Đánh giá xe Kia Quoris 2017 - Bước chân vào lãnh địa xe sang

Với sự ra đời của Kia Quoris, nhiều người đã không còn cười khẩy khi nghe cụm từ “xe sang của Kia”. Mẫu xe đắt tiền nhất của hãng xe Hàn cần thêm sự tinh tế trong thiết kế và sự nâng tầm về vật liệu cấu thành nội thất để có thể thực sự cạnh tranh với những mẫu xe đỉnh cao đến từ Đức hay Nhật Bản.

Kia hay Hyundai, Hyundai hay Kia?

Nhiều người đã lờ mờ biết hai hãng xe Hàn này có một mối liên hệ nào đó nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của sợi dây kết nối Kia – Hyundai. Nói một cách đơn giản thì Kia Motors và Hyundai Motors là hai anh em họ hàng có quan hệ mật thiết nhưng lại là những đối thủ trực tiếp tại rất nhiều phân khúc xe khác nhau.

Kia Stonic 2018 tiết lộ thêm một vài thông tin trước khi "hạ lốp" tại Frankfurt 2017

Ông Michael Sprague, phó chủ tịch marketing và truyền thông của Kia Bắc Mỹ, giải thích: “Kia Motors Bắc Mỹ hoạt động như một đơn vị độc lập hoàn toàn về tài chính, quảng cáo và phân phối sản phẩm tại Mỹ”. Jim Trainor, người đại diện của Hyundai Motors Bắc Mỹ cũng đồng tình với quan điểm đó. Ông cho rằng “Hyundai coi Kia như một đối thủ, giống như bao đối thủ khác trong thị trường xe”. Minh chứng cho sự riêng biệt và độc lập của Kia và Hyundai là tại Việt Nam, mọi xe Kia và xe thương mại được phân phối bởi Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, còn xe du lịch mang nhãn nhiệu Hyundai được phân phối bởi Thành Công Group. Tuy nhiên, mối quan hệ của hai thương hiệu xe Hàn này phức tạp hơn nhiều.

Năm 1998, tập đoàn khổng lồ Hyundai Group mua lại thương hiệu xe hơi Kia, lúc đó vừa bị phá sản. Sau đó, Hyundai Group sát nhập Kia Motors vào Hyundai Motors, tạo nên Hyundai Kia Automotive Group. Kể từ đó, dù 2 thương hiệu xe hơi Kia và Hyundai vẫn có kênh phân phối và kế hoạch quảng bá riêng nhưng hầu hết mọi hoạt động nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm đều được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Namyang của Hyundai, đặt tại Hwaseong, Hàn Quốc.

Không chỉ công tác nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi một đội ngũ chung tại một địa điểm chung mà nhiều sản phẩm của hai hãng cũng gần như được đúc từ một khuôn ra. Ví dụ tiêu biểu là Hyundai Santa Fe và Kia Sorento: cả 2 mẫu crossover này đều được lắp ráp tại nhà máy của Kia ở West Point, New York. Đến đây, có lẽ bạn đã rõ hai ý nghĩa của hai chữ “anh em” trong quan hệ giữa Kia và Hyundai, vậy còn “đối thủ” thì sao?

5 mẫu xe đáng mua với giá khoảng 800 triệu đồng

Sự khác biệt lớn nhất giữa Huyndai Group và các tập đoàn xe khổng lồ khác, tiêu biểu như FCA Group (Fiat Chrysler Automobiles) là cách thức các hãng xe thuộc tập đoàn tương tác với nhau. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để bạn dễ hiểu hơn: Bạn có hai đứa con tên là Kia và Hyundai. Một hôm, bạn bảo chúng xây 1 cái lâu đài từ đống lego mà chúng vẫn hay chơi. Cả hai đứa trẻ đều cùng làm một việc với mục đích như nhau (xây lâu đài), cùng sử dụng những miếng lego như nhau và thậm chí còn HỌC HỎI nhau cách xây lâu đài.

Dù vậy, lâu đài của hai đứa vẫn khác nhau một chút. Khi bạn vào phòng, lâu đài của nhóc Kia đẹp hơn nhưng bạn chưa khen vội – bạn sẽ bảo nhóc Hyundai hãy cố thử xây lại lâu đài sao cho đẹp hơn Kia và rồi khi sản phẩm của Hyundai đã đẹp hơn Kia, bạn sẽ lại cổ vũ Kia. Đó là cách mà “ông bố” Hyundai Group áp dụng cho hai hãng xe Hyundai và Kia: cho phép cả hai trực tiếp cạnh tranh với nhau ở nhiều phân khúc để cùng hướng đến một mục tiêu chung: tạo ra những chiếc xe rẻ, tiện nghi và bền bỉ. Tuy nhiên, xe Kia vẫn được hướng tới nhóm khách hàng trẻ trung hơn và có giá bán đề xuất rẻ hơn một chút so với Hyundai và ngược lại.

