Thử thách lớn nhất đối với các hãng xe mới là tạo ra bản sắc riêng. Khó như vậy mà Vinfast đã làm được ngay từ lần thử đầu tiên!
Bản sắc là một từ có trường nghĩa rất rộng và đôi khi hơi mông lung, khó cắt nghĩa. Định nghĩa về “bản sắc” của tôi trong thế giới xe thì lại rất đơn giản: đó là một hoặc một vài chi tiết thiết kế mà dù chỉ nhìn lướt qua trên phố, bạn cũng nhận ra đó là mẫu xe nào của hãng xe nào. Đó là mặt ca lăng 2 quả thận của BMW, là đèn tròn mắt ếch của Porsche và tất nhiên, đó là 2 dải đèn định vị vô cùng đặc biệt của Vinfast.
Thiết kế đỉnh cao
Trong bài viết này bạn sẽ không tìm thấy những mỹ từ sáo rỗng đậm chất marketing. Tôi sẽ phân tích những điểm bản thân cảm thấy ưng ý và chưa ưng về Vinfast Lux A. Vì sao ư? Vì tôi có cảm tình với thương hiệu Vinfast, tôi cảm thấy sự đồng điệu giữa cách làm xe của người đang chèo lái con tàu Vinfast và nhân sinh quan bản thân. Tất nhiên, tôi càng yêu cái gì bao nhiêu thì lại càng soi xét kỹ nó bấy nhiêu.
Thứ đầu tiên mà tôi cảm thấy rất ưng chính là thiết kế ngoại thất của chiếc Vinfast Lux A. Do đặc thù công việc phải tiếp xúc với rất nhiều chiếc xe khác nhau nên tâm trí tôi chỉ thực sự chú ý và ghi nhớ những chiếc xe có thiết kế nổi bật và khác biệt. Vinfast Lux A là một trong số đó. Do được thiết kế dựa trên nền tảng khung gầm của BMW 5 Series đời F10 nên chỉ cần nhìn thoáng qua, ta đã thấy tỷ lệ thiết kế “đậm chất Bim” – đường hoàng, đạo mạo nhưng không kém phần thể thao. “Chất BMW” thể hiện ở khoảng cách trục bánh xe trước – mũi xe rất ngắn (front overhang), trong khi khoảng cách trục bánh xe trước – chân kính lái (dash to axle) lại cực dài.
Đây là tỷ lệ thiết kế kinh điển của BMW vì các mẫu xe của hãng xe này đều được tạo ra để chứa trong mình khối động cơ I6 đặt dọc thân xe. Khoảng cách từ trục bánh xe sau đến đuôi xe cũng rất dài, kết hợp với nóc xe thoải dọc xuống phần đuôi tạo nên ấn tượng xe đang lao về phía trước dù đang đứng yên. Vinfast Lux A thừa hưởng cả 2 nét thiết kế đó đó và đây là hai trong những yếu tố khiến người đi đường tự nhiên thấy xe Vinfast đẹp mà không biết nguyên nhân chính xác! Hy vọng là sau khi đọc những dòng này, họ đã biết vì sao xe Vinfast lại có thiết kế đậm chất xe sang đến vậy.
Tạo hình cho xe Vinfast, không ai khác mà chính là studio danh tiếng Pininfarina. Danh tiếng của studio này được tạo nên bởi những tác phẩm kinh điển như Ferrari 250 GT, Ferrari Daytona, Ferrari Testarossa hay Ferrari F40. Ngoài những chiếc Ferrari thì Pininfarina còn chắp bút những mẫu xe có vẻ đẹp hút hồn như Alfa Romeo GTV, Maserati Gran Turismo, Fiat 124 Spider v.v.. Đối với tôi, Vinfast Lux A cũng là một thiết kế thành công của Pininfarina.
