McLaren 720s - Thiên nga đen

McLaren là hãng xe không hề tuân theo bất kỳ quy luật hay định ước nào. Hãng xe Anh này luôn có cách làm xe riêng của họ, rất “bất quy tắc”, rất “không chuẩn mực”. Đó cũng là điều tạo nên sức hấp dẫn cho McLaren 720s.

Thiên nga đen

Đã có lúc ai cũng nghĩ thiên nga chỉ có màu lông trắng, cho đến năm 1697. Đó là khi một nhà khoa học người Hà Lan vô tình tìm thấy một đàn thiên nga đen tại Tây Australia. Khám phá này cho thấy không phải lúc nào số đông cũng đúng. Kể từ đó, hình ảnh thiên nga đen đại diện cho lối nghĩ khác biệt, không vấp phải lối mòn. Đó cũng là lý do vì sao chim thiên nga đen trở thành biểu tượng của McLaren, hãng xe luôn tìm kiếm những lối đi khác thường so với phần còn lại trong thế giới xe.

McLaren là một hãng xe vô cùng đặc biệt và đối với cá nhân tôi, đây là thương hiệu xe mà tôi mê nhất. Tôi thích cái cách họ đi ngược dòng, thích triết lý cùng cực của họ khi tạo ra bất cứ mẫu xe nào, kiểu như “nếu không hướng đến vị trí số một thì tốt nhất là đừng làm gì cả”.

Trong buổi họp báo giới thiệu McLaren 720s, ông Wayne Bruce, Giám đốc toàn cầu của McLaren về Quan hệ công chúng, người được bạn bè gọi là Man-Bat, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra siêu xe tốt nhất thế giới”. Tôi không đủ may mắn để có mặt trong buổi họp báo đó nên tôi cũng không rõ ông Wayne có nói câu này với chất giọng ồm ồm của Người Dơi hay không, nhưng đây rõ ràng là một tuyên bố vô cùng tự tin và có phần kiêu ngạo. Tôi cũng thấy phát ngôn đó kiêu ngạo – cho đến khi trực tiếp ôm vô lăng 720s.

Trước khi được biết đến với danh nghĩa là hãng sản xuất xe, McLaren là một đội đua tham gia nhiều giải đấu khác nhau, từ Formula 1, Can-Am cho đến các giải đua bền như Le Mans. Chiếc xe mang logo McLaren đầu tiên trên đường phố là McLaren F1, siêu xe vốn đã đi vào ngôi đền của những huyền thoại. Người hâm mộ không ngần ngại gọi siêu xe này là “chiếc xe tuyệt vời nhất thế giới” và trên thực tế, McLaren F1 vẫn nắm giữ kỷ lục “xe có động cơ nạp khí tự nhiên nhanh nhất thế giới”. Có lẽ không chiếc xe nào có thể phá được kỷ lục 386 km/h của McLaren F1, nhưng để một hãng xe có thể tồn tại, họ cần sản xuất nhiều hơn 106 chiếc xe.

Đó là lý do để sau 19 năm, siêu xe đường phố tiếp theo của McLaren ra đời – chiếc MP4-12C. Bản thân cái tên MP4-12C cũng ẩn chứa nhiều thông tin thú vị, trong đó: MP4 là tên mã McLaren dùng cho các mẫu xe đua F1 của họ, còn 12 là 12 chỉ số mà họ muốn chiếc MP4-12C vượt qua đối thủ chính là Ferrari 458 Italia, còn “C” tức là sợi các-bon, thứ vật liệu ưa thích của kỹ sư McLaren.

Kể từ khi chiếc MP4-12C ra đời và làm rúng động thế giới xe, hãng xe McLaren đã tiến những bước dài, đạt được đà phát triển không ai dám nghĩ 1 hãng xe nhỏ đến từ Anh có thể làm được chỉ trong 1 thập kỷ. Năm 2012, McLaren vén màn P1, chiếc hypercar cùng Porsche 918 Spyder và Ferrari LaFerrari tạo nên bộ ba siêu xe đại diện cho thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Năm 2014, hãng tung ra 650s thay thế MP4-12C, siêu xe có hiệu năng khiến Lamborghini Aventador hay Ferrari F12 phải muối mặt.