Kia Quoris – một bước tiến đầy tham vọng

“Thách thức định nghĩa sang trọng mà bạn thường nghĩ tới”, đây là một câu slogan quá rõ ràng, rõ ràng đến nỗi bạn chẳng cần một lời giải thích nào. Kia đang bước những bước đi đầu tiên tiến đến lãnh địa xe sang giống như Lexus gần 30 năm trước. Phân khúc xe sedan cỡ lớn hạng sang luôn là một mảnh đất mà rất nhiều hãng xe muốn đánh chiếm. Đó không phải là phân khúc sản sinh nhiều doanh số hay lợi nhuận nhất nhưng những chiếc xe thuộc phân khúc này luôn mang lại một giá trị vô hình nhưng vô cùng quan trọng. Đó là hình ảnh thương hiệu.

KIA Cerato 2017 hoàn thiện hơn về thiết kế, giá không đổi

Đã có một thời, xe Hàn Quốc không được đánh giá cao về nhiều mặt, nhất là độ bền của xe. Khoảng 10 năm trở lại đây, Kia đã nỗ lực để xóa bỏ ấn tượng xấu này và họ đã thành công. Trong bảng xếp hạng những hãng xe đáng tin cậy nhất của Consumer Reports, Kia xếp thứ 9, chỉ sau hàng loạt tên tuổi lớn khác như Audi, BMW, Lexus, Porsche, v.v.. Tuy nhiên, dù Kia giờ đây đã có thể sản xuất những chiếc xe thực sự bền bỉ và sở hữu nhiều tính năng đáng giá nhưng trong mắt nhiều người tiêu dùng, họ vẫn chỉ là hãng xe giá rẻ. Kia Quoris ra đời để thay đổi điều đó.

Kia Quoris, hay còn được biết đến với tên gọi K9 hay K900 tùy thị trường, được giới thiệu lần đầu tại triển lãm ô tô Los Angeles 2013. Quoris là mẫu xe đắt nhất, sang trọng nhất của KIA. Tại Việt Nam, Trường Hải Motors phân phối Kia Quoris được trang bị động cơ V6 3.8 lít cho công suất tối đa 286 mã lực, lực mô men xoắn cực đại 358 Nm (thông số của Kia Việt Nam*), đi kèm hộp số 8 cấp do Kia tự phát triển. Kia Quoris sở hữu hệ thống truyền động bánh sau tương tự các mẫu xe sang Châu Âu và được phát triển trên nền tảng của Hyundai Equus. (*: Trang web toàn cầu của Kia cho thấy động cơ V6 3.8L của Quoris sở hữu tới 311 mã lực, 398 Nm. Hiện chúng tôi chưa rõ phiên bản Quoris được phân phối tại Việt Nam có động cơ bị giới hạn công suất hay đây đơn thuần chỉ là lỗi đánh máy).

Ngoại thất độc đáo nhưng chưa thực sự đột phá

Kia Quoris là mẫu xe có thiết kế ấn tượng nhất của hãng xe Hàn Quốc và nó có vẻ đẹp ngoại thất đặc biệt và khá sang trọng, phảng phất phong cách thiết kế Châu Âu. Người đứng sau cuộc cách mạng thiết kế của Kia là Peter Schreyer, một nhà thiết kế xe đại tài đến từ vùng Bavaria, quê hương của BMW. Peter Schreyer là người tạo nên lưới tản nhiệt hình mũi hổ - nét thiết kế đặc sắc mang tính biểu tượng của Kia kể từ năm 2007. Có thể nói ông là người mang đến sự khởi sắc về mặt thiết kế của Kia trong khoảng 10 năm gần đây. Hiện tại, khi nói đến Kia, người ta sẽ nói đến thiết kế đầy năng động, trẻ trung và ấn tượng.

Kia Quoris có thiết kế ngoại thất rất độc đáo và lạ mắt. Điểm nhấn ấn tượng nhất ở đầu xe là 2 cụm đèn pha full LED được tạo dáng vô cùng độc đáo và mới lạ. Bên cạnh đó, lưới tản nhiệt “mũi hổ” được mạ crôm sáng loáng. Xe có kích thước tổng thể bao gồm chiều dài 5.090 mm, rộng 1.900 mm và cao 1.490 mm. Chiều dài cơ sở của xe đạt 3.045 mm. Những thông số này tiệm cận hoặc ngang bằng với những mẫu sedan hạng sang cỡ lớn tiêu biểu như Mercedes-Benz S-Class, BMW 7-Series hay Audi A8. Tuy nhiên, Kia công bố Quoris “chỉ” cạnh tranh trực tiếp với BMW 5 Series và Mercedes-Benz E-Class. Nếu vậy, Kia Quoris to lớn và rộng rãi hơn hẳn 5 Series và E-Class, trong khi giá bán chỉ ngang tầm với hai dòng xe này, ở mức 2.748 tỷ đồng.

