Dòng GLS-Class sở hữu dải động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành đáng nể và thiết kế nội, ngoại thất tuyệt đẹp nhưng liệu chúng có xứng với danh xưng “S-Class gầm cao”?
Trải nghiệm chiếc xe sang máy dầu
Xe du lịch sử dụng động cơ dầu diesel rất được ưa chuộng tại thị trường châu Âu vì khả năng tiết kiệm nhiên liệu và sự bền bỉ. Động cơ dầu cũng là lựa chọn tối ưu cho xe thương mại, kể cả xe khách, xe tải và cả xe bán tải. Không thể phủ nhận những lợi ích cả về kinh tế lẫn công năng của động cơ dầu, nhưng tại Việt Nam, động cơ dầu không phải là lựa chọn đầu tiên khi giới doanh nhân lựa chọn xe hơi phân khúc cao cấp.
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng phần lớn khách hàng có đủ điều kiện mua xe hơi hơn 3 tỷ đồng thường có xu hướng “tránh xa” máy dầu. Chăm sóc, bảo dưỡng xe “khổ” hơn máy xăng, mùi khí thải khó chịu hơn, động cơ rung, ồn hơn ở trạng thái nổ cầm chừng, xe khó nổ máy khi trời lạnh là những chủ đề bàn tán chưa bao giờ thiếu người quan tâm, dù không hẳn lúc nào những quan điểm này cũng chuẩn xác.
Động cơ dầu ngày nay đã khắc phục đa số nhược điểm trên, thậm chí còn tốt hơn máy xăng ở một số tiêu chí nhưng những ấn tượng không tốt về động cơ dầu vẫn còn lưu lại trong tâm trí nhiều khách hàng, nhất là khách hàng ít tìm hiểu về xe. Bên cạnh đó, cơn bão “điện hóa” cũng khiến đất diễn của động cơ dầu càng ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thế giới, còn đây mới là câu hỏi thích hợp với người Việt Nam hơn: liệu một chiếc GLS sở hữu động cơ dầu có phù hợp tại Việt Nam?
[ĐÁNH GIÁ XE] Mercedes-Benz GLS350d 4MATIC - Chiếc S-Class gầm cao? (Phần đầu) |
Năm 1936, Mercedes là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới ứng dụng động cơ diesel vào nền công nghiệp ôtô dân dụng - chiếc 260D trở thành chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ diesel. Năm 2005, để thuyết phục khách hàng Mỹ – nhóm khách hàng vốn không ưa động cơ dầu trên xe du lịch, Mercedes đã thực hiện một phép thử chưa từng có tiền lệ trước đây. Họ đưa 3 chiếc E320 CDI nguyên bản đến 1 đường đua tại Laredo, Texas và chạy liên tục 24/24 giờ để hoàn thành quãng đường 100.000 dặm trong 30 ngày liên tục, đạt tốc độ trung bình 224,823 km/h.
Cả 3 chiếc xe đều không bị lỗi kỹ thuật nghiêm trọng nào khi phải chạy liên tục 100.000 dặm (hơn 160.000 km) như vậy, thậm chí bộ lọc khí thải tích hợp ở bầu xả vẫn còn hoạt động tốt như ngày xe mới xuất xưởng. Mercedes-Benz đã chứng minh được độ bền của các mẫu xe chạy dầu diesel mà họ sử dụng (chí ít là phần động cơ và hệ thống truyền động).
Tại Việt Nam, các chủ nhân xe máy diesel tại Việt Nam cũng nhận được một thông tin khá tích cực: kể từ ngày 1/1/2018, Petrolimex chính thức thay thế dầu diesel tiêu chuẩn Euro II (0,05S-II) bằng dầu sạch theo tiêu chuẩn Euro V (0.0001S-V). Loại dầu sạch này có hàm lượng lưu huỳnh chỉ là 10 mg/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức 500mg/kg của dầu diesel 0,05S-II. Dầu diesel chuẩn Euro V này sẽ giúp động cơ được thiết kế theo tiêu chuẩn khí thải cao có thể hoạt động hiệu quả, ổn định, bền bỉ và sạch hơn so với dầu Euro II. Tuy nhiên, trong suốt quá trình trải nghiệm của chúng tôi, chiếc Mercedes GLS 350d này vẫn sử dụng dầu chuẩn Euro II. Vậy tiếng ồn động cơ, độ rung, và hiệu năng của khối động cơ dầu đạt tiêu chuẩn Euro VI trên GLS 350d khi chạy với nhiên liệu chuẩn Euro II như thế nào?