Năm 2015, hãng xe Anh trình làng 570s, mẫu xe “giá rẻ” thống trị phân khúc siêu xe có tầm giá 200.000 USD và rồi trong năm 2017, McLaren giới thiệu bom tấn 720s, chiếc xe “tái định nghĩa siêu xe”, đặt ra chuẩn mực mới cho phân khúc siêu xe dưới 500.000 USD. Bên cạnh đó là những siêu phẩm như 675LT, Senna, 600LT, Speedtail, BP23 v.v.. Thật khó tin là chỉ sau 10 năm, một hãng xe lại có thể tạo ra nhiều cú hit như vậy! Tất nhiên, cú hit lớn nhất đối với tôi là 720s, siêu xe “tái định nghĩa siêu xe”.

Da bọc ghế tốt nhất thế giới

Đừng ngạc nhiên khi tôi lại để phần miêu tả về da ghế lên trên các mục khác bởi vì đây cũng là một trong những yếu tố khiến 720s khác biệt so với phần còn lại trong giới siêu xe. Lần đầu tiên tôi ngồi vào 1 chiếc 720s, một mùi hương quen thuộc chợt thoảng qua cánh mũi. Tôi bất giác giật mình bởi đó là mùi hương đặc trưng của da bọc nội thất xe Bentley, da dùng trên McLaren 720s giống da Bentley từ mùi thơm cho đến vân da. Trực giác của tôi không hề sai bởi vì sau một thời gian tìm hiểu, tôi biết được rằng 2 thương hiệu danh giá này, thậm chí thêm cả Rolls-Royce, đều sử dụng da bọc nội thất từ một thương hiệu uy tín trong làng thời trang: Bridge of Weir.

Bridge of Weir là một công ty sản xuất da có tuổi đời đã hơn 1 thế kỷ, với nguồn gốc bắt đầu từ tận thế kỷ 18. Bridge of Weir là một ngôi làng nhỏ tại miền trung Scotland, có dân số chỉ hơn 4000 người. Kể từ khi ngôi làng này được thành lập từ năm 1770, những người dân nơi đây đã tạo dựng tên tuổi cho quê hương bằng nghề thuộc da, tạo ra những tấm da hảo hạng nhất chuyên bọc xe ngựa kéo cho giới hoàng gia và quý tộc thời đó. Năm 1905, ông Arthur Muirhead đã sáng lập công ty Bridge of Weir Leather Company, kế thừa di sản nghề làm da mà tổ tiên để lại. Kể từ đó, những tấm da Bdrige of Weir đã đồng hành cùng những chiếc xe danh giá nhất trong lịch sử công nghiệp xe hơi.

Đó là Ford Model T, Citroen DS, Aston Martin V8 và tất nhiên, huyền thoại McLaren F1 cũng sử dụng những tấm da được sản xuất tại một nhà máy nhỏ cách Glasgow nửa tiếng chạy xe. Hiện tại, Bridge of Weir là nhà sản xuất da được Rolls-Royce, Bentley, Aston Martin, Volvo và McLaren sử dụng trên các mẫu xe của những thương hiệu trên.

Đâm toạc bầu trời trong 1 chiếc Concorde, xuyên Đại tây dương trên siêu du chuyền Queen Elizabeth đệ nhị hay thả mình thư giãn trong khoang hạng nhất của tàu hỏa Orient Express dời ga Paris Gare de l’Est. Với giới thượng lưu, đó là những cách di chuyển xa xỉ nhất vào một thời mà các nhà cung cấp dịch vụ sẽ làm mọi thứ để khiến khách hàng cảm thấy đặc biệt và thoải mái tột bậc. Bên cạnh những loại hình di chuyển xa xỉ này và những chiếc xe đắt bằng cả một căn biệt thự cũng là thứ mà giới giàu sang bắt buộc phải sở hữu.

Vậy đâu là điểm chung giữa những phương tiện xa xỉ kể trên? Đó là những chiếc ghế bọc da thượng hạng của Bridge of Weir. Đây là xưởng da thủ công lâu đời nhất ngành xe và là một công ty gia đình đúng nghĩa. Hiện tại, con cháu đời thứ 6, 7 và 8 của dòng họ Muirhead đang trực tiếp điều hành công ty, tiếp nối truyền thống gia đình bắt đầu từ những năm 1758. Một truyền thống đặc biệt vẫn được Bridge of Weir bảo tồn và phát huy là nghệ thuật thuộc da bằng thảo mộc. Đa số da dùng trong ngành công nghiệp xe hơi hiện nay đều được thuộc bằng muối crôm để giảm giá thành, giảm thời gian sản xuất. Bridge of Weir vẫn duy trì cách thức thuộc da bằng vỏ cây sồi, cây trinh nữ và vỏ cây keo đen. Thế nên, đừng hỏi vì sao da thượng hạng lại đắt!

