Góc nhìn khác về tranh cãi Mỹ-Nhật trong ngành công nghiệp ôtô

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Nhật Bản về sự mất cân bằng lớn trong thương mại ôtô giữa hai nước, do đó, chính quyền của ông có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu ôtô Nhật Bản từ 2,5% lên đến 38%.

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết xung quanh tranh cãi giữa Mỹ và Nhật Bản về ngành công nghiệp ôtô, nội dung như sau:

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Nhật Bản về sự mất cân bằng lớn trong thương mại ôtô giữa hai nước. Xuất khẩu ôtô của Nhật Bản sang Mỹ đã vượt số lượng nhập khẩu của nước này trong nhiều năm qua. Trong năm 2016, Nhật Bản đã xuất khẩu 1,75 triệu chiếc sang Mỹ, trong khi chỉ nhập chưa đầy 20.000 chiếc.

Ông Donald Trump tuyên bố rằng sự mất cân bằng trong thương mại ôtô là không công bằng. Do đó, chính quyền của ông có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu ôtô Nhật Bản từ 2,5% lên đến 38% - điều này cũng sẽ xảy ra đối với mức thuế Nhật Bản áp đặt cho thịt bò nhập khẩu từ Mỹ - để điều chỉnh sự mất cân bằng.

Rõ ràng, Nhật Bản và Mỹ đang chuẩn bị tái khởi động cuộc chiến thương mại về ngành công nghiệp ôtô, vốn khiến cho mối quan hệ thương mại hai nước trở nên khó khăn trong những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước.

Nhập khẩu ôtô của Nhật Bản đã tăng lên chút ít trong những năm qua và đạt 351.382 chiếc trong năm 2016, chiếm 9,1% thị trường nước này. Mặc dù thị phần nhập khẩu ôtô tại Nhật Bản thấp hơn đáng kể so với Mỹ, nhưng nó gần gấp đôi tại thị trường EU.

Điểm nổi bật trong những năm gần đây là bản chất thay đổi của các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và EU. Số lượng nhập khẩu ôtô của Nhật Bản từ Mỹ giảm từ 23.381 chiếc trong năm 2013 xuống còn 19.933 chiếc trong năm 2016, trong khi nhập khẩu từ EU tăng từ 239.090 lên đến 251.115 chiếc.

Trong đó, các hãng Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen và một số dòng xe hơi châu Âu khác đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở Nhật Bản. Một số người cho rằng việc thâm nhập vào thị trường ôtô Nhật Bản là rất khó khăn cho các hãng ôtô nước ngoài.

Công ty Ford Motor của Mỹ gần đây tuyên bố rút khỏi Nhật Bản do các điều kiện thị trường khó khăn. Một điểm đáng chú ý là Nhật Bản không áp đặt thuế đối với xe ôtô nhập khẩu, trong khi Mỹ áp đặt 2,5% và EU là 10%.

Các hãng sản xuất ôtô nước ngoài phải đối mặt với các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn về môi trường và kỹ thuật tại Nhật Bản, nhưng đây là biện pháp được áp dụng công bằng đối với tất cả các loại xe ôtô được bán tại thị trường nước này, bất kể nguồn gốc của chúng.

Việc Mỹ xuất khẩu ôtô sang Nhật Bản ở mức thấp là do thực tế xe hơi của Mỹ không phù hợp với người tiêu dùng Nhật Bản. Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi kakaku.com, một công ty chuyên cung cấp thông tin thị trường về người tiêu dùng Nhật Bản, cho thấy rằng trong số 100 dòng xe phổ biến nhất tại Nhật Bản thì có 71 loại là do người Nhật sản xuất, châu Âu là 28, trong khi đó Mỹ chỉ có mỗi một, đó là dòng xe Tesla.

Việc ngành công nghiệp ôtô của Mỹ thiếu cạnh tranh đã gây ra sự mất cân bằng thương mại, chứ không phải bảo hộ của thị trường Nhật Bản. Nếu muốn thay đổi điều này, Tổng thống Mỹ Trump nên đặt áp lực lên các hãng ôtô Mỹ về nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, chứ không nên bảo vệ họ bằng cách áp đặt thuế nhập khẩu ôtô Nhật Bản.

Việc bảo hộ sẽ không cải thiện khả năng cạnh tranh, mà ngược lại sẽ làm giảm tính cạnh tranh. Các nhà sản xuất ôtô Mỹ được bảo vệ bởi thuế nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu đối với các nhà sản xuất Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990, nhưng khả năng cạnh tranh vẫn không được cải thiện.

Việc bảo hộ các nhà sản xuất Mỹ sẽ không làm cho ngành công nghiệp ôtô của nước này lớn mạnh trở lại. Ông Trump cho rằng nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản đang lấy đi việc làm của người lao động Mỹ. Ông cũng nói như vậy về nhập khẩu ôtô từ Mexico.

 

Góc nhìn khác về tranh cãi Mỹ-Nhật trong ngành công nghiệp ôtô - Ảnh 1.

 

Mẫu xe Tesla Model S P100D được giới thiệu tại một sự kiện ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. 

Vậy giải pháp của ông Trump là gì? Tăng thuế và thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). NAFTA, có hiệu lực vào năm 1994, cung cấp việc tiếp cận tự do vào thị trường Mỹ cho ôtô nhập khẩu từ Mexico.

Các nhà sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản, cùng với các đối thủ Mỹ và châu Âu của họ, đã lợi dụng thỏa thuận ưu đãi này bằng cách sản xuất ôtô ở Mexico và sau đó xuất khẩu chúng sang Mỹ. Hiện nay, có bốn công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Mexico với tổng sản lượng lên tới 1,4 triệu chiếc.

Vì phần lớn những chiếc xe hơi này được xuất sang Mỹ, mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Mexico sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với các công ty Nhật Bản. Mức thuế cao có thể cứu tạm thời những công nhân Mỹ, nhưng về lâu dài, nó có khả năng làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ nhiều hơn vì mức thuế cao có thể khiến người dân Mỹ phải bỏ ra nhiều tiền hơn và việc bảo hộ ngành ôtô có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Thực tế, ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản không lấy đi việc làm của Mỹ mà thậm chí còn góp phần vào nền kinh tế Mỹ bằng cách tạo ra sản xuất và việc làm. Xuất khẩu ôtô của Nhật Bản sang Mỹ đã giảm mạnh từ 2,9 triệu chiếc trong năm 1988 xuống còn 1,6 triệu chiếc năm 2015, trong khi số lượng xe ôtô được các công ty Nhật Bản sản xuất tại Mỹ tăng từ 723.396 lên 3,8 triệu chiếc trong cùng thời gian này. Các công ty Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng sản lượng ôtô tại Mỹ.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản ước tính rằng Toyota đã tạo ra 136.000 việc làm ở Mỹ thông qua sản xuất, bán hàng và các hoạt động khác trong năm 2016. Các hãng xe Nhật Bản đã tạo ra tổng cộng 1,5 triệu việc làm nếu tính đến cả việc làm “gián tiếp” trong các lĩnh vực liên quan.

Ngành công nghiệp ôtô có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản không chỉ vì tác động rất lớn của nó đối với sản xuất, việc làm và thương mại quốc tế, mà còn vì ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của người dân.

Với việc công nhận vai trò quan trọng của ngành công nghiệp ôtô, không còn nghi ngờ gì nữa sự, hồi sinh của một ngành công nghiệp ôtô mạnh mẽ và cạnh tranh của Mỹ là một điều tốt. Nhưng để làm được điều này cả Nhật Bản và Mỹ phải thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tránh sự can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực này.