Mercedes GLS Grand Edition sang trọng hơn với nội thất bọc da cao cấp |
Nói một cách ngắn gọn: trên cả tuyệt vời! Khối V6 3.0L của GLS350d có công suất 258 mã lực, lực mômen xoắn cực đại 620 Nm ở dải tua vòng 1.600 – 2.400 vòng/phút. Ngồi ở ghế lái, ấn nút đề, tôi gần như không nghe thấy chuỗi âm thanh quen thuộc của động cơ diesel. Củ đề “êm ru”, tiếng “lạch cạch” đặc trưng cũng gần như bị chặn đứng bởi lớp gioăng dày dặn bao kín khoang động cơ. Có lẽ mùa đông Hà Nội vẫn chưa đủ lạnh để làm khó trái tim chạy dầu diesel của GLS 350d. Khi bạn sử dụng xe trong phố với tốc độ dưới 50 km/h, máy dầu của GLS 350d rất êm ái, rung động và tiếng ồn gần như không lọt vào cabin. Giữ đều ga ở 50 km/h, khối V6 này chỉ hoạt động ở vòng tua dưới 1.000 vòng/phút nhờ sự trợ giúp đắc lực của hộp số tự động 9 cấp.
Ở dải tốc độ cao hơn, từ 60 đến 100 km/h, sự kết hợp giữa lực kéo lớn ở vòng tua thấp và sự chính xác của hộp số khi quyết định cấp số phù hợp khiến tôi ít khi phải chủ động về số mỗi khi vượt xe. Tuy nhiên, cũng đừng đòi hỏi sự tăng tốc mãnh liệt ở dải tốc độ cao hơn vì đó không phải là thế mạnh của động cơ dầu. Nó bốc ở tốc độ thấp đến trung – nhưng thường hụt hơi so với động cơ xăng tương đương ở tốc độ cao.
Mercedes-Benz Việt Nam hỗ trợ lệ phí trước bạ 30 triệu đồng nhân dịpTết Mậu Tuất 2018 |
Sự “êm, mượt” của khối động cơ này là thành quả của nỗ lực cải thiện nhược điểm động cơ dầu trong nhiều năm qua của Mercedes-Benz. Thành quả điển hình cho nỗ lực đó là công nghệ tráng thành xy-lanh NANOSLIDE. Nói một cách ngắn gọn, đây là kỹ thuật phủ thành xy-lanh bằng một hỗn hợp sắt – cácbon đặc biệt, được nung nóng bằng hồ quang và phun trực tiếp lên thành xy-lanh bởi khí ga áp lực cao. Công nghệ này vốn được phát triển cho các động cơ AMG và được áp dụng vào dòng động cơ diesel của Mercedes từ năm 2011. NANOSLIDE giúp giảm ma sát giữa xylanh và pít-tông lên tới 50% so với công nghệ phủ xy-lanh bằng gang truyền thống.
Ảnh: Mercedes-Benz
Êm và mượt cũng là 2 tính từ tôi miêu tả hộp số 9G-Tronic. So với các mẫu ML, thay đổi lớn nhất về mặt cơ khí của những chiếc GLS không phải bản AMG chính là hộp số 9 cấp này. So với hộp số 7G-Tronic, 9G-Tronic có hiệu suất truyền động lên tới 92%, tăng 7% so với 7G-Tronic. Một thay đổi quan trọng khác của 9G-Tronic là nó có tới 2 máy bơm dầu thủy lực: máy bơm chính vẫn hoạt động nhờ trục khuỷu còn máy bơm phụ hoạt động từ điện ắc quy. Máy bơm phụ được kích hoạt khi hộp số hoạt động cường độ cao và cần được bôi trơn, làm mát tối đa. Máy bơm phụ cũng giúp tính năng tạm dừng động cơ hoạt động mượt mà và nhanh hơn một chút, dù nhiều khả năng chủ xe GLS sẽ chẳng ngại ngần tắt nó đi mỗi lần lên xe.