“Khách hàng đòi hỏi rất nhiều thứ về da bọc nội thất xe”, ông Debra Choong, Trưởng ban Thiết kế của Bridge of Weir chia sẻ. “Họ quan tâm đến chi tiết vân da và những thiết kế đặc biệt nhưng trên hết, họ đề cao sự thoải mái. Họ dành rất nhiều thời gian ngồi trong xe, chiếc xe đối với họ chẳng khác nào phòng khách ở nhà, nên sự thoải mái là rất quan trọng”.

Bridge of Weir có một phòng thí nghiệm ngay tại nhà máy đặt tại Scotland. Ở đó, họ thử nghiệm tất cả các mẫu da. Thậm chí, họ còn đặt các mẫu vật trong phòng điều nhiệt trong vòng 8 tuần, liên tục nâng và giảm đến nhiệt độ cực nóng, cực lạnh để quan sát độ bền tầm da. Bên cạnh đó còn là những bài thử nghiệm kéo dãn, mài mòn, thậm chí là thử độ chống bám bẩn với các vật thí nghiệm như son môi hay xốt cà chua. Các kỹ sư của Bridge of Weir còn thử kéo dây đai an toàn qua 1 phần vai ghế 1.000 lần để nghiên cứu sự mài mòn ở vị trí này. Không phải ngẫu nhiên mà Bridge of Weir được chọn làm nhà cung cấp da ghế cho Tòa nhà Quốc hội Anh quốc, nội thất máy bay siêu thanh Concorde, nội thất siêu tàu du lịch Queen Elizabeth đệ nhị và nhiều công trình danh tiếng khác.

Chiếc McLaren 720s mà tôi trải nghiệm cũng tự hào mang trong mình hàng tá miếng da Bridge of Weir. Đây là bản 720s Luxury, đặc điểm nhận dạng là nội thất bọc da hoàn toàn, trong khi bản Performance có nhiều chi tiết bằng sợi các-bon và sợi Alcantara. Về hiệu năng thì gần như 2 bản gần như không khác biệt vì chênh lệch 20, 30kg không quá đáng kể. Cái hay của việc chọn bản Luxury là bạn được tận hưởng loại da thuộc hàng thượng hạng trong làng xe trên một chiếc xe cũng thuộc hàng nhanh nhất thế giới!

Những công nghệ “ngoài hành tinh”

Khi lần đầu nhìn thấy McLaren 720s, tôi cũng tưởng nó vừa bay xuyên không gian và đáp xuống Trái Đất chứ không phải là thứ gì đó được tạo nên bởi bàn tay con người. Đây là 1 siêu xe có ngoại hình quá lạ lẫm và khác biệt, thậm chí là khác biệt so với chính những mẫu McLaren trước đó. Nhìn từ trên cao, 720s trông chẳng khác nào 1 giọt nước, thứ có tính khí động học tốt nhất trong thế giới tự nhiên.

Thân xe được tạo hình thuôn mượt với thiết kế đặc biệt lấy cảm hứng từ loài cá mập trắng, phần đầu xe thon gọn với điểm nhấn là 2 cụm đèn cỡ lớn gây khá nhiều tranh luận vì hình dáng đặc biệt của chúng. Bên trong hai hốc đèn là dàn lưới tản nhiệt phục vụ cho hệ thống điều hòa và hệ thống làm mát dầu máy. Mỗi cụm đèn LED mỗi bên bao gồm 17 bóng đèn LED nhỏ và có thể liếc theo góc đánh lái, đem lại luồng sáng có độ bao phủ rộng nhưng không làm chói mắt xe đi chiều ngược lại.

