Viễn cảnh nào dành cho xe hơi Changan Trung Quốc tại Việt Nam?

Changan, công ty ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc đã có mặt chính thức tại Việt Nam cách đây không lâu. Nhận định về "tuổi thọ" của Changan tại Việt Nam, nhiều người cho rằng hãng xe này lành ít, dữ nhiều; dễ rơi vào lối đi một thời của Geely, Haima.

Ô tô Trung Quốc thất sủng ở Việt Nam

Ngày 19-6, hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc Changan công bố đã chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc. Showroom đầu tiên của hãng này đặt tại TP HCM, do Cty TNHH TC Changan Việt Nam, một Cty con của tập đoàn Tan Chong International Limited (TCIL), Trung Quốc phân phối độc quyền. Được biết, TCIL cũng là Cty đang phân phối độc quyền các dòng xe Subaru của Nhật tại Việt Nam. Theo đại diện nhà phân phối này, Changan hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc và là hãng ô tô lớn thứ 17 trên thế giới, có sản phẩm tiêu thụ ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ nên sẽ có thế mạnh riêng để cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian tới, Changan sẽ đưa vào thị trường Việt Nam cả ô tô du lịch và xe thương mại. 

Trong dịp ra mắt, Changan tung ra thị trường hai dòng xe gồm xe SUV cỡ nhỏ CS35 có giá 559 triệu đồng/xe và xe minibus G50 có giá 769 triệu đồng/xe. Được biết, trong năm qua hãng này sản xuất hơn 2 triệu xe dành riêng cho thị trường nội địa và đưa khoảng 5% trong số đó đi xuất khẩu. Thực tế, trước khi chính thức ra mắt tại Việt Nam, Changan đã bán 2 dòng xe Eado (sedan) và Honor (MPV 7 chỗ) từ cuối năm 2014 tại TP HCM. Việc xuất hiện thêm một dòng xe Trung Quốc tại Việt Nam không làm nhiều khách hàng, đặc biệt là giới kinh doanh ô tô quan tâm vì hầu hết đều có chung nhận định, người tiêu dùng Việt sẽ không mặn mà gì với ô tô Madein China. Ông Nguyễn Đức Hải, người kinh doanh ô tô hơn 10 năm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng Changan sẽ rất khó tìm khách hàng vì những thương hiệu ô tô Trung Quốc bán tại Việt Nam trước đây đã gây thất vọng cho người sử dụng”. 

Từ nhiều năm trước có gần chục thương hiệu xe ô tô du lịch Trung Quốc đã bán tại Việt Nam nhưng đến giờ gần như “mất tích” tại các đô thị lớn. Cụ thể, ô tô mang thương hiệu Chery và Lifan được lắp ở nhà máy ô tô Hòa Bình (VMC); Haifei tại nhà máy của Vinaxuki… Mới hơn là BYD, Haima và Geely, MG được phân phối trực tiếp tại TP HCM, Hà Nội. Điểm chung của những hãng xe này là số lượng tiêu thụ ngày càng đi xuống rồi “mất hút” trên thị trường. Theo báo cáo của VAMA, hãng từng rất kỳ vọng vào dòng xe Lifan (vào Việt Nam từ năm 2007) và hy vọng sẽ bán được 2.000 xe/năm nhờ giá bán khoảng 300 triệu đồng, chỉ bằng 1/2 giá loại ô tô Nhật rẻ nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau 2 năm, dòng xe này đã không có khách hàng. Các mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam như Chery QQ, Chery Riich M1, PMC Premio, PMC Pronto, Hafei HFJ 7110… cũng không khá khẩm hơn, lúc mới ra mắt còn bán được lẹt đẹt từ vài chiếc đến vài chục chiếc một năm rồi sau đó doanh số cứ tụt dần. Trong khi ô tô Trung Quốc ở dạng lắp ráp không bán được thì xe được nhập khẩu nguyên chiếc cũng rơi vào thế... cùng cảnh ngộ. Đó là việc Cty Kylin đã không thành công khi nhập khẩu dòng ô tô Haima 7 chỗ, được quảng bá là liên doanh với Mazda và có thể cạnh tranh với Honda CR-V?!  Một thương hiệu khác khá đình đám là MG cũng được Cty VinaMG phân phối tại Việt Nam nhưng rồi cũng “ngậm quả đắng” vì không được khách hàng tin cậy dù đây là hãng ô tô có nguồn gốc từ Anh...