Thành công là bởi vì nó để lại ấn tượng cho người nhìn dù chiếc xe chỉ lướt qua bạn 1 giây trên phố đông. Dải đèn LED định vị hình cánh chim ở đầu xe bao trọn chiều ngang thân xe, khẽ uốn cong để ôm trọn biểu tượng chữ V thực sự là một thiết kế xứng đáng được vinh danh. Nó quá độc đáo, thẩm mỹ và khác biệt! Dải đèn định vị đỏ chói ở đuôi xe cũng có thiết kế tương tự và là bạn đồng hành hoàn hảo của dải đèn đầu xe. Có nhiều hãng xe áp dụng kiểu đèn LED trải ngang thân như Vinfast nhưng không phải hãng nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi như Vinfast. Biểu tượng cánh chim đã xuất hiện nhiều trong văn hóa Việt Nam nhưng thiết kế của Vinfast quả là xuất sắc!
Thiết kế ngoại thất của Vinfast đáng khen là vậy, nhưng tôi vẫn có vài điểm chưa ưng ý. Thứ đầu tiên chính là dải đèn định vị trước – sau của Vinfast, khá nghịch lý khi đó chính là bộ phận tôi … khen nhiều nhất trong bài đánh giá này. Tôi chưa thực sự ưng ý với hai dải đèn định vị trước – sau vì khoảng hở giữa các điểm tiếp giáp là quá lớn, ví dụ như đoạn từ tai xe đến nắp capô. Nếu như Vinfast làm liền mạch được như Audi thì thực sự tuyệt vời.
Điểm tiếp theo tôi chưa ưng ý là chất lượng sơn. Màu sơn xanh ánh tím Luxury Blue của chiếc Vinfast Lux A này rất bắt mắt, nhất là khi trời nắng. Tuy nhiên, bề mặt sơn chưa thực sự đồng đều, dẫn đến hiện tượng nhăn vỏ cam (orange peel) là rất rõ rệt. Giờ đây, đa số xe thương mại đều được sơn bằng rô bốt, không có bước đánh bóng thủ công nên gần như toàn bộ xe hơi bây giờ đều bị nhăn vỏ cam, chỉ là mức độ ít hay nhiều mà thôi. Máy móc trong xưởng sơn của Vinfast đều thuộc hàng tốt nhất trong ngành công nghiệp xe hơi nên tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là ở khâu lập trình rô bốt và điều này có thể cải thiện theo thời gian. Tất nhiên, nếu thực sự kỹ tính thì chủ xe Vinfast có thể cho xe vào các xưởng chăm sóc xe chuyên nghiệp để giải quyết vấn đề nhăn vỏ cam.
Một điểm nhỏ nữa mà tôi muốn thay đổi là viền kính sau (chỗ tiếp giáp cột C) trông khá thô và thiếu thẩm mỹ. Đây là khu vực mà tôi rất “ưng” trên chiếc BMW Series 5 với thiết kế móc khuyết Hofmeister Kink. Có lẽ vì thiết kế của BMW quá đẹp nên tôi không thấy viền kính Vinfast Lux A hợp mắt cho lắm, dù Vinfast Lux cũng có tỷ lệ thiết kế tương tự BMW. Tôi cũng không thích ốp ống xả “fake” của Vinfast. Nhìn vào đuôi xe, chỉ có phần ốp ống xả bên trái là thật, bên phải là giả. Bên cạnh đó, dàn chữ ốp ở đuôi xe là quá thừa thãi, nhất là tên xe “Lux A 2.0 Turbo”. Nếu mua xe, tôi sẽ vứt bỏ dàn chữ này ngay lập tức.
Dù vậy, nhìn chung thì tôi vẫn thấy thiết kế ngoại thất của Vinfast Lux A là một sự thành công khá bất ngờ. Bất ngờ vì đây là chiếc xe đầu tiên của Vinfast nhưng nó đã tạo ra được sự khác biệt và dấu ấn trong lòng khách hàng. “Khi lần đầu nhìn thấy cụm đèn sau của chiếc Vinfast trưng bày tại công viên Thống Nhất, anh đã chốt mua xe luôn mà không cần suy nghĩ thêm”, một anh bạn của tôi đã nói vậy.