Phần thân xe được tạo hình bởi hàng trăm ngàn phép tính phức tạp nhằm tối ưu hóa tính khí động học cho McLaren 720s. Không giống như các siêu xe có động cơ đặt giữa khác, McLaren 720s không có 2 hốc hút gió cỡ lớn ở bên sườn. Đó là bởi vì cửa xe có thiết kế rất tinh tế mà McLaren gọi là cửa Double Skin, lớp bên ngoài có 1 cánh đặc biệt có tác dụng giảm bớt luồng khí nhiễu động gây ra bởi bánh xe trước, giúp luồng gió di chuyển qua thân xe mượt mà hơn. Lớp bên trong là hốc hút gió dành cho khối động cơ V8, bên dưới là lưới tản nhiệt đôi. Tổng cộng, McLaren 720s có hiệu quả làm mát động cơ tốt hơn 15% so với 650S.

Cánh gió sau đuôi xe có thiết kế hòa nhập vào thân xe và được điều khiển điện với nhiều chế độ khác nhau. Khi đạp phanh ở tốc độ cao, chỉ trong nửa giây đồng hồ, cánh gió sẽ bật lên với một góc 56 độ giúp xe phanh an toàn và hiệu quả hơn. Khi ấn nút Aero, cánh gió nhấc lên một góc 39 độ giúp xe vào cua ổn định hơn và cuối cùng là chế độ giảm lực cản không khí (DRS): khi đó cánh gió bật lên với 1 góc rất nhỏ, chỉ 18 độ. Chế độ DRS giúp xe tăng tốc nhanh nhất có thể vì lúc nào, chiếc xe trở nên “thuôn mượt” nhất, có thể cắt qua không khí một cách mượt mà, ít hao công nhất. Tổng hợp lại, McLaren 720s sở hữu lực ép xuống mặt đường tốt hơn 30% so với 650S, và hiệu suất khí động học gấp đôi so với 650S. Hiệu suất khí động học tức là tỷ lệ chuyển đổi lực cản không khí (drag) thành lực ép xuống mặt đường (downforce).

Những nỗ lực giảm cân khiến McLaren 720s gầy trơ cả ... vi sai!

McLaren 720s có trọng lượng khô chỉ 1.283 kg, nhẹ nhất trong phân khúc. Nó nhẹ hơn nhiều so với Lamborghini Huracan, Ferrari 488 GTB hay Porsche 911 Turbo. Để các bạn dễ hình dung sự khủng khiếp của siêu xe McLaren 720s thì tôi có phép so sánh sau đây: nó nhẹ hơn Hyundai i10 167 kg nhưng lại mạnh hơn gấp 9 lần! McLaren 720s cũng nhẹ hơn đàn anh 650s 18 kg.

Sở dĩ McLaren 720s lại nhẹ như vậy là do có khung gầm hoàn toàn bằng sợi các-bon. Đây là khung gầm MonoCage 2. Ưu điểm đầu tiên mà bạn có thể nhìn thấy được đó là bậu cửa mỏng hơn, thấp hơn so với 660s. Hai cái cửa cũng là một phần của nóc xe, thiết kế này khiến bạn dễ bước ra, vào xe hơn. Cả phần khung chính bằng sợi các-bon chỉ nặng đúng 102 kg, nhẹ hơn gấp đôi so với khung gầm bằng nhôm có kích thước tương tự. Cửa cánh bướm mở 1 góc 80 độ, cao 1m9 nên cũng ko quá phải lăn tăn về việc đỗ xe trong hầm.

Hãy cùng so sánh McLaren 720s với các siêu xe cạnh tranh về cấu tạo khung gầm. Hiện tại, chỉ có duy nhất Lamborghini Aventador có khung gầm nguyên khối các-bon giống như 720s nhưng siêu xe nước Ý nặng hơn 300 kg so với 720s. Lamborghini Huracan có khung gầm hybrid với nhôm và sợi các-bon, nói một cách chính xác hơn thì chỉ có phần vách động cơ và phần trục giữa sàn xe được chế tạo từ sợi các-bon. Mọi siêu xe cùng phân khúc của Ferrari đều có khung gầm nhôm.

Khung gầm của 720s có độ cứng xoắn và độ bền cực tốt. Các kỹ sư McLaren từng tiết lộ rằng khung gầm MonoCage thế hệ đầu tiên chiếc 650s có đủ độ độ cứng xoắn để tham dự thể thức đua GT3 mà không cần phải bổ sung khung chống lật. Tất nhiên là họ vẫn phải thêm chi tiết này vào chiếc xe của mình thì mới đủ điều kiện tham gia đua vì khung chống lật là một bộ phận bắt buộc phải có. Bạn muốn biết bộ khung chính của 720s cứng như thế nào ư? Mỗi cột A của 720s có thể chịu được lực tác động gấp 3,3 lần trọng lượng xe trước khi bị biến dạng, tức là 4,2 tấn!

