Với rất nhiều nâng cấp đáng giá cả về thiết kế lẫn công năng, Mitsubishi Outlander CKD 2020 đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với khách hàng Việt Nam. Xe có giá bán từ 825 đến 950 triệu đồng tại thị trường Việt Nam tương ứng với hai phiên bản 2.0 CVT và 2.0 CVT Premium.
Vẻ đẹp từ Dynamic Shield 2.0
Mitsubishi Outlander 2020 ghi điểm ngay từ giây phút đầu tiên khách hàng “chạm mặt” chiếc xe này. Mẫu CUV của Mitsubishi quá khác biệt so với các mẫu xe cùng phân khúc, và khác biệt với cả chính phiên bản trước nhờ ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield thế hệ mới với triết lý “Vẻ đẹp từ công năng”.
Trước đây, không ít người cho rằng có một sự mông lung về hình ảnh thương hiệu của Mitsubishi: người tiêu dùng dường như không thể nhớ đến một chi tiết thiết kế hay một hình dáng nào tượng trưng cho hãng xe Nhật. Một hãng xe không gây được sự ấn tượng trong lòng đa số người tiêu dùng thì khó có thể phát triển mạnh mẽ. Ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield đã gạt bỏ sự mập mờ đó và Outlander là mẫu xe đầu tiên được áp dụng ngôn ngữ thiết kế đầy táo bạo và ấn tượng này. Với phiên bản 2020, Outlander tiếp tục phát huy vẻ đẹp nam tính và sang trọng của ngôn ngữ Dynamic Shield 2.0.
Người đứng sau Dynamic Shield là ông Tsunehiro Kunimoto, Giám đốc thiết kế toàn cầu của Mitsubishi với hơn 40 năm kinh nghiệm. Theo ông, Dynamic Shield không chỉ được thể hiện ở vẻ bề ngoài đầy năng động, thể thao (Dynamic) mà đó còn là lời khẳng định bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hành khách trong xe. Đó là lý do vì sao Mitsubishi dùng từ Khiên (Shield) mà không phải thứ gì khác. Năng động và an toàn là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo nên hình ảnh của mọi chiếc xe Mitsubishi.
Điểm đáng chú ý nhất ở ngoại thất của Outlander 2020 là mặt lưới tản nhiệt phần đầu xe được thiết kế mới ấn tượng và phong cách hơn. Vẫn là mô típ 2 thanh crôm cỡ lớn ôm lấy biểu tượng ngôi sao ba cánh nhưng các nhà thiết kế Mitsubishi đã khéo léo điểm thêm các họa tiết hình lục giác để tăng ấn tượng thị giác.
Đặc biệt, Outlander 2020 bản 2.0 CVT Premium mà tôi trải nghiệm được trang bị hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ Full LED tích hợp hệ thống rửa đèn hiện đại. Bên cạnh đó, tấm cản trước được ốp crôm khiến phần đầu xe vuông vức và liền mạch hơn.
Outlander 2020 có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) 4.695 x 1.810 x 1.710 mm, thuộc hàng lớn nhất phân khúc. Nhìn từ bên hông, đường gân sắc lẹm chạy dọc thân xe, kết nối 2 cụm đèn trước sau và thanh nẹp crôm ở phần thân dưới càng góp phần tạo ấn tượng thị giác về chiều dài ấn tượng của Outlander. Chưa hết, mui xe còn được bố trí hai thanh gá nóc màu bạc kết nối kính chắn gió trước và kính hậu, góp phần tôn lên kiểu dáng năng động của Outlander.
Phần đuôi xe khá vuông vức và thu hút ánh nhìn nhờ hai cụm đèn hậu full LED gồm các dải đèn LED to bản khiến mẫu xe của Mitsubishi thêm phần sang trọng. Chi tiết này tựa như thiết kế của các mẫu xe châu Âu cao cấp và khiến Outlander thực sự nổi bật vì các đối thủ hầu hết đều sử dụng đèn halogen hoặc chỉ có dải đèn LED rất mảnh.