Dạo quanh một vòng chiếc Quoris, tôi lại thầm nể phục ông Peter Schreyer. Thực lòng mà nói, tôi không thể nhớ những chiếc xe Kia trước kia có điểm nhấn gì về ngoại thất. Chúng đều khá vô danh, nhạt nhẽo, thiết kế không đẹp hẳn cũng chẳng xấu hẳn, chẳng để lại ấn tượng gì sâu đậm. Những chiếc Kia trong vòng 10 năm trở lại đây thì khác hẳn: rất cá tính, sở hữu nhiều chi thiết nhận dạng thương hiệu (lưới tản nhiệt mũi hổ, đèn pha, đèn sương mù, v.v..) và trên hết, chúng sở hữu ngoại thất thực sự đẹp và thú vị, không nhàm chán.

Cá nhân tôi thấy Kia thiết kế Quoris theo thiên hướng hơi an toàn quá. Xe có tỷ lệ thiết kế kinh điển của một chiếc sedan cỡ lớn với nắp capô dài, đuôi xe ngắn và nhô cao, và khoảng cách từ mũi xe đến bánh xe trước khá ngắn. Giống như nhiều nhiều mẫu xe khác trong phân khúc, kính lái và kính sau rất dốc, tạo nên sự thuôn mượt cho thân xe khi nhìn từ bên ngang. Nhìn chung, Kia Quoris có ngoại thất khá đẹp và bề thế nhưng không quá phá cách khi so với các mẫu xe sang tiêu biểu. Nếu che đi logo Kia và lưới tản nhiệt mũi hổ, ít ai có thể nhận ra đây là xe của hãng nào.

Nội thất tiện nghi nhưng chưa xứng tầm

Bước vào khoang cabin vô cùng rộng rãi của Kia Quoris, tôi vừa bất ngờ, lại vừa có đôi chút thất vọng. Khoang nội thất của Kia Quoris rộng hơn rất nhiều so với E-Class hay 5 Series, nhất là khoảng không gian dành cho hàng ghế sau, nhưng nhiều chi tiết vẫn chưa được chăm chút đúng mực. Nhiều tin đồn cho rằng nội thất chiếc Quoris không được thiết kế bởi Peter Schreyer và cộng sự ở studio thiết kế của Kia đặt tại châu Âu. Thay vào đó, một đội ngũ thiết kế riêng ở Hàn Quốc thực hiện việc ấy. Sau khi trải nghiệm chiếc flagship của Kia, tôi phần nào đồng ý với những tin đồn đó. Nội thất của Quoris không tuân theo triết lý thiết kế “Sự đơn giản của đường thẳng” (the simplicity of the straight line) mà ông luôn theo đuổi.

Chi tiết gây thất vọng nhất đối với tôi là vô lăng của Quoris. Vô lăng 3 chấu được bọc da và ốp nhựa đen có thiết kế hao hao vô lăng của những chiếc Mercedes-Benz đời W221. Phím điều hướng và vòng xoay cao su ở vị trí ngón tay cái ở bên phải vô lăng cũng không mang lại cảm giác tôi đang cầm lái một chiếc xe sang. Những nút bấm, những chi tiết nhựa không được trau truốt và sắc sảo như trên các mẫu xe châu Âu và đáng tiếc là bảng táp lô không được ốp gỗ, thay vào đó là một miếng nhựa đen giống như nhiều mẫu xe cấp thấp khác của Kia. Cá nhân tôi thấy đây là một điều đáng tiếc, Kia nên tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn nữa giữa Quoris và các mẫu xe còn lại.

Khoang sau có không gian cho người ngồi rộng mênh mông chẳng kém một chiếc S-Class với bệ tỳ tay trung tâm có tích hợp bảng điều khiển hệ thống màn hình sau, điều hòa, làm mát và sưởi ghế. Thêm vào đó, người ngồi phía sau có thể ấn nút để ghế sau ngả hết cỡ, ghế hành khách phía trước có thể trượt và gập lên để tạo không gian tối đa cho ghế sau bên phải.