So với chính người tiền nhiệm 650s, sự thực dụng của 720s cũng trội hơn. McLaren 720s có khung MonoCage 2 vừa nhẹ hơn, vừa có các trụ A, B C mỏng hơn, bậu cửa nhỏ hơn so với 650s. Điều đó khiến việc ra, vào xe dễ dàng hơn và tầm nhìn cho người lái cũng thoáng hơn. Nếu bạn đã từng ngồi vào chiếc Lamborghini Huracan thì bạn sẽ thấy tầm nhìn của một chiếc siêu xe động cơ đặt giữa bị hạn chế tới mức nào. Tuy nhiên, thiết kế khung cửa kính của 720s hình giọt nước mang lại tầm nhìn vô cùng thoáng đãng, có thể nói là thoáng nhất trong phân khúc.

Ngay cả cột C cũng được làm rỗng ở giữa để mang lại tầm nhìn phía sau thoáng hơn. Đây là một điểm cộng lớn cho những ai muốn sử dụng siêu xe một cách thường xuyên. Khung xe MonoCage 2 không chỉ đẹp mà còn vô cùng an toàn nữa. Hai phần khung phụ bằng nhôm tạo nên phần đầu xe và đuôi xe. Hai khung phụ này mềm hơn nhiều so với khung các-bon ở giữa. Tất nhiên là khi nói mềm thì ý tôi là nó chỉ kém cứng hơn sợi các-bon thôi chứ McLaren sử dụng hợp kim nhôm có độ cứng cũng rất tối ưu. Nhiệm vụ của khung phụ là hấp thụ lực tác động khi có tai nạn xảy ra, người ngồi trong cabin sẽ chẳng hề hấn gì.

McLaren 720s có trọng lượng khô chỉ 1.283 kg, nhẹ nhất trong phân khúc. Nó nhẹ hơn nhiều so với Lamborghini Huracan, Ferrari 488 GTB hay Porsche 911 Turbo. Để các bạn dễ hình dung sự khủng khiếp của siêu xe McLaren 720s thì tôi có phép so sánh sau đây: nó nhẹ hơn Hyundai i10 167 kg nhưng lại mạnh hơn gấp 9 lần! McLaren 720s cũng nhẹ hơn đàn anh 650s 18 kg.

Không chỉ khung gầm mà cả phần cứng và phần mềm thuộc hệ thống treo của McLaren 720s cũng rất đặc biệt. McLaren gọi hệ thống treo này là Proactive Chassis Control II. Hệ thống này là 1 bước tiến lớn so với Proactive Chassis Control thế hệ đầu tiên. Đây là thành quả sau 5 năm hợp tác giữa các kỹ sư McLaren và trường đại học Cambridge. Về cơ bản thì McLaren 720s vẫn duy trì hệ thống treo tay đòn kép ở cả 4 bánh xe, 4 thanh giảm chấn được kết nối chéo với nhau từ trái qua phải, từ trước xuống sau bằng những đường ống dầu đặc biệt. So với PCC đời đầu, PCC đời 2 sử dụng thêm 12 cảm biến, bao gồm 4 cảm biến gia tốc đặt trong 4 bánh xe và 8 cảm biến áp suất đặt trong các thanh giảm chấn. Máy tính trung tâm sẽ phân tích mọi dữ liệu từ hệ thống cảm biến trên mà điều chỉnh độ giảm chấn của từng bánh xe 500 lần mỗi giây để giúp chiếc 720s vào cua với sự ổn định và cân bằng gần như hoàn hảo, cũng như êm ái tuyệt vời khi đi trong phố.

Hiện nay, có khá nhiều giải pháp về hệ thống treo để tạo ra những trải nghiệm lái êm ái và thể thao nhất có thể. Ta có hệ thống treo khí nén 3 buồng khí, thanh cân bằng điều khiển điện, hệ thống treo có thể quét mặt đường phía trước để thay đổi độ cứng của thanh giảm chấn v.v.. Tuy nhiên, đối với tôi thì hệ thống treo thủy lực của McLaren 720s là ưu việt hơn cả vì nguyên lý hoạt động của nó đơn giản hơn nhiều, thuần cơ khí hơn nhiều so với các giải pháp của Porsche hay Mercedes-Benz. Nó ít phụ thuộc vào các hệ thống điện tử hơn các hệ thống treo hiện đại của những nhà sản xuất xe Đức hàng đầu nên có lẽ cũng sẽ bền bỉ, ít hỏng hóc hơn. Bạn đã nghe đến câu chuyện rùng rợn của những bóng khí xẹp lép khiến chiếc xe “được” hạ gầm miễn cưỡng như độ Liberty Walk chưa?

