng bạn đến bất cứ đâu với khung gầm vững chãi và hệ dẫn động 4 bánh thông minh. Khoảng sáng gầm xe lên tới 220 mm cũng khiến bạn loại bỏ nỗi lo cạ gầm.
Hệ dẫn động 4 bánh không chỉ hữu ích khi đi off-road mà nó cũng mang lại sự tự tin khi bạn vào cua ở tốc độ cao. Trên thực tế, chẳng mấy ai đi đường mà vào cua với tốc độ có thể làm khó Subaru Forester vì với lực mô-men xoắn được phân bổ đều cho cả 4 bánh, giới hạn lực bám đường của Forester là rất cao. Bạn có thể tự tin ôm cua mà không lo trượt bánh giống như các mẫu CUV cầu trước. Khối động cơ Boxer trọng tâm thấp cũng khiến xe có khả năng vào cua rất tốt. Thực sự, bạn phải thử thì mới tin rằng 1 chiếc CUV đến từ Nhật mà lại lái hay đến thế!
Một thứ hay khác cũng không thể không nhắc đến là hệ thống EyeSight. Chúng tôi đã sử dụng bù nhìn để thử khả năng tự động phanh của Subaru Forester có trang bị EyeSight. Kết quả là chiếc xe tự phanh rất hiệu quả ở tốc độ dưới 35 km/h nếu mục tiêu trước xe là người đi bộ, nếu mục tiêu phía trước là xe đang di chuyển, khả năng tự phanh sẽ hiệu quả nhất nếu chênh lệch tốc độ giữa 2 xe là dưới 50 km/h. Tính năng Ga tự động thích ứng (Adaptive Cruise Control) cũng hoạt động rất tốt. Subaru Forester có thể bám đuôi xe phía trước, thậm chí là dừng hẳn nếu xe phía trước dừng đèn đỏ. Điều tôi ưng ý nhất là sự can thiệp chân ga, chân phanh của ACC là rất mượt mà, mượt hơn so với hệ thống tương tự của Volvo.
Kết luận
Đa số người Việt biết nhiều đến Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson hoặc các thương hiệu cao cấp hơn như BMW hay Mercedes-Benz. Tuy nhiên, những ngày trải nghiệm Subaru Forester trong điều kiện thực tế tại Việt Nam đã thay đổi hẳn quan điểm của tôi, vì thực sự thì từ trước đến nay, Subaru Forester chưa bao giờ là lựa chọn của tôi nếu tôi cần mua một chiếc xe gầm cao. Khối động cơ 2.0 nạp khí tự nhiên không hề yếu, hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng khiến tôi cảm thấy tự tin khi cầm lái và EyeSight là một tấm lưới an toàn hoàn hảo. Subaru Forester 2019 hoàn toàn xứng đáng với giá bán 1,2 tỷ đồng cho phiên bản cao cấp nhất.