Không chỉ xe Trung Quốc mà ngay cả hãng xe Luxgen của Đài Loan cũng gặp vô vàn khó khăn khi gia nhập thị trường Việt Nam bởi tâm lý “Đài Loan “có họ” Trung Quốc”. Luxgen là thương hiệu ô tô được giới chuyên môn đánh giá là có công nghệ “đại nhảy vọt” vì thiết kế bắt mắt, tính năng hiện đại, “đồ chơi” không thiếu thứ gì… Năm 2010 Luxgen đã có mặt ở Việt Nam với 2 sản phẩm là Luxgen7 MPV và Luxgen7 SUV. Tuy nhiên, dù những mẫu xe này có thông số không hề thua kém những chiếc Luxus hạng sang nhưng cũng chỉ có hơn 200 người Việt Nam dám bỏ số tiền khoảng 1 tỷ đồng để sở hữu chiếc xe này. Tháng 6-2015, hãng ô tô Đài Loan tiếp tục tung mẫu xe Luxgen U6 Turbo vào Việt Nam thông qua nhà phân phố Kylin để tiếp tục công cuộc tìm kiếm khách hàng Việt. 

 Luxgen U6 ra mắt tại Đài Loan hồi cuối năm 2013, có 2 lựa chọn động cơ là 1.8 và 2.0 được bán tại Việt Nam. Phiên bản 2.0 có giá bán 878 triệu đồng, đắt hơn Mitsubishi Oulander Sport (870 triệu đồng), Honda City (600 triệu đồng), rẻ hơn chút so với Toyota Altis 2.0 (khoảng hơn 900 triệu đồng)… Dù cũng “bạt ngàn” đồ chơi nhưng với mức giá này thì  Luxgen U6 cũng đang tự “làm khó” chính mình.

Haima từng có màn ra mắt thị trường Việt khá rầm rộ, rồi… “lặn” mất.    

Vì sao người Việt không thích ô tô Trung Quốc? 

Từ những năm 1998 xe máy Trung Quốc bắt đầu ồ ạt tràn vào Việt Nam với đủ chủng loại, xe số, xe ga, xe côn tay, xe thể thao. Vào thời điểm đó, những chiếc xe máy Nhật dù không còn là “những tòa nhà di động” nhưng vẫn là một tài sản lớn trong hầu hết các gia đình Việt Nam. Xe máy Trung Quốc giá rẻ tràn vào đã thỏa mãn cơn khát xe của một bộ phận rất đông người Việt Nam ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vào thời điểm đó, nhiều Cty chuyên lắp ráp xe máy Trung Quốc đã mạnh mồm quảng cáo “Trung Quốc sản xuất ra được cả tàu vũ trụ thì cớ gì không làm ra được những chiếc xe máy tốt”. Và với cái giá chỉ bằng 1/4 xe Nhật, xe máy Trung Quốc lập tức làm mưa, làm gió tại thị trường Việt Nam, có gia đình còn bán cả xe máy Nhật để mua vài cái xe Tàu để cả nhà cùng đi cho đã?! Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau khoảng 1 năm sử dụng, chiếc xe máy Tàu đã liên tục đòi tiền, ban đầu là sự lỏng lẻo của các chi tiết nhựa, các phần gá, sau là trục trặc động cơ, bơm xăng, phần điện… Đến khoảng năm 2006 thì xe máy Trung Quốc đã không còn chỗ đứng tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM. Ngược với những chiếc xe Dreem của Nhật có tuổi thọ hàng chục năm, xe máy Trung Quốc chỉ sử dụng vài năm là biến thành sắt vụn.

Chính sự “ăn xổi ở thì” của một số Cty chuyên sản xuất xe máy của Trung Quốc đã khiến không ít người tiêu dùng Việt Nam rất thận trọng với ô tô Trung Quốc. Không loại trừ nhiều khách hàng đã liên tưởng giữa những con bốn bánh bóng lộn này với những chiếc xe máy Madein China đang nằm ngổn ngang trong những cửa hàng bán sắt vụn. 