Tầm quan sát ở vị trí ghế lái rất thoáng đãng dù đây là một chiếc xe 7 chỗ. Kính chắn gió và các tấm kính cửa xe rất lớn, trụ A có kích thước hợp lý khiến tầm nhìn phía trước rất thoáng đãng. Kính chiếu hậu 2 bên khá to bản cộng với thiết kế tựa đầu ghế sau luôn ở trạng thái thụt xuống cũng mang lại tầm nhìn phía sau rất thoải mái. Thiết kế tựa đầu như vậy là rất khoa học: nếu chủ xe chỉ sử dụng hàng ghế trước, hoặc ngồi sau là trẻ con, các tấm tựa đầu ở hàng ghế 2 và 3 gần như không cản trở tầm nhìn phía sau của người lái. Bên cạnh đó, camera toàn cảnh và camera sau góc rộng cũng khiến người lái tự tin hơn khi di chuyển trong phố.
Tựa đầu có thiết kế được tính toán kỹ càng. Ảnh: Mercedes-Benz
Mercedes-Benz GLS 350d có 5 chế độ lái tiêu chuẩn: Sport, Comfort, Slippery (đường trơn), Offroad và Individual (chế độ cá nhân hóa). Các chế độ lái thay đổi phản ứng của động cơ, hộp số, hệ thống treo khí nén và cảm giác vô lăng. Trong suốt quá trình trải nghiệm xe, phần lớn thời gian tôi để xe hoạt động ở chế độ Comfort vì khả năng cao là khách hàng mua xe GLS cũng sẽ sử dụng chế độ này là chính. Ở vị trí đứng yên, hộp số 9G-Tronic chỉ lựa chọn số 1 khi bạn chọn chế độ Sport còn ở các chế độ lái khác, hộp số chỉ xuất phát ở cấp số 2 để đảm bảo sự mượt mà cho tất cả hành khách trong xe khi tăng tốc.
Ngoài 4 chế độ trong hình thì GLS 350d còn có chế độ cá nhân hóa, cho phép người lái tùy chỉnh từng yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm xe. Đây có thể là chế độ “hoàn hảo” đối với một số chủ xe kỹ tính
Dù có chọn chế độ lái nào thì cảm giác chung đều là sự êm ái “xứng danh Mẹc”. Hệ thống treo khí nén dập tắt rung động mặt đường một cách nhanh chóng nhưng không tạo cảm giác “xe bay” như một số mẫu xe khác. Tuy nhiên, khi vào cua gấp với tốc độ cao thì GLS vẫn không thể chống lại vật lý. Tự trọng lên tới 2.380 kg, trọng tâm cao và kích thước cồng kềnh là những yếu tố khiến hành khách trên xe vẫn bị văng khá nhiều do quán tính khi vào cua.
Dù vậy, khi xe ra hết cua thì nó lấy lại cân bằng tương đối nhanh, thân xe ít bị lắc sang 2 bên như một vài mẫu SUV khung rời cỡ lớn khác. Tất nhiên, đó là khi chạy nhanh, đánh lái gấp để tìm kiếm giới hạn của xe còn trong điều kiện sử dụng bình thường, hầu hết các mẫu SUV hạng sang đều có thể khiến chủ nhân thỏa mãn.
Nút bấm gập điện cho hàng ghế thứ 2 khiến việc ra vào hàng ghế thứ 3 dễ dàng hơn nhiều. Đây là tính năng tùy chọn rất đáng tiền nếu bạn thường xuyên sử dụng hàng ghế cuối cùng.
