Honda CR-V 2020 không chỉ hấp dẫn bởi giá bán hay việc được hỗ trợ 50% phí trước bạ. Điều đặc biệt nhất của những chiếc CR-V mới là gói công nghệ an toàn Honda Sensing, vốn là trang bị tiêu chuẩn trên cả 3 phiên bản.
Kể từ khi được trình làng cách đây 25 năm trước, CR-V vẫn luôn là một trong những sản phẩm trụ cột của Honda. Dòng crossover cỡ vừa của hãng xe Nhật đã có 5 đời sản phẩm, được bán tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh số vượt ngưỡng 9 triệu chiếc. Tại Việt Nam, Honda CR-V có mặt từ năm 2008 và đến nay đã bán ra hơn 40.000 xe. Honda CR-V cũng luôn là cái tên được săn đón cả trên thị trường xe mới và xe cũ. Chỉ cần bỏ ra vài phút tra cứu, chúng ta dễ dàng tìm thấy những chiếc CR-V đời 3 hoặc 4 được rao bán tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 30 tháng 7 vừa qua, Honda Việt Nam đã chính thức trình làng CR-V phiên bản 2020 với ba biến thể E, G và L với độ cao cấp tăng dần. Giá bán đề xuất của cả ba phiên bản lần lượt là 998 tỷ đồng; 1,048 tỷ đồng và 1,118 tỷ đồng. Như vậy, giá bán của Honda CR-V 2020 sẽ cao hơn từ 15 - 25 triệu so với phiên bản trước. Tuy nhiên, vì được lắp ráp trong nước nên Honda CR-V 2020 sẽ được hỗ trợ 50% phí trước bạ, điều sẽ khiến giá lăn bánh của CR-V L cao cấp nhất sẽ rơi vào khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây là mức giá cao hơn tương đối so với các đối thủ truyền thống như Mazda CX-5 hay Mitsubishi Outlander.
Điều gì khiến Honda Việt Nam tự tin định giá CR-V cao nhất phân khúc crossover cỡ C? Đó có thể là danh tiếng của thương hiệu Honda nói chung và của dòng CR-V nói riêng, có thể là một chút nâng cấp ở nội và ngoại thất. Nên nhớ rằng, CR-V 2019 luôn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc dù chưa có đầy đủ trang bị an toàn như phiên bản 2020. Dù vậy, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là gói trang bị an toàn Honda Sensing – được trang bị tiêu chuẩn cho cả 3 phiên bản CR-V 2020.
Honda Sensing – Cuộc đua về công nghệ an toàn
Bạn đọc có thể tìm hiểu về những thay đổi của CR-V 2020 ở bài viết ra mắt sản phẩm. Trong khuôn khổ bài đánh giá nhanh này, tôi chỉ tập trung phân tích những điểm hay của gói công nghệ an toàn Honda Sensing mà thôi. Gói Honda Sensing dành cho CR-V tại Việt Nam bao gồm những công nghệ chủ chốt sau:
1. Hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước (CMBS)
2. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB)
3. Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng có tính năng bám đuôi ở tốc độ thấp (ACC – LSF)
4. Hệ thống giảm thiểu lệch làn đường (RDM), Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS)
1. Hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước (CMBS)
Trên một chiếc xe gia đình, không yếu tố nào quan trọng hơn sự an toàn. Gói trang bị Honda Sensing được phát triển để tạo ra “sự an toàn cho tất cả mọi người” – “Safety for everyone”. Mọi người ở đây tức là bao gồm cả những người điều khiển xe khác trên đường và người đi bộ xung quanh chiếc CR-V. Tính năng Giảm thiểu va chạm phía trước CMBS được tạo ra để hạn chế, cao hơn nữa là ngăn chặn va chạm với xe hoặc người ở phía trước chiếc CR-V.
Hai thành phần quan trọng của gói trang bị Honda Sensing là một camera gắn sau kính lái và một hệ thống radar ẩn sau tấm nhựa đen gắn ở cản va trước đầu xe. Với những nguồn dữ liệu đầu vào này, CMBS liên tục phân tích tình huống phía trước chiếc CR-V của bạn. Khi hệ thống radar và camera ghi nhận có nguy cơ xảy ra va chạm, âm thanh cảnh báo sẽ phát qua loa, đồng thời biểu tượng cảnh báo cũng sẽ xuất hiện trên màn hình sau vô lăng. Đây là giai đoạn đầu tiên nhằm cảnh báo người lái về nguy cơ xảy ra va chạm.