Nội thất – cao cấp nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện
Nếu như thiết kế ngoại thất của Vinfast Lux A có sức thuyết phục cực lớn thì nội thất lại không thành công như vậy. Ấn tượng chung của tôi về khoang cabin là tương đối tốt, nhưng càng đi sâu vào tiểu tiết, tôi càng thấy nhiều điều vẫn có thể cải thiện thêm. Tất nhiên, nếu mà chiếc xe đầu tiên đã tốt luôn thì các kỹ sư Vinfast giỏi quá!
Vô lăng xe có thiết kế 3 chấu quen thuộc mà tôi đoán chắc rằng bất kỳ fan BMW nào cũng sẽ nhận ra sự tương đồng. Cũng vì có thiết kế mang gen BMW nên thao tác với vô lăng này là rất tuyệt, viền vô lăng bọc da nappa cao cấp, dày dặn và cho độ bám tốt. Tuy nhiên, các nút bấm trên vô lăng có độ hoàn thiện chưa cao nên cảm giác bấm chưa thực sự thuyết phục.
Cụm đồng hồ sau vô lăng bao gồm 2 mặt đồng hồ cơ kết hợp với màn hình khá lớn ở giữa. Kết cấu kiểu cơ học + màn hình LCD này rõ ràng sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất cho Vinfast, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ thêm tiền để sở hữu màn hình LCD toàn phần. Thiết kế hiện tại của Lux A là không xấu nhưng nó chưa đủ khác biệt dù nói một cách công bằng, ngay cả đối thủ trực tiếp là Toyota Camry cũng dùng đồng hồ dạng cơ + LCD. Dù vậy, một ưu điểm lớn của cụm đồng hồ Vinfast là nó được việt hóa hoàn toàn giúp khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin hơn, nhất là khách hàng trung niên. Chiếc Lux A cũng cảnh báo cửa mở và nhắc nhở cài dây theo đúng vị trí ngồi – vị trí cửa, rất tiện lợi.
Nhìn sang khu vực bảng táp lô, ta sẽ dễ dàng nhận thấy tùy chọn ốp nhôm trị giá 20 triệu đồng mới đáng tiền làm sao! Màu bạc của nhôm mang đến vẻ hiện đại và tương lai, rất phù hợp với Vinfast Lux A. Màn hình trung tâm cũng có thiết kế khá đẹp mắt với điểm nhấn là hàng loạt hình nền mang bản sắc Việt Nam, từ ruộng bậc thang Mù Cang Chải cho đến Vịnh Hạ Long.
Điểm thú vị ở màn hình này là người dùng có thể tự cài đặt hình nền theo ý thích, ví dụ như hình chụp gia đình họ chẳng hạn. Tuy nhiên, màn hình này phản hồi hơi chậm và tôi không hề thích việc tích hợp quá nhiều tính năng vào 1 chiếc màn hình. Toàn bộ thao tác với hệ thống điều hòa đều phải thực hiện qua màn hình cảm ứng và điều đó không hợp lý chút nào.
Các nút bấm nhựa trên xe Vinfast Lux A có độ hoàn thiện không quá cao và theo đánh giá của một chuyên gia detailing tôi quen biết, kiểu nhựa này sẽ không bền với kiểu thời tiết nóng ẩm của Việt Nam. Tất nhiên, thời gian để những nút nhựa này bắt đầu lão hóa cũng phải tầm 5, 7 năm trở lên nhưng tôi thấy đây là điểm Vinfast cần cải thiện để có được khách hàng trung thành.
Đổi lại thì chất lượng của da bọc nội thất của Vinfast là tốt hơn tất cả đối thủ cùng giá bán. Ghế ngồi bọc da Nappa cao cấp do Lear cung cấp (Lear là công ty hàng đầu trong mảng sản xuất ghế ngồi xe hơi), trong khi da bọc táp lô và táp pi cũng rất dày dặn và mềm mại. Vinfast Lux A không có hệ thống làm mát ghế như Mazda 6 2020 nhưng da tự nhiên của ghế Lux A có khả năng thông khí tốt hơn nên ngồi đỡ bị bí và toát mồ hôi. Tất nhiên, nếu được chọn thì tôi vẫn muốn có tùy chọn sưởi – làm mát ghế cho xe Vinfast, trong bản facelift ra chẳng hạn.
