Baidu Apollo đã lần đầu tiên đánh bại Google Waymo, theo một bản báo cáo về phương tiện giao thông tự hành của California.
Gã khổng lồ internet Trung Quốc, Baidu, đã tước vương miện của Google trên lĩnh vực xe hơi tự lái, ít nhất là khi xét đến một trong số ít các tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi để đánh giá về tiến bộ trong công nghệ này. Dù vậy, cuộc đua phát triển một chiếc xe hơi có khả năng tự lái thực thụ vẫn đang rộng mở.
Xe hơi tự lái là một ngành công nghiệp tương đối kém minh bạch, khi mà mọi công ty đều tìm cách giấu kín những thông tin chi tiết liên quan công nghệ độc quyền của mình, và cũng có rất ít các cơ quan có thẩm quyền đủ khả năng đánh giá và thẩm định lĩnh vực còn non trẻ này.
Đó là lý do tại sao bản báo cáo thường niên về tần suất can thiệp của tài xế trên phương tiện tự hành của Sở Phương tiện Cơ giới California (DMV), một bản ghi chi tiết kết quả thử nghiệm trên đường phố của hầu như toàn bộ các ông lớn về xe hơi không người lái, lại được theo dõi hết sức tỉ mỉ và được xem là một thước đo cho quá trình phát triển của công nghệ này.
Theo luật pháp, mọi công ty tiến hành thử nghiệm các phương tiện tự lái ở California phải báo cáo từng trường hợp mà trong đó, tài xế dự phòng con người buộc phải lấy lại quyền kiểm soát một chiếc xe tự lái đang được thử nghiệm trên các tuyến đường công cộng ở bang này.
Cụ thể, bản báo cáo này có một khái niệm là "disengagements per mile" (có thể hiểu là tần suất can thiệp của tài xế trên mỗi dặm đường). Tần suất này càng ít chứng tỏ xe càng ít đòi hỏi sự can thiệp từ con người. Một số người cho rằng đây chính là một dấu hiệu thể hiện một phương tiện đang trở nên an toàn hơn và có khả năng tự hành tiên tiến hơn.
Trong nhiều năm, bộ phận xe hơi tự lái của Google là Waymo đã luôn giữ vị trí quán quân khi xét về tần suất can thiệp nói trên (tức ít nhất). Nhưng năm ngoái, vương miện của họ đã bị cướp mất bởi Apollo, công ty xe tự hành thuộc sở hữu bởi gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc là Baidu.
Phải chăng đó là bằng chứng cho thấy xe hơi tự lái của Baidu đã tốt hơn của Google? Cả hai công ty đều trả lời là…"Không".
"Vị trí của Waymo ngay từ ban đầu – và theo ý kiến đồng thuận của cả ngành công nghiệp – thì ‘disengagements’ không phải là tiêu chí duy nhất hay tốt nhất để đánh giá sự tiến bộ của công nghệ tự lái" – một người phát ngôn của Waymo nói.
Tập trung quá nhiều vào "disengagement per mile" "không giúp ích được gì nhiều ngoài việc tạo nên một cuộc đua ngựa trên một đoạn đường đầy bùn đất trong ngành công nghiệp của chúng ta", từ đó có thể trở thành một sự sao nhãng, khiến chúng ta ngày càng xa rời những bước tiến và cải tiến thực sự - theo lời người phát ngôn nói trên.
Những chỉ trích của Waymo đối với cách đánh giá dựa trên tỉ lệ "disengagement" có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà công ty này đã đánh mất vị trí dẫn đầu lần đầu tiên từ trước đến nay, nhưng ngay cả Baidu cũng không đề cao tầm quan trọng của bản báo cáo.
"Bản báo cáo của DMV có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo, nhưng cách xếp hạng thì không có ý nghĩa gì" – người phát ngôn của Baidu Apollo nói.
"Tần suất can thiệp trên mỗi dặm đường là một sự phản ánh của tốc độ phát triển kỹ thuật qua nhiều thế hệ, nhưng so sánh giữa các công ty thì không có ý nghĩa bởi nhu cầu kinh doanh là khác nhau với mỗi công ty xe tự hành khác nhau" – người này nói thêm.
"Ý nghĩa rằng ‘disengagements’ cho thấy một tín hiệu khả quan rằng một phương tiện tự hành đã sẵn sàng để được triển khai về mặt thương mại chỉ là một sự tưởng tượng" – đồng sáng lập và CTO của Cruise, Kyle Vogt, viết trong một bài blog. "Dữ liệu này thực sự tuyệt vời khi mang lại cho công chúng thông tin về những gì đang diễn ra trên đường… Nhưng nó lại quá nghèo nàn để hầu hết mọi người ngoài DMV".
Công ty Apollo của Baidu đạt được chỉ số "disengagements per thousand miles" kỷ lục là 0,06 trong năm 2019; trong khi Waymo và Cruise đạt trung bình lần lượt 0,076 và 0,08 – theo bản báo cáo của DMV California.
Tuy nhiên, cả Waymo và Cruise đều có số dặm đường thử nghiệm nhiêu hơn đáng kể, với số lượng xe thử nghiệm trên đường cũng nhiều hơn hẳn so với Baidu trong năm 2019.
Cruise có 227 phương tiện trên đường, đi tổng cộng 831.039,9 dặm. Waymo thử nghiệm 147 xe, đi tổng cộng 1.453,137.3 dặm. Baidu chỉ triển khai 4 phương tiện và đi tổng cộng 108.300 dặm trên các đường phố California.
Hai startup xe tự lái từ Trung Quốc – AutoX và Pony.ai – xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 5, có nghĩa là 3 trong số 5 công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng xuất phát từ Trung Quốc.
"Trung Quốc đã và đang tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực này và đang thu được một số thành quả từ việc đầu tư đó" – Richard Windsor, nhà sáng lập của Radio Free Mobile, viết trong báo cáo nghiên cứu.
Tuy nhiên, không thể phân định rõ giữa các công ty hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ, "xét những điểm yếu trong dữ liệu này và sự thật là nhiều công ty trong số đó cũng đang thử nghiệm ở nhiều địa điểm khác ngoài California" – Windsor cho biết.
Một nhà đầu tư mạo hiểm chuyên về lĩnh vực xe hơi ở Thung lũng Silicon đồng ý rằng rất khó để rút ra kết luận nếu chỉ dựa trên bản báo cáo của California.
"Các công ty xe tự lái của Trung Quốc và Mỹ về cơ bản đang nghiên cứu trên hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt khi mà họ đều tập trung vào thị trường nội địa của mình" – nhà đầu tư này nói. "Tôi không nghĩ chúng ta có thể thực sự nhận định được công nghệ của ai là tốt hơn cho đến khi các công ty từ hai quốc gia bắt đầu cạnh tranh trên cùng một thị trường với nhau".
Trong trường hợp đó, sẽ mất một thời gian chúng ta mới biết được ai là kẻ thắng cuộc trong cuộc đua xe hơi không người lái. Baidu, AutoX, và Pony.ai đều nói trong nhiều bài phỏng vấn rằng họ không hứng thú với thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại, dù rằng California vẫn là một địa điểm quan trọng để tiến hành việc thử nghiệm.
"Ở thời điểm hiện tại, thị trường chính của Apollo vẫn là Trung Quốc, nơi mà môi trường hoạt động phức tạp hơn, cần thử nghiệm trên đường phố trên diện rộng hơn, và cần những cải tiến kỹ thuật sâu hơn nữa" – người phát ngôn của Baidu Apollo nói.