Nếu hệ thống không nhận thấy người lái phản ứng gì, không đạp phanh hay đánh lái, CMBS sẽ ngay lập tức can thiệp vào hệ thống phanh để giảm tốc độ và thậm chí là dừng hẳn phương tiện, qua đó giảm thiểu hoặc ngăn chặn thiệt hại cho người ngồi bên trong CR-V cũng như mọi người xung quanh. Cần lưu ý rằng đây chỉ là một tính năng hỗ trợ và độ chính xác của camera, radar có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như thời tiết hay tốc độ. Do đó người lái vẫn cần tập trung trong mọi tình huống, tránh lơ đãng hoặc lệ thuộc quá đà vào khả năng của Hệ thống Giảm thiểu va chạm trước.
2. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB)
Đèn pha tự động là một trang bị quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đèn pha thích ứng có thể tự chuyển từ chế độ chiếu xa (đèn far) sang chế độ chiếu gần (đèn cos) và ngược lại chính là một bước tiến mới, thông minh và tiện dụng hơn. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động AHB của Honda CR-V hoạt động đúng như tên gọi của nó: nếu bạn gạt nấc đèn sang Auto và di chuyển ở tốc độ trên 40 km/h, hệ thống sẽ tự động chỉnh chế độ chiếu xa – gần tùy theo tình hình giao thông. Điều đó có nghĩa là: khi không có chiếc xe nào ở cùng chiều hoặc ngược chiều với CR-V, hệ thống sẽ sử dụng đèn pha để tối đa khả năng chiếu sáng, nhưng nếu có xe đi vào tầm chiếu, hệ thống sẽ ngay lập tức “cụp đèn”. Khi chiếc xe đó đã đi khỏi tầm chiếu của CR-V, AHB sẽ tự động chuyển sang chế độ chiếu xa mà không cần thao tác gì của người lái.
Đây là một tính năng rất tiện dụng nếu như bạn đã quen với cách nó hoạt động. Dù vậy, nếu muốn tắt chế độ đèn pha thích ứng, bạn có thể thực hiện thao tác như sau: Cần số vẫn ở vị trí P, ấn nhẹ nút đề để bật điện (nhưng không đề máy); gạt cần đèn sang nấc AUTO; gạt cần đèn về phía người lái trong ít nhất 40 giây (tương tự như khi bạn “đá pha”). Giữ cần đèn cho đến khi thấy biểu tượng đèn Auto màu xanh ở bảng đồng hồ nhấp nháy 2 lần. Như vậy, bạn đã tắt tính năng AHB nhưng đèn vẫn sẽ tự động bật khi trời tối. Để bật lại AHB, bạn chỉ cần lặp lại thao tác trên cho đến khi thấy biểu tượng đèn Auto màu xanh nhấp nháy 1 lần.
3. Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng có tính năng bám đuôi ở tốc độ thấp (ACC – LSF)
Tính năng được chờ đón tiếp theo chính là Kiểm soát hành trình thích ứng (ACC). Bằng radar gắn trước cản xe và camera sau kính lái, ACC sẽ quan sát xe đi phía trước và duy trì tốc độ và khoảng cách “bám đuôi” mà người lái mong muốn. Nếu xe đi phía trước đi chậm lại, ACC cũng sẽ tác động vào phanh để chiếc CR-V duy trì khoảng cách. Khi đã cài ACC, người lái có thể tiếp tục tùy chính khoảng cách bám đuôi xe phía trước với 4 mức cài đặt khoảng cách. Cần lưu ý rằng 4 mức này không phải là khoảng cách cố định mà chúng được tính toán theo khoảng cách phanh an toàn. Ví dụ, mức số 3 có nghĩa là CR-V sẽ bám đuôi xe trước với khoảng cách 47 mét khi cả 2 xe di chuyển ở vận tốc 80 km/h, nhưng cũng mức số 3 đó sẽ tương ứng với khoảng cách bám đuôi 61 mét khi 2 xe di chuyển với tốc độ 100 km/h.