Khoang sau của Vinfast Lux A không rộng rãi như Toyota Camry vì kết cấu khung gầm RWD nhưng khoảng không gian phía sau của Lux A cũng là đủ để 2 người lớn ngồi thoải mái. Xe cũng có khá nhiều “đồ chơi” cho người ngồi sau, bao gồm 2 cổng USB, 2 cửa gió điều hòa, 1 cổng 12V và đặc biệt là 1 cổng 230V.
Cổng 230V là rất hữu ích nếu như bạn cần cắm sạc laptop để làm việc khi di chuyển hay sạc các thiết bị điện khác. Theo như tôi biết thì Vinfast Lux A là sedan duy nhất trong phân khúc có cổng 230V.
Như vậy, tôi đánh giá khoang nội thất Vinfast Lux A thuộc hàng tốt trong phân khúc. Xe được lắp ráp bởi những vật liệu cao cấp và có thiết kế hiện đại. Dù vẫn còn một số điểm chưa hoàn hảo nhưng nhìn chung, Vinfast Lux A cũng có một khoang cabin xứng đáng được ngợi khen.
Khả năng vận hành
Chúng ta đều biết động cơ Vinfast được sản xuất dựa trên nền tảng máy N20 của BMW nhưng ít ai hiểu rõ ràng về vấn đề này. Nào, chúng ta cùng tìm hiểu sâu về trái tim của Vinfast.
1. VANOS
Thời xưa, cái thời mà chưa có công nghệ biến thiên van, các hãng sản xuất phải lựa chọn giữa 2 cá tính của động cơ của họ: một là tạo ra một cỗ máy tiết kiệm nhưng công suất thấp, hoặc là công suất cao nhưng cực kỳ tốn xăng và khó lái ở vận tốc thấp, vì hệ thống van của động cơ đó được tối ưu sản sinh công suất ở vòng tua cao – ví dụ điển hình là các mẫu xe cơ bắp Mỹ với động cơ V8 chấm lớn.
Nếu như Honda nổi tiếng với VTEC thì BMW cũng nổi tiếng không kém với VANOS. VANOS là viết tắt của “Variable Nockenwellen Steuerung,”, dịch sang tiếng Anh là “Variable Camshaft Timing”, tức là Biến thiên thời điểm mở van. VANOS lần đầu tiên xuất hiện trên động cơ M50 của BMW vào năm 1992, sau đó 4 năm, vào năm 1996, BMW trình làng Dual VANOS với khả năng biến thiên cả van nạp và xả. Từ đó đến nay, BMW liên tục cải tiến hiệu suất và độ bền của Dual VANOS, đến thế hệ máy N20 sử dụng trên xe BMW và Vinfast thì có thể nói, nó đã tiệm cận với sự hoàn hảo!
Cách thức Dual VANOS làm việc:
Khi máy nổ cầm chừng, bánh răng của hệ thống VANOS hoàn toàn thu gọn, không thúc đẩy vị trí trục cam – lúc này van nạp mở chậm hơn bình thường, khiến động cơ nổ cầm chừng êm ái hơn.
Khi bạn nhích chân ga để đi tà tà trong phố, van điện từ (solenoid) dần dần đẩy áp lực dầu đến vị trí bánh răng VANOS, bánh răng VANOS lại đẩy trục cam, khiến van nạp mở sớm hơn bình thường, tạo ra hiện tượng van nạp và xả cùng mở một lúc trong một khoảnh khắc ngắn (valve overlap). Hiện tượng này giúp tăng khả năng đẩy khí xả ra khỏi buồng đốt, giúp giảm khí thải phát sinh và tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Khi người lái đạp ga thốc, tua vòng máy cao, bánh răng VANOS dần thụt lại, hạn chế valve overlap, giúp động cơ đạt công suất tối đa.
Sự khác biệt lớn nhất của Single VANOS đời đầu và hệ hống Dual VANOS hiện đại (có trên Vinfast) chính là Single VANOS chỉ biến thiên ở 2 điểm vòng tua nhất định, trong khi Dual VANOS có thể biến thiên vô hạn trên toàn dải tua vòng cơ. Như vậy, động cơ trên Vinfast được thừa hưởng công nghệ Dual VANOS hiện đại nhất của BMW.