Trở lại chuyện về những chiếc ô tô Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Hiền, ở quận Hà Đông, Hà Nội, người từng “dũng cảm” mua một chiếc ô tô Lifan với giá gần 300 triệu đồng vào năm 2010 nhận xét: “Khoảng 1 năm đầu xe chạy khá OK, chỉ khó chịu vì tiếng ồn khá lớn. Sang năm thứ 2, khi xe đã chạy được khoảng 4 vạn km thì bắt đầu xuất hiện những trục trặc nhỏ ở các bộ phận cầu chì, chế hòa khí, điện, các chi tiết nhựa, bộ phận gầm cũng bắt đầu dơ… Khó chịu nhất là hiện tượng “chết vặt” giữa đường. Nhiều khi buổi sáng xe của tôi chạy rất ngon nhưng đến chiều lại không thể nổ máy. Đến năm thứ 3 thì khối tài sản biết chạy này nhiều lúc làm tôi ngượng chín người vì nhiều khi bị chết máy khi dừng trước đèn đỏ. Cực chẳng đã tôi bán xe cho một người ở Nam Hà với giá 115 trệu đồng. Bán xe xong mà mừng như bắt được vàng”.

Theo một số showroom chuyên ô tô cũ tại Hà Nội thì ngoài chuyện chất lượng, người tiêu dùng Việt Nam còn không thích xe Trung Quốc bởi hai lý do sau: Thứ nhất, các trạm sửa chữa bảo hành của các hãng xe này đều rất ít và đều mất tích sau khi xe ngừng bán; Thứ hai, tâm lý chung của người Việt là không thích ô tô Trung Quốc vì nhiều lý do. Ông Dũng, một người chuyên săn xe cho các cửa hàng bán xe cũ nói: “Giới buôn ô tô cũ nói không với xe Trung Quốc vì mua về không biết bao giờ bán được. Chúng tôi chỉ mua trong trường hợp có khách nhờ, khách đặt tiền”.

Nhiều chuyên gia nước ngoài kể cũng không ngoa khi nhận định, người tiêu dùng Việt Nam sành lắm, những gì họ thích thường rất tốt, những gì họ không thích thường là những thứ bỏ đi. Và như một sự tất yếu, những chiếc ô tô Trung quốc đang “biến mất” khỏi Hà Nội và TP HCM. Vì sao có hiện tượng này, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc chắc chắn đã có câu trả lời…

Năm 2012, Kylin cũng đã không thành công khi bán thương hiệu Geely của Trung Quốc dù đây cũng là một trong những hãng xe nội địa lớn nhất Trung Quốc. Geely  trở nên nổi tiếng hơn khi mua lại hãng xe Thụy Điển Volvo từ tay Ford vào năm 2010 với giá 1,8 tỷ USD, trong đó có 200 triệu USD trả bằng tiền mặt. Thị phần của hãng này chiếm 2% thị phần ô tô Trung Quốc. Hiện ở Hà Nội không còn showroom nào bán ô tô Geely. Chính sự thất bại của Geely đã khiến nhiều người nghĩ đến tương lai không mấy sáng sủa của Changan vừa ra mắt tại showroom đầu tiên ở TP HCM. Dù không mấy lạc quan nhưng chắc chắn vẫn có những người vẫn hy vọng Changan sẽ có mọt tương lai tốt hơn tại Việt Nam.

Theo Pháp luật và xã hội 

 

Tin tức liên quan
Xe Trung Quốc Changan CS55 đầu tiên cập bến Việt Nam, giá chỉ hơn 620 triệu VNĐ

Xe Trung Quốc Changan CS55 đầu tiên cập bến Việt Nam, giá chỉ hơn 620 triệu VNĐ

Ferrari Roma giành giải thưởng thiết kế xe hơi 2020

Ferrari Roma giành giải thưởng thiết kế xe hơi 2020

Top 5 mẫu xe hơi ế ẩm nhất tại Mỹ 2019

Top 5 mẫu xe hơi ế ẩm nhất tại Mỹ 2019

Mazda3 giành giải thưởng Xe hơi của năm 2020 tại Trung Quốc

Mazda3 giành giải thưởng Xe hơi của năm 2020 tại Trung Quốc

Chevrolet Impala 1958 bất ngờ được “bạc hóa” tại buổi triển lãm xe hơi Mỹ

Chevrolet Impala 1958 bất ngờ được “bạc hóa” tại buổi triển lãm xe hơi Mỹ

Chiếc xe hơi đầu tiên của Trung Quốc sắp được bán tại thị trường Mỹ là một chiếc xe điện

Chiếc xe hơi đầu tiên của Trung Quốc sắp được bán tại thị trường Mỹ là một chiếc xe điện