ACC của CR-V còn được bổ sung thêm tính năng bám đuôi ở tốc độ chậm (Low Speed Follow – LSF). Khi xe phía trước dừng hẳn, ví dụ như khi gặp đèn đỏ, chiếc CR-V cũng sẽ dừng theo. Một dòng chữ “Stopped” sẽ hiện lên màn hình rằng xe đã dừng nhưng hệ thống ACC vẫn hoạt động. Khi xe phía trước lăn bánh, biểu tượng ở màn hình CR-V sẽ nhấp nháy để báo người lái. Lúc này, bạn có thể ấn nút RES trên vô lăng để chiếc CR-V tiếp tục bám đuôi xe phía trước. Để hủy tính năng bám đuôi, bạn có thể ấn nút MAIN hoặc nút CANCEL. Nếu như bạn không muốn sử dụng Kiểm soát hành trình thích ứng thì có thể ấn và giữ nút ACC 1 giây, lúc này màn hình sẽ hiện dòng “CRUISE MODE”, báo rằng xe đang chạy với Cruise Control bình thường. Để kích hoạt lại ACC, bạn cũng chỉ cần giữ nút ACC trên vô lăng trong vòng 1 giây.
4. Hệ thống giảm thiểu lệch làn đường (RDM), Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS)
Tính năng thông minh thứ 4 và thứ 5 nằm trong gói Honda Sensing là hệ thống giảm thiểu lệch làn đường (Road Departure Mitigation - RDM) và hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (Lane Keep Assist System - LKAS).
Hệ thống giảm thiểu lệch làn đường RDM sẽ quan sát mặt đường phía trước xe và thao tác của người lái. Nếu người lái vô tình để xe chạy lệch khỏi làn đường, dẫm vào vạch phân làn đường, hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng âm thanh, hiển thị trên màn hình sau vô lăng và làm rung vô lăng. Bước cảnh báo sớm này là tính năng Cảnh báo lệch làn – Lane Departure Warning.
Nếu người lái vẫn không can thiệp gì, hệ thống sẽ tác động mạnh mẽ hơn bằng cách kích hoạt phanh và cung cấp lực trả lái vô lăng để chiếc xe trở lại giữa làn đường một cách an toàn. Cần lưu ý rằng RDM chỉ hoạt động ở dải tốc độ trên 60 km/h, hệ thống cũng sẽ không can thiệp khi nhận thấy người lái tăng tốc hay đánh lái dứt khoát vì khi đó, máy tính hiểu rằng người lái đang làm chủ được tình hình. Một lưu ý nữa là RDM cũng sẽ không can thiệp khi xi-nhan đang bật.
RDM là “cứu cánh” khi người lái mệt mỏi và phạm sai lầm, còn Hệ thống Hỗ trợ giữ làn đường LKAS được tạo ra để giúp người lái thoải mái hơn khi đi đường trường. LKAS sử dụng camera sau kính lái để phân biệt vạch kẻ đường (vạch đứt hay vạch liền) và tác động vào hệ thống trợ lực vô lăng EPS để giữ chiếc CR-V đi giữa làn đường. Để kích hoạt LKAS, bạn cần ấn nút MAIN, sau đó ấn nút LKAS trên vô lăng. LKAS chỉ hoạt động ở những đường có vạch vẻ rõ ràng, sắc nét và khi xe đang chạy trong dải vận tốc 72 – 145 km/h tại cung đường thẳng hoặc chỉ hơi cong một chút. Một điều kiện quan trọng nữa là LKAS chỉ hoạt động khi mà bạn không đạp phanh, không bật xi-nhan và không bật gạt mưa. Kết hợp với Kiểm soát hành trình thích ứng ACC, hệ thống LKAS khiến việc lái xe đường dài trở nên nhàn nhã và thoải mái hơn.
Sơ kết
Trong phân khúc xe khoảng 1 tỷ đồng tại Việt Nam, hiện nay chỉ có Mazda với gói i-ActivSense và Subaru với EyeSight là tương đương với gói công nghệ Honda Sensing. Ưu điểm của Honda CR-V phiên bản 2020 là cả 3 phiên bản đều sở hữu Honda Sensing, trong khi các đối thủ cạnh tranh chỉ có đầy đủ công nghệ trên các phiên bản cao cấp nhất. Chúng ta còn cần trải nghiệm Honda CR-V 2020 nhiều hơn để tìm hiểu xem mẫu xe này có xứng đáng trở thành “vua phân khúc” hay không. Dù vậy, với sự bổ sung quan trọng là gói trang bị Honda Sensing, CR-V giờ chẳng khác nào hổ mọc thêm cánh.