Bên cạnh đó, tấm cản sau được tạo hình rất dày dặn, được sơn sáng màu và cánh gió có thiết kế mới cùng bộ la-zăng 18 inch 2 tông màu là các chi tiết cuối cùng tạo nên vẻ bề ngoài rất bảnh bao, đĩnh đạc nhưng đầy năng động cho Mitsubishi Outlander. So với phiên bản 2019, được bổ sung cửa cốp đóng/mở bằng nút bấm tích hợp hoặc bằng chìa khóa. Đây là trang bị hữu ích trong trường hợp bạn đang mang vác nặng hoặc mở cốp cho người khác lấy hành lý.
Nội thất sang trọng hơn
Thoạt nhìn, khoang cabin của Mitsubishi Outlander 2020 không có nhiều điểm khác biệt so với phiên bản 2019. Tuy nhiên, nhờ lợi thế lắp ráp trong nước, Mitsubishi Việt Nam đã nhanh chóng bổ sung những tinh chỉnh cần thiết nhằm đưa Outlander trở lại cuộc đua doanh số với Mazda CX-5 hay Honda CR-V.
Đầu tiên, tôi muốn nhắc đến những tiện ích phục vụ người lái. Cả 2 phiên bản Outlander 2020 đều được trang bị lẫy chuyển số trên vô lăng giúp việc sang số nhanh chóng và thuận tiện. Cần lưu ý là mẫu CUV của Mitsubishi sở hữu hộp số vô cấp CVT nên 6 cấp số mà bạn có thể chọn đều là tỷ lệ truyền giả lập. Dù vậy, thao tác với lẫy chuyển số vẫn khá thoải mái và mượt mà, không chậm chạp như vài hộp số CVT trên các xe Nhật khác mà tôi từng trải nghiệm. Trên vô lăng của Outlander 2020 vẫn có những tiện nghi tiêu chuẩn trong phân khúc như Cruise Control hay các phím âm lượng, điều hướng menu và đàm thoại rảnh tay.
Nhìn sang bảng táp lô, ta sẽ thấy màn hình trung tâm được nâng cấp một chút với kích thước 7 inch (thay vì 6,75 inch của bản cũ). Màn hình có thiết kế ăn nhập với bảng táp lô hơn, sáng hơn và có giao diện thân thiện hơn. Đặc biệt, màn hình của Outlander 2020 nay đã hỗ trợ kết nối Apple CarPlay và Android Auto, thứ mà nhiều hãng xe Nhật thường “quên”. Hai phương thức kết nối thông minh này rất tiện ích nếu như bạn chịu khó làm quen với chúng. Bên cạnh màn hình tốt hơn thì hệ thống điều hòa cũng được nâng cấp với các núm xoay trực quan, dễ thao tác hơn. Đặc biệt, người ngồi sau giờ đã có cửa gió điều hòa riêng và 2 cổng USB.
Ở phiên bản 2019, các biến thể Outlander sở hữu động cơ 2.0 vẫn sử dụng phanh tay dạng cơ và không có chế độ giữ phanh tự động (Auto Hold). Phiên bản Outlander 2020 2.0 CVT Premium đã được bổ sung phanh tay điện tử và Auto Hold, mang lại sự thoải mái khi lái xe hằng ngày. Xe cũng có hệ thống sưởi ghế trước dù tính năng này không mấy hữu dụng tại Việt Nam. Có một điều tôi vẫn chưa ưng ý, đó là có quá nhiều nút chờ ở khu vực táp lô, nhất là dưới bảng điều chỉnh điều hòa.
Outlander có khoang nội thất thuộc hàng rộng nhất phân khúc với 3 hàng ghế ngồi và tổng thể tích khoang cabin đạt mức 3.630 lít, vượt trội so với những mẫu CUV cùng phân khúc. Tuy là xe crossover 5+2 nhưng hàng ghế thứ 3 của Outlander vẫn tương đối rộng rãi, không chỉ cho trẻ em mà người lớn cũng có thể ngồi thoải mái trong những chuyến đi ngắn. So sánh với Honda CR-V và Nissan X-Trail, hàng ghế thứ 3 của Outlander phần nào rộng rãi hơn, nhất là nếu so về khoảng trống trên đầu người ngồi và khoảng duỗi chân.