Proactive Chassis Control II của McLaren hoạt động theo những nguyên lý vô cùng đơn giản, chí ít là về mặt lý thuyết. Đó là nguyên lý về áp suất. Mỗi thanh giảm chấn ở 4 bánh xe đều có 2 khoang dầu, chúng được kết nối chéo từ trái qua phải, từ trước xuống sau bằng những đường ống dẫn dầu chạy dưới sàn xe. Các bộ phận quan trọng khác của hệ thống treo thủy lực này là 4 bình tràn được bố trí cạnh thanh giảm chấn, tác dụng của các bình này là để dầu trong ống tạm “lưu trú” khi áp suất dầu quá cao. Trông chúng chẳng khác nào những bóng bóng khí của loài cá!

Bên cạnh đó, thứ quan trọng nhất trong việc quyết định hệ thống treo của 720s cứng hay mềm là 8 van tiết lưu gắn tại các thanh giảm chấn. Nhiệm vụ của chúng là điều phối tốc độ luân chuyển dầu giữa các thanh giảm chấn. Nói một cách đơn giản thì nếu tốc độ luân chuyển nhanh, dầu từ giảm chấn trái có thể tự do di chuyển sang giảm chấn phải thì lúc này hệ thống treo của McLaren 720s sẽ “mềm”, êm ái và thoải mái nhất cho hành khách. Ngược lại, nếu tốc độ luân chuyển chậm thì hệ thống treo sẽ “cứng” nhất, mang lại khả năng kiểm soát thân xe và chống nghiêng khi vào cua, cũng như chống chúi đầu khi phanh hoặc nhấc đầu xe khi tăng tốc thốc tốt nhất.

Điều đáng nể ở đây là McLaren có thể tạo ra những cá tính khác biệt hoàn toàn như vậy ở 3 chế độ lái Comfort, Sport và Track chỉ bằng 8 cái van tiết lưu! Bên trong mỗi van tiết lưu là các chốt chặn hình thoi có thể dịch chuyển tịnh tiến. Khi người lái chọn 3 chế độ Comfort, Sport và Track, các chốt chặn được đẩy lên hoặc dịch xuống để điều phối tốc độ luân chuẩn dầu. Thực sự, đây là 1 hệ thống vô cùng đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Cá nhân tôi cảm thấy thích thú nhất với hệ thống treo của McLaren 720s hơn bất cứ hệ thống nào khác.

Trải nghiệm vượt mọi quy chuẩn

Về lý thuyết, hệ thống treo Proactive Chassis Control II của McLaren 720s là quá đơn giản để đem lại hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy nó hiệu quả vô cùng. Khung gầm các-bon siêu cứng là nền tảng hoàn hảo để hệ thống treo “nhảy múa”, hóa giải mọi ổ gà, sống trâu ở khu vực đường gần sân Mỹ Đình, vốn đang có mặt đường rất xấu vì thi công đường đua F1 năm sau. Cá nhân tôi chưa từng lái 1 chiếc siêu xe gầm siêu thấp nào mà lại êm ái như McLaren!

Thực sự, hãng xe Anh không quá lời khi tuyên bố rằng bạn có thể sử dụng 720s hằng ngày. Dù bạn vẫn ngồi cực thấp so với mặt đường nhưng nhờ khung xe bằng sợi các-bon nên các cột A, B đều rất mỏng, mang đến tầm nhìn vô cùng thoáng đãng, vượt trội so với Lambo hay Ferrari. Tầm nhìn cực rộng như màn ảnh IMAX của McLaren là điểm khác biệt hoàn toàn so với các siêu xe cùng tầm. Nhưng tiếc là gương chiếu hậu trong xe vẫn là loại viền dày nhìn khá lạc tông, sẽ tốt hơn nếu hãng xe Anh trang bị gương không viền cho siêu xe này.