2. Valvetronic – Công nghệ biến thiên khoảng mở và khoảng thời gian mở van nạp của BMW
Valvetronic là công nghệ biến thiên khoảng mở van nạp đặc trưng của BMW. Động cơ N20 trên các xe BMW sử dụng là Valvetronic đời 2, có khả năng biến thiên biên độ mở van nạp từ 0,18 mm đến 9,9 mm và khoảng thời gian mở của van nạp. Cách để phân biệt VANOS và Valvetronic là VANOS tác động THỜI ĐIỂM mở van (mở lúc nào?) trong chu trình đốt của động cơ, trong khi Valvetronic tác động BIÊN ĐỘ MỞ VAN và KHOẢNG THỜI GIAN MỞ VAN (mở trong bao lâu?)
Phiên bản động cơ N20 mà Vinfast sử dụng KHÔNG CÓ công nghệ Valvetronic. Liệu điều đó có phải là sự ăn bớt? Cá nhân mình không nghĩ đó là ăn bớt, là cắt xén, mà Vinfast đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định không tích hợp Valvetronic trên động cơ xe Vinfast, vì đây là công nghệ rất phức tạp, phải bảo dưỡng kỳ công và khiến chi phí sản xuất động cơ đội lên cao hơn. Thay vì sử dụng Valvetronic, Vinfast đã dùng chu trình Atkinson để thay thế. Vậy Atkinson là gì?
3. Chu trình Atkinson – sự khác biệt của Vinfast và BMW!
Hầu hết mọi động cơ đốt trong hiện này đều sử dụng chu trình đốt Otto và động cơ của BMW cũng vậy. Chu trình Otto nghe có vẻ như rất “hoàn hảo”: Bốn kỳ Nạp – Nén – Nổ - Xả, mỗi kỳ tương ứng với một lần pít-tông di chuyển từ điểm chết trên xuống điểm chết dưới hoặc ngược lại. Nghe thì có vẻ đây là chuh trình có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao nhất nhưng không phải vậy, chu trình Atkinson mới là chu trình tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể!
Chu trình Atkinson được sáng tạo ra từ năm 1882 nhưng phải tới gần đây, nó mới lại phổ biến vì nhu cầu giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải trên toàn cầu. Chu trình này vẫn có 4 kỳ Nạp – Nén – Nổ - Xả như Otto nhưng khác biệt ở một điểm duy nhất: ở kỳ Nén, van nạp được giữ mở lâu hơn một chút để khi pít-tông chạy lên nén khí, một lượng hòa khí (bao gồm cả khí và nhiên liệu) sẽ được đẩy ngược trở lại cổ góp. Hiện tượng này giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu bằng cách hy sinh một chút công suất tối đa.
So sánh với động cơ chu trình Otto, chu trình Atkinson sản sinh ít nhiệt năng hơn. Đối với động cơ đốt trong thì chỉ có khoảng 30% năng lượng sinh ra từ việc đốt nhiên liệu được chuyển hóa thành cơ năng để đẩy chiếc xe đi, phần còn lại bị lãng phí bằng nhiệt độ và áp suất. Động cơ chạy chu trình Atkinson sản sinh ít nhiệt năng và áp suất hơn nên dù công suất cực đại không bằng chu trình Otto, nhưng Atkinson máy máy hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và có hiệu suất nhiệt tốt hơn Otto, vì bớt hao phí nhiệt năng. Không phải ngẫu nhiên mà động cơ thương mại có hiệu suất nhiệt tốt nhất thế giới (ở mức 41%) lại sử dụng chu trình Atkinson.
Như vậy, Vinfast không sử dụng Valvetronic không phải vì BMW không bán hay họ không thể mua, đơn giản vì họ lựa chọn chu trình Atkison (vốn tận dụng phần cứng và phần mềm của Dual VANOS) để tạo ra một chiếc xe phù hợp với phong cách chạy xe của người Việt, môi trường và chất lượng xăng Việt Nam. Nói cách khác, Vinfast không bê nguyên xi thứ đã có trước đó, không “ăn sẵn”, mà có nghiên cứu và phát triển thứ phù hợp với thị trường Việt Nam. Đây thực sự là đầu tư nghiêm túc chứ không ăn xổi ở thì.