Trải nghiệm chiếc GLS 350d ở hàng ghế thứ 2 và 3 cũng thoải mái và thư giãn như hàng ghế đầu. Thậm chí hàng ghế thứ 3 cũng được bọc toàn bộ bằng da top grain, semi-aniline và thêu chỉ quả trám giống hệt với 2 hàng ghế trước, lưng ghế cũng có độ ngả tương đối thoải mái, dù bị gắn cố định, không thể ngả thêm. Tuy nhiên, nếu như GLS 350d có cổng USB cho hàng ghế thứ 2 và thứ 3 thì sẽ tốt hơn.
Về mức tiêu hao nhiên liệu, chiếc GLS với máy dầu V6 3.0 tiêu thụ gần 11 lít dầu/100 km với phần lớn quãng đường đi là đường phố và đường hỗn hợp. Tất nhiên, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ thay đổi tùy theo cách chạy của người lái và môi trường hoạt động của chiếc xe.
Mercedes-Benz là thương hiệu có doanh số xe sang cao nhất năm 2017 |
Một mối quan tâm khác là độ ồn, thông số chúng tôi đo được khi nổ máy cầm chừng là khoảng 48 dBA -- cực kỳ êm ái, dù đây là xe máy dầu. Chạy xe ở tốc độ ổn định 60 km/h, thông số trung bình chúng tôi đo được là 62 dBA, ở 100 km/h là 70 dBA – lúc này, tiếng gió là nguồn gây ồn chính, tiếng máy vẫn êm nhẹ.
Cần lưu ý là những thông số dBA trên không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác cảm nhận của con người đối với nguồn âm thanh. Để đo “cảm nhận của con người về độ to của âm thanh”, người ta dùng đơn vị “sone”. Để đo được sone một cách chính xác, ta cần hàng loạt micro thu âm chuyên dụng, phần mềm chuyên dụng và những chuyên gia âm thanh đích thực. Chúng ta không có điều đó nhưng bài học cần rút ra ở đây là: cảm nhận về độ ồn của mỗi người là khác nhau và thông số dBA cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn hãy trực tiếp trải nghiệm để rút ra kết luận của riêng mình.
Chưa hẳn là “S-Class gầm cao”, nhưng có thể ... trong tương lai!
GLS 350d có giá đề xuất hơn 4 tỷ đồng nhưng trên thực tế, giá lăn bánh của chiếc xe to lớn này sẽ tiệm cận mốc 5 tỷ. Phiên bản “base” này thiếu khá nhiều trang bị/tính năng như hệ thống làm mát ghế lái và ghế hành khách phía trước, cửa sổ trời toàn cảnh… Đó là do sự cân nhắc trang bị tùy chọn để có giá bán hợp lý nhất, khách hàng vẫn có thể yêu cầu một chiếc xe “full đồ” nếu muốn. Do đó, GLS 350d lại có giá khá “hời” khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc xe SUV hạng sang cỡ lớn 7 chỗ vì lợi thế động cơ nhỏ. Toàn bộ dòng sản phẩm GLS bán tại Việt Nam đều được sản xuất tại Alabama, Mỹ và nhập khẩu nguyên chiếc.
Những chiếc Mercedes-Benz GLS hiện tại (tên mã X166) không phải là “hoàn toàn mới” nên khó đòi hỏi chúng phải khác biệt hoàn toàn với những chiếc ML trước đây. Điều đó có nghĩa rằng GLS kế thừa gần như toàn bộ ưu điểm và khắc phục một số nhược điểm của những chiếc ML trước đó. Bạn cũng không phải chờ đợi quá lâu nếu muốn sở hữu những chiếc GLS thực sự mới. Chúng đang được phát triển với khung gầm hoàn toàn mới, một số động cơ mới và vài tin đồn cho rằng một biến thể Maybach cũng đang được thử nghiệm. Đó là câu chuyện của tương lai còn ở thì hiện tại, GLS-Class nói chung và GLS 350d nói riêng là những cỗ máy 7 chỗ hàng đầu trong phân khúc.