Chỉ với một nút bấm, ghế hành khách phía trước có thể gập tối đa, tạo không gian thoải mái cho ông chủ ngả lưng nghỉ ngơi.

Kia cung cấp cho K9 các trang bị tiện nghi cơ bản thường thấy trong phân khúc, bao gồm: màn hình TFT LCD 12.3 inch), hai màn hình 9.2 inch phục vụ nhu cầu giải trí của người ngồi hàng ghế sau, cửa sổ trời toàn cảnh, đèn pha tự động điều chỉnh góc chiếu theo góc đánh lái, gạt mưa tự động, và hệ thống âm thanh Lexicon 17 loa, 17 kênh.

Về hệ thống an toàn, tùy phiên bản, các trang bị gồm: đèn pha LED điều chỉnh góc chiếu, hệ thống cảnh báo chệch làn đường (LDWS), hệ thống phát hiện điểm mù bằng radar (BSD) và hệ thống quan sát xung quanh xe (AVM) với 4 camera, ESP, ABS, EBD, BA và hệ thống ổn định thân xe AVSM. KIA K9 có 9 túi khí, bao gồm túi khí đầu gối người lái và 2 túi khí bên hông bảo vệ người ngồi sau tối đa. Kính xe cũng được tráng sẵn 1 lớp film cách nhiệt, chống ồn và chống tia UV có hại.

Ngoài ra, chiếc Kia Quoris chúng tôi trải nghiệm còn được trang bị gói tùy chọn đặc biệt VIP Package, cung cấp hàng loạt tiện ích bao gồm: hệ thống hiển thị thông tin trên kính lái Head-up Display (HUD), hệ thống kiểm soát hành trình thông minh (SCC), có khả năng tự phanh nếu trước đầu xe có vật thể quá gần, kiểm soát điểm mù, cảnh báo lệch làn và cảnh báo xe tạt ngang khi lùi. Gói VIP Package còn bao gồm đệm đỡ đùi cho ghế lái, tựa đầu chỉnh điện cho hàng ghế trước, đệm lưng chỉnh điện ở cả 2 hàng ghế, ghế sau có sấy nóng/lạnh, có thể ngả lưng và cuối cùng là cửa hít.

Mặc dù còn một số khuyết điểm về vật liệu và đường nét thiết kế nhưng nhìn chung, khoang nội thất Kia Quoris vẫn rất tiện nghi và rộng rãi, có thể nói là rộng nhất trong tầm tiền. Dù vậy, Kia cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể sánh kịp sự tinh tế, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của những mẫu xe tốt nhất phân khúc.

Trải nghiệm thỏa mãn đến bất ngờ

Bước vào chiếc Kia Quoris, chiếc xe chào mừng tôi bằng một giai điệu vui tai và hình ảnh chiếc xe này xuất hiện trên bảng đồng hồ nhìn khá ấn tượng. Khi tắt máy bước ra, vô lăng tự động thu lại, ghế lái tự động lùi về sau để người lái dễ dàng ra khỏi xe. Quoris phiên bản tiêu chuẩn sở hữu ghế lái chỉnh điện 12 hướng, hàng ghế trước nhớ 2 vị trí và cả 4 ghế đều có chức năng sưởi/thông gió – điều mà không phải mẫu xe sang nào trong phân khúc cũng có. Ghế ngồi bọc da thật rất êm ái và mềm mịn, duy chỉ thiếu chức năng mát-xa.

Vô lăng trên chiếc xe đắt nhất của Kia dù không đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng có kích thước rất hợp lý và khả năng cầm nắm rất chắc tay và thoải mái. Bảng táp lô được thiết kế hợp lý, gọn gàng và dễ làm quen, dù những nút bấm và núm xoay trông chẳng mấy khác biệt so với các mẫu xe có giá bán thấp hơn của Kia. Cần số được tạo hình mượt mà, bóng bẩy hơn thay vì kiểu dáng khá thô mà Kia hay áp dụng.

Màn hình hiển thị trung tâm có độ nét khá tốt, giao diện trực quan, dễ nắm bắt thông tin và bảng đồng hồ trung tâm cũng rất trực quan và sắc nét. Một điểm cộng khác của Kia Quoris là hệ thống hiển thị trên kính lái HUD với khả năng hiện thị nhiều thông tin như tốc độ hiện tại, giới hạn tốc độ tại cung đường bạn đang đi, bản đồ v.v.. Hệ thống camera 360 cũng rất hữu ích, nhất là khi bạn phải di chuyển ở nơi chật hẹp. Một chi tiết thẩm mỹ khác trên Kia Quoris là chiếc đồng hồ cơ nằm ngay dưới màn hình trung tâm. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiếc đồng hồ vô danh được chế tác bằng nhựa.