Hàng ghế thứ 2 có thể ngả lưng ghế, gập 6:4, có thể đẩy lên tới 25cm để nhường diện tích cho hàng ghế thứ 3. Đây là sự tiện dụng rất đáng giá vì nhiều đối thủ trong phân khúc không có hàng ghế thứ 3 và hàng ghế thứ 2 không ngả lưng ghế được. Lúc cần thiết, các ghế có thể gập phẳng từng phần hay toàn bộ, tạo nên không gian chở đồ đạc vô cùng hữu ích với tổng thể tích khoang chứa đồ lên tới 1.792 lít khi gập cả 2 hàng ghế.
Về mặt trang bị an toàn, Outlander xứng đáng là một trong những cỗ máy an toàn nhất phân khúc crossover cỡ vừa với 5 năm liên tiếp đạt chứng nhận an toàn IIHS Top Safety Pick+ và luôn được bình chọn là 1 trong 10 chiếc crossover an toàn nhất. Xe sở hữu khung gầm RISE an toàn tối đa với các vùng mềm chủ động, 7 túi khí an toàn, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, Cân bằng điện tử ASC, Phân phối lực phanh điện tử EBD, trợ lực phanh khẩn cấp BA, Hệ thống khởi hành ngang dốc HSA, tính năng kiểm soát hành trình, camera lùi và Hệ thống kiểm soát chân ga khi phanh (Brake Overide System).
Chưa dừng lại ở đó, Outlander 2020 còn được bổ sung hệ thống Kiểm soát điểm mù BSW và Cảnh báo phương tiện cắt ngang đuôi xe (RCTA). Bằng các cảm biến lùi ở đuôi xe, nếu RCTA và BSW phát hiện có phương tiện tiến gần khi bạn đang lùi xe, thông tin cảnh báo sẽ xuất hiện trên màn hình sau vô lăng, âm thanh cảnh báo sẽ phát ra và đèn cảnh báo trên gương chiếu hậu ngoài sẽ nhấp nháy. Đây là hệ thống rất hữu ích khi tài xế cần lùi xe ra khỏi bãi đỗ xuống lòng đường.
Trải nghiệm
Giống như phiên bản 2019, Mitsubishi Outlander 2020 tiếp tục được lắp ráp tại nhà máy của Mitsubishi Việt Nam đặt tại tỉnh Bình Dương. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít khách hàng băn khoăn về chất lượng xe lắp ráp. Nắm bắt được tâm lý đó, Mitsubishi Việt Nam đã chia sẻ rất nhiều thông tin nhằm khẳng định Outlander CKD không hề thua kém phiên bản nhập khẩu.
Cụ thể, Mitsubishi Motors Việt Nam cho biết Outlander mới tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu khi sử dụng các bộ linh kiện được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và quy trình lắp ráp được giám sát nghiêm ngặt bởi chính các chuyên gia từ tập đoàn Mitsubishi Motors Nhật Bản. Định kỳ, những miếng thép chứa mối hàn của khung xe Outlander được cắt ra và gửi sang Nhật Bản để các kỹ sư hãng mẹ thẩm định chất lượng mối hàn.
Phần nắp capô của một chiếc Outlander chọn ngẫu nhiên trong dây chuyền lắp ráp sẽ được cắt vụn thành 160 mảnh nhỏ để thẩm định chất lượng sơn. Đây là quy trình kiểm tra nhằm đảm bảo độ đồng màu và độ bền của lớp sơn phủ trên xe. Chưa hết, một số chiếc Outlander lựa chọn ngẫu nhiên sẽ được xuất khẩu ngược về Nhật để các chuyên gia ở đất nước mặt trời mọc trực tiếp kiểm tra chất lượng một cách tổng thể. Có thể thấy, các hãng xe Nhật Bản luôn đề cao vấn đề quản lý chất lượng cho các sản phẩm họ tạo ra.
Bước vào trong xe và đóng cửa, một tiếng thịch chắc nịch vang lên, khác hẳn với một số mẫu xe lắp ráp trong nước của các thương hiệu khác. Ấn nhẹ nút đề, chiếc xe khẽ rung lên trong thoáng chốc rồi trả lại sự im lặng gần như tuyệt đối cho khoang cabin Outlander. Tôi thực sự bất ngờ trước khả năng cách âm hàng đầu phân khúc của mẫu crossover này, gần như không thể nghe thấy tiếng động cơ ở trạng thái nổ cầm chừng! Mitsubishi cho biết họ đã tái thiết kế toàn bộ hệ thống gioăng cửa để mang đến khả năng cách âm tuyệt vời.
