Năm 2020 sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi đáng ghi nhận liên quan tới vấn đề thuế suất nhập khẩu xe, linh/phụ kiện từ nước ngoài về Việt Nam. Từ đó, hứa hẹn người tiêu dùng sẽ có cơ hội để sở hữu những chiếc ô tô với giá thành phải chăng hơn.
Cụ thể, trong năm 2020, dự kiến Bộ Tài Chính sẽ kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ về việc thông qua đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với các loại linh/phụ kiện nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước dành cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiến tới quá trình dần cắt bỏ loại thuế này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương xúc tiến quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu, nhằm giảm thuế nhập khẩu các loại xe ô tô từ thị trường châu Âu về Việt Nam.
Theo tìm hiểu, ở thời điểm hiện tại, mức thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng linh/phụ kiện mà doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước đang phải chịu là từ 35 - 45%, nhiều loại có thể lên tới 65%. Chính yếu tố thuế nhập khẩu linh/phụ kiện còn cao đã dẫn tới việc giá thành sản xuất cũng bị đội lên, và hệ luỵ chính là giá xe lắp ráp trong nước khi tới tay người tiêu dùng thường sẽ khó có sức cạnh tranh so với các loại xe nhập khẩu trong khối ASEAN đang hưởng thuế nhập khẩu 0%. Đây là điều mà các doanh nghiệp lắp ráp xe Việt Nam vẫn đã và đang "kêu bí" với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ngoài "gánh" trên mình thuế nhập khẩu, các mặt hàng linh/phụ kiện từ nước ngoài về Việt Nam cũng phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng linh/phụ kiện xe hơi hiện đang được đánh theo dung tích xy-lanh của động cơ. Đối với loại động cơ có dung tích xy-lanh dưới 1.5L, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 35%. Đối với xe sử dụng động cơ có dung tích xy-lanh từ 1.5 - 2.0L phải chịu mức thuế là 40% và từ 2.0 - 3.0L là 50%. Đối với các loại động cơ có dung tích xy-lanh lớn từ 3.0L trở lên sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60 - 150%.
Sau khi đề xuất giảm, tiến tới đưa thuế nhập khẩu linh/phụ kiện xe hơi dùng trong công nghiệp lắp ráp xe trong nước về mức 0% của Bộ Tài chính được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần đưa giá thành sản xuất của doanh nghiệp xuống. Từ đó, giá bán của xe lắp ráp trong nước hứa hẹn cũng sẽ "dễ chịu" và có sức cạnh tranh cao hơn hẳn so với các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, đặc biệt là trong khối ASEAN.
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô/xe máy VinFast tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng
Bên cạnh việc đề xuất giảm, tiến tới đưa thuế nhập khẩu linh/phụ kiện xe hơi dùng trong công nghiệp lắp ráp xe trong nước về mức 0%, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút chuẩn bị cho quá trình đàm phán của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giữa Quốc hội việt Nam và Nghị viện châu Âu. Dự kiến, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được hai bên ký kết thành công, lộ trình giảm thuế xe hơi nhập khẩu từ thị trường châu Âu về Việt Nam sẽ được tiến hành ngay.
Theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe từ châu Âu về Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của Bộ Tài chính Việt Nam, trong khoảng thời gian là 9 năm, thuế nhập khẩu xe có dung tích trên 3.0L sẽ được điều chỉnh giảm dần. Sau thời hạn 9 năm, mức thuế suất nhập khẩu xe từ châu Âu về Việt Nam sẽ về 0%, tương tự như xe nhập khẩu trong khối ASEAN về nước ta như hiện tại.
Đối với các loại xe sử dụng động cơ có thể tích xy-lanh dưới 2.0L, lộ trình giảm thuế sẽ diễn ra trong khoảng thời gian là 10 năm. Sau thời gian đó, mức thuế nhập khẩu của các loại xe này cũng sẽ được điều chỉnh về mức 0%.
Với lộ trình rõ ràng và các cam kết thực hiện nghiêm túc, trong năm 2020, thị trường xe Việt sẽ đón nhận những "làn sóng" giảm giá xe đầu tiên, góp phần mang tới cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt với giá cả phải chăng và đưa nền công nghiệp lắp ráp xe trong nước ngày một phát triển.