Vậy trải nghiệm thực tế thì sao? So với những cỗ máy N20 mà tôi đã có nhiều trải nghiệm, động cơ của Vinfast không nhạy bằng. Tất nhiên, “nhạy” ở đây không phải là độ nhạy chân ga mà là khoảng thời gian động cơ đạt được lực kéo tối đa. Động cơ Vinfast bị trễ một chút khi so với máy N20 trên Series 5 đời F10 nhưng khoảng cách cũng không quá nhiều. Điều quan trọng là khi so với động cơ của Mazda 6 hay Toyota Camry, động cơ Vinfast Lux A hoàn toàn lấn át những đối thủ này. Hộp số ZF 8 cấp của Vinfast cũng nhanh nhạy và “khôn” hơn nhiều so với hộp số 6 cấp của Mazda 6, Toyota Camry.
Trợ lực dầu trên xe Vinfast là sự bất ngờ lớn đối với tôi
Bất kỳ ai đã từng cầm lái Vinfast và các mẫu xe cạnh tranh đều sẽ đồng tình rằng Vinfast là chiếc xe cho trải nghiệm lái cảm xúc và phấn khích nhất. Ngoài động cơ, hộp số vượt trội, Vinfast Lux A còn có cảm giác vô lăng thực sự thỏa mãn người lái. Đó là nhờ kết cấu trợ lực dầu vô cùng chính xác và cung cấp phản hồi mặt đường tương đối tốt. Bên cạnh đó, hệ dẫn động cầu sau cũng khiến Vinfast Lux A linh hoạt và an toàn hơn khi vào cua ở tốc độ cao vì 2 lốp trước chỉ tập trung dẫn hướng, 2 lốp sau dẫn động. Bộ lốp Continental Sport Contact 6 của Vinfast cũng cao cấp hơn nhiều so với lốp nguyên bản của Camry hay Mazda 6. Đây là dòng lốp hiệu năng cao nhưng không hy sinh độ êm ái, cá nhân tôi còn đánh giá Sport Contact 6 tốt hơn Michelin Pilot Sport 4.
Về khả năng cách âm, độ cân bằng khi đi đường xấu hay khả năng tăng tốc vượt xe trên cao tốc, Vinfast Lux A đều vượt trội so với những mẫu sedan cùng giá bán. Thực sự, trải nghiệm tổng thể với Lux A là quá khác biệt so với Camry hay Mazda 6, chỉ có những ai không có thiện cảm với thương hiệu Vinfast thì mới phủ nhận điều này! Nếu như bạn không tin thì hãy tự mình lái 3 chiếc xe kể trên tại Đại lộ Thăng Long ở vận tốc 100 km/h, bạn sẽ tự tìm thấy câu trả lời.
Kết luận
Có lẽ Vinfast Lux A là một chiếc xe được yêu – và bị ghét nhiều nhất hiện nay tại Việt Nam. Lux A bị nhiều người ghét (có lẽ tôi nên dùng từ “đố kỵ”) vì Lux A đã đạp đổ nhiều thần tượng trong lòng họ, hoặc đơn giản là họ không muốn tỷ phú Việt Nam thành công, không muốn người Việt có một thương hiệu xe hơi đúng nghĩa!
Dù vậy, một sản phẩm không thể thành công nếu như không tạo được nhiều ý kiến trái chiều. Vinfast Lux A là một quả bom tấn của ngành công nghiệp nước nhà nên cũng dễ hiểu khi nó gây ra nhiều sự xáo trộn và tranh luận. Đối nghịch với một bộ phận thiểu số không thích Vinfast chính là những người ủng hộ thương hiệu này. Họ ủng hộ một phần vì lòng tự tôn dân tộc – đó là một lý do rất chính đáng. Tuy nhiên, họ mua xe Vinfast vì một điều rất đơn giản: Vinfast Lux A (và Lux SA) là những chiếc xe mang lại nhiều giá trị nhất trong phân khúc của chúng.