Một điểm khác biệt nữa mà tôi nhận thấy là bàn đạp chân phanh 720s cực kỳ cứng, bạn phải dùng một lực khá mạnh thì mới đạp đủ phanh để dừng chiếc xe lại. Độ cứng này thực chất lại là một điểm cộng nếu như bạn bỏ thời gian ra làm quen với nó. Các pít-tông ở 4 bánh xe phản ứng tức thì và lũy tiến với từng chuyển động nhỏ nhất của chân phanh và đem lại cảm giác tự tin cho người lái. Cũng theo McLaren thì độ cứng của chân phanh nhằm mô phỏng chân phanh của xe đua. Đây cũng là một điểm thú vị về triết lý làm xe của hãng xe Anh Quốc.

McLaren 720s có 3 chế độ lái: Comfort, Sport, Track cùng tính năng Variable Drift Control rất thú vị. Nó cho phép người lái tùy chọn độ can thiệp của hệ thống cân bằng điện tử và chọn góc mà đuôi xe có thể văng ra, tối đa là 35 độ. McLaren 720s và Ferrari 488 GTB là hai siêu xe duy nhất trong phân khúc còn giữ lại trợ lực dầu (ngay cả Ferrari F8 Tributo và 812 Superfast cũng đã chuyển sang trợ lực điện). Vô lăng trợ lực dầu là thứ vô cùng quan trọng, giúp bạn tận hưởng cảm giác lái chân thực ngay cả ở tốc độ thấp.

Đến cả bộ lốp Pirelli P Zero Corsa cũng được phát triển riêng cho McLaren 720s. Dù đây là lốp chuyên dùng cho xe hiệu năng cao nhưng chúng vẫn được bổ sung một lớp xốp rất dày ở mặt lốp trong. Lớp xốp này có tác dụng làm giảm độ ồn lốp vọng vào khoang lái. Công nghệ lốp này của Pirelli tương đương với công nghệ ContiSilent mà Continental mới áp dụng cho Bentley Mulsanne đời mới và Tesla Model S. Theo thông số của Continental thì loại lốp này có thể giảm 9 dB độ ồn so với lốp thông thường, Pirelli thì không công bố con số cụ thể. Cần lưu ý là chỉ có riêng lốp Pirelli P Zero Corsa trên 720s là có xốp chống ồn, trên siêu xe khác không có. Bộ lốp này mang lại lực bám đường cơ học tốt hơn 6% so với lốp 650S.

McLaren 720s sở hữu khối động cơ V8 tăng áp kép dung tích 4.0L gần như là hoàn toàn mới. Khối động cơ V8 4.0L của McLaren 720s sản sinh công suất tối đa 720 mã lực và lực mômen xoắn 770 Nm. Nhờ có thiết kế siêu nhẹ nên 720s đạt tỷ lệ công suất/trọng lượng lên đến 561 mã lực/ 1 tấn, tốt nhất phân khúc. Tỷ lệ này của Ferrari 407 mã lực/1 tấn, của Lamborghini Aventador là 492 mã lực/tấn. Còn của Kia Morning là 80 mã lực/ 1 tấn. Vâng, phải so sánh với những mẫu xe phổ thông thì ta mới thấy siêu xe ăn nhau ở điểm gì!

Theo tài liệu hãng thì McLaren 720s cần 2.9s để tăng tốc lên 200 km/h và chỉ 7.8s. Để tiện so sánh thì Aventador SV tăng tốc từ 0-200 km/h trong 8,6 giây, Ferrari 488 GTB từ 0-200 km/h trong 8,3 giây. Ford Mustang EcoBoost lên 200 km/h trong 30 giây, Kia Morning lên 200 km/h trong … , à quên mất, tốc độ tối đa của Kia Morning chỉ khoảng 160 km/h. McLaren 720s phanh từ 200 km/h đến khi dừng hẳn chỉ trong 4,6 giây với quãng đường 117 m. Bộ phanh gốm – các-bon là trang bị tiêu chuẩn trên McLaren 720s.

So với động cơ 3.8 lít của 650s thì động cơ của 720s thấp hơn 120 mm, giúp hạ trọng tâm xe, qua đó nâng cao hiệu năng tổng thể vì động cơ là bộ phận nặng nhất trên 1 chiếc xe, xe nào có động cơ đặt càng thấp thì trọng tâm xe cũng thấp theo, giúp xe vào cua ổn định hơn. Phần nóc xe của 720s có kết cấu phần lớn là sợi các-bon cũng giúp trọng tâm của 720s thấp hơn 3% so với 650s. McLaren 720 có 2 cụm tăng áp twin-scroll đặt giữa 2 thành xy-lanh giúp giảm hiện tượng trễ. Các cánh quạt của tăng áp trên McLaren 720s có thể quay với tốc độ 160.000 vòng/phút và có các van xả áp suất thừa được điều khiển điện thay vì chỉ hoạt động nhờ sự chênh lệch áp suất.