Khoang nội thất của Kia Quoris vẫn chưa thực sự thuyết phục nhưng thực sự, chiếc xe sở hữu sự êm ái như một chiếc sedan hạng sang đích thực. Chọn chế độ Normal, tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng với độ êm mà hệ thống treo khí nén của chiếc xe Hàn Quốc này. Xe lướt qua mọi ổ gà một cách đầy tự tin, hệ thống treo khí nén dập tắt mọi dao động ngay lập tức và độ vững chãi của toàn thân xe không hề bị ảnh hưởng. Tiếng ồn lốp, gió và tiếng ồn từ khoang động cơ được kiểm soát rất tốt. Về độ êm ái và cách âm, không quá lời khi Kia Quoris đã tiệm cận Lexus LS, một trong những dòng sedan êm ái nhất. Có lẽ bạn phải trực tiếp thử nghiệm thì mới tin điều đó.

Tuy nhiên, vì cả chiếc xe, từ động cơ, hộp số, khung gầm đến hệ thống treo của Quoris đều được tinh chỉnh để phục vụ sự êm ái nên hiệu năng thể thao của chiếc xe không được như kỳ vọng của tôi. Chuyển sang chế độ Sport, động cơ gào to hơn một chút nhưng đó không phải là thứ âm thanh đủ chất, đủ kích thích để người lái đạp lút ga. Hộp số sang số ở tua máy cao hơn chế độ Normal nhưng thi thoảng vẫn hơi giật cục và không dứt khoát, hơit iếc là xe không có lẫy chuyển số trên vô lăng. Vô lăng xe nặng hơn ở chế độ Sport nhưng cảm giác mặt đường là gần như không tồn tại. Nhìn chung, Kia Quoris là mẫu xe dành cho những ông chủ ngồi ở phía sau, không dành cho những người thích tự mình cầm lái.

Không gian khoang nội thất phía sau là điểm cộng lớn nhất của Kia Quoris. Để có thể sở hữu không gian rộng như thế này, người mua xe cần lựa chọn những chiếc sedan hàng đầu đến từ Đức, Anh hay Nhật Bản với giá bán cao hơn nhiều so với Quoris. Ngồi ở ghế sau, bật tính năng thông gió làm mát ghế ngồi, kéo rèm che nắng, tôi hoàn toàn quên đi thế giới ồn ào, cũng như cái nóng gần 40 độ bên ngoài. Hệ thống âm thanh Lexicon 17 loa của Quoris cho chất lượng âm thanh khá trung thực, dù chưa chân thực và sống động như những dàn âm thanh hi-end trên các mẫu xe sang tiêu biểu trong phân khúc. Hai màn hình giải trí cho hàng ghế sau có độ nét trung bình và không có khả năng cảm ứng. Nó cũng đại diện cho cảm nhận của tôi đối với mẫu xe này: khá tốt, nhưng không xuất sắc.

Kia Quoris là một mẫu xe có tiềm năng và nó thể hiện quyết tâm đặt chân vào phân khúc xe sang của Kia. Ở thời điểm hiện tại, Quoris chưa phải là một cái tên nổi bật trong một sân chơi bị thống trị bởi những mẫu xe danh tiếng đến từ châu Âu và Nhật Bản nhưng không ai dám chắc tương lai sẽ như thế nào. Nên nhớ, Samsung cũng bị cười chê khi chiếc Galaxy S đầu tiên ra đời.

 Một số hình ảnh khác về Kia Quoris 2017

Một số điểm nhấn về ngoại thất

Camera toàn cảnh

 

 

Tin tức liên quan
Jaguar XF 2017: Ấn tượng và cuốn hút

Jaguar XF 2017: Ấn tượng và cuốn hút

Bentley Bentayga 2017 - SUV nhanh nhất, sang trọng bậc nhất

Bentley Bentayga 2017 - SUV nhanh nhất, sang trọng bậc nhất

5 ấn tượng đầu tiên về Cadillac XT5 Platinum 2017

5 ấn tượng đầu tiên về Cadillac XT5 Platinum 2017

Hyundai Tucson 2017 trình làng với giá từ 22.700 USD

Hyundai Tucson 2017 trình làng với giá từ 22.700 USD

[ĐÁNH GIÁ XE] Genesis G90 2017 - sedan hạng sang giá mềm

[ĐÁNH GIÁ XE] Genesis G90 2017 - sedan hạng sang giá mềm

MercedesTrophy Việt Nam 2017 – hành trình 15 năm đáng tự hào

MercedesTrophy Việt Nam 2017 – hành trình 15 năm đáng tự hào