Mitsubishi Outlander đời 2020 hiện chỉ có 2 phiên bản 2.0, chưa có bản 2.4. Các bản 2.0 sở hữu công suất tối đa 145 mã lực và 198 Nm, không quá mạnh mẽ nhưng đủ để chiếc xe hoạt động thoải mái trong phố, môi trường hoạt động chính của những chiếc CUV. Vào số D và đệm nhẹ chân ga, chiếc xe lướt đi nhẹ nhàng, không trễ nải. Hộp số CVT hoạt động mượt mà và không khiến tôi phải quan tâm đến nó. Hộp số CVT thể hiện rõ sự êm ái khi di chuyển ở tốc độ thấp. Chạy đều trên cao tốc, duy trì ở tốc độ 80km/h, vòng tua động cơ ở 1.600 vòng/phút và con số này chỉ ở ngưỡng 2.200 vòng/phút với tốc độ 120km/h, 2 thông số rất tốt khi so với hộp số thông thường.
Thử dậm mạnh chân ga, hiện tượng dây chun đặc trưng của hộp số CVT cũng không quá rõ ràng – đây là một điểm cộng của Outlander. Xe có trọng lượng khô chỉ 1.535 kg, tương đối nhẹ nên động cơ nạp khí tự nhiên 2.0L vẫn hoàn toàn “đủ dùng”. So với đối thủ, Outlander cũng có bán kính quay đầu nhỏ nhất phân khúc, chỉ 5,3 mét nên xe rất linh hoạt trong đường hẹp. Tuy nhiên, vô lăng không mang lại nhiều cảm giác hứng khởi. Đây là một chiếc xe gia đình nên đó cũng là điều dễ hiểu.
Vì là xe gia đình nên Outlander được thiết kế để mang lại trải nghiệm êm ái. Hệ thống treo trước kiểu MacPherson cùng hệ thống treo sau đa liên kết được tinh chỉnh để tối ưu sự mượt mà khi di chuyển ở tốc độ thấp. Các kỹ sư Mitsubishi bố trí thanh cân bằng có kích thước vừa phải ở cả hệ thống treo trước và sau khiến xe không bị chòng chành khi đi qua ổ gà hay vào cua gấp. Điều này sẽ giúp người ngồi trên xe ít bị say. Khi xe vào cua, hiện tượng nghiêng thân xe (body roll) dù khá rõ rệt nhưng hiện tượng thiếu lái chỉ xuất hiện khi bạn cố tình vào cua với tốc độ cao.
Ưu điểm lớn nhất của Outlander so với đối thủ là khả năng cách âm. Khi vào cao tốc, khả năng cách âm của Outlander ở tốc độ 100 km/h là thực sự tuyệt vời, độ ồn lốp, ồn máy và ồn gió được kiểm soát rất tốt và chỉ số độ ồn chỉ ở mức 65 dB ở 100 km/h, thấp hơn nhiều so với mức chung của phân khúc crossover. Có thể thấy, khả năng cách âm là một thế mạnh của Outlander bản nhập và nó được duy trì trọn vẹn ở phiên bản lắp ráp trong nước. Khả năng cách âm ở tốc độ cao là minh chứng cho chất lượng của bất kỳ chiếc xe nào, dù lắp ráp hay nhập khẩu.
Kết luận
Không phải chiếc xe nào cũng phải sở hữu khả năng tăng tốc tốt nhất hay thiết kế phá cách nhất. Rất nhiều khách hàng chỉ cần một chiếc xe rộng rãi, êm ái, tiết kiệm xăng và bền bỉ. Đó chính xác là những thế mạnh của dòng xe Outlander. Phiên bản Outlander 2020 bổ sung thêm nhiều tiện nghi và tính năng an toàn hữu ích, đồng thời khoác lên mình thiết kế lịch lãm, bảnh bao hơn so với đời cũ. Với giá bán từ 825 đến 950 triệu đồng, đi kèm với chương trình khuyến mãi có giá trị lên tới 55 triệu đồng, Mitsubishi Outlander 2020 là một lựa chọn sáng giá trong phân khúc Crossover 5+2.