Tuy nhiên, những thông số trên giấy tờ không thể mô tả cách mà chiếc siêu xe này tăng tốc. Mỗi lần đạp ga, tôi có cảm giác như mình vừa kích hoạt một lỗ hổng thời gian và cả tôi và chiếc xe đang bị hút về phía trước bởi một mãnh lực vô hình không thể cưỡng lại. Trọng lượng nhẹ kết hợp với 720 mã lực đã tạo nên khả năng tăng tốc có lẽ chỉ kém những chiếc hypercar triệu đô một chút mà thôi! Chiếc xe tăng tốc quá nhanh, quá khốc liệt nên tôi vô tình khám phá ra 1 nhược điểm nhỏ nữa của nó. Đó là logo McLaren dập nổi ở tựa đầu quá cứng khiến gáy tôi nhói đau mỗi khi xe tăng tốc!

Khỏi nói chắc các bạn cũng có thể hiểu rằng khả năng tăng tốc của 720s là vượt trội so với Ferrari 488 GTB hay Lamborghini Aventador. Dù động cơ của 488 GTB phản ứng nhanh lẹ hơn 1 chút, đỡ trễ tăng áp hơn 1 chút so với 720s, còn Aventador cho tiếng gầm mãnh liệt nhất nhưng khi xét về trải nghiệm tổng thể, McLaren 720s vẫn trội hơn. Nó êm ái hơn khi cần, cho không gian thoáng đãng hơn và nhất là hiệu năng của siêu xe Anh vẫn lấn át các đối thủ Ý.

Kết luận

Thật khó tin khi 720s mới chỉ là mẫu xe tiêu chuẩn của dòng Super Series nhà McLaren. Khi mà bản “base” đã có hiệu năng khủng khiếp như này, tôi không thể tưởng tượng mẫu 750LT sắp ra mắt sẽ còn “bá đạo” như thế nào! Dù vẫn còn một vài nhược điểm nhỏ nhưng chắc chắn McLaren 720s đã thiết lập chuẩn mực mới cho phân khúc của nó. Tôi đã nhắc đến hình ảnh chim thiên nga đen ở đầu bài với hàm ý rằng McLaren luôn làm điều gì đó khác biệt so với số đông. Giờ đây, những chiếc 720s, 600LT hay Senna đã trở thành chuẩn mực của phân khúc siêu xe và số đông phải theo đuổi những chiếc xe mang quốc tịch Anh.

 

Tin tức liên quan
McLaren 720S - Lựa chọn mới cho nhà giàu Trung Quốc

McLaren 720S - Lựa chọn mới cho nhà giàu Trung Quốc

McLaren 720S "dịu dàng" hơn với bộ cánh màu tím mộng mơ

McLaren 720S "dịu dàng" hơn với bộ cánh màu tím mộng mơ

Đánh giá xe McLaren 720S 2018 - kiệt tác nghệ thuật về thiết kế lẫn truyền động

Đánh giá xe McLaren 720S 2018 - kiệt tác nghệ thuật về thiết kế lẫn truyền động

Kia Stinger đặt chung "mâm" Ferrari Portofino và McLaren 720S ở giải thưởng thiết kế đẹp nhất

Kia Stinger đặt chung "mâm" Ferrari Portofino và McLaren 720S ở giải thưởng thiết kế đẹp nhất

Giữa "tâm bão" Covid-19, siêu phẩm McLaren 720S thứ hai tại Việt Nam bất ngờ ra biển số

Giữa "tâm bão" Covid-19, siêu phẩm McLaren 720S thứ hai tại Việt Nam bất ngờ ra biển số

McLaren 720S từ hàng hiếm được săn đón trở thành siêu xe ‘quốc dân’ tại Việt Nam, dần thế chỗ Ferrari 488

McLaren 720S từ hàng hiếm được săn đón trở thành siêu xe ‘quốc dân’ tại Việt Nam, dần thế chỗ Ferrari 488