Dòng GLS-Class sở hữu dải động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành đáng nể và thiết kế nội, ngoại thất đẹp đẽ nhưng liệu chúng có xứng với danh xưng “S-Class gầm cao”?
Từ trước đến nay, phân khúc xe SUV ngoại cỡ với 3 hàng ghế rộng rãi đã và đang là sân chơi ưa thích của “bộ ba nguyên tử” vùng Detroit: Ford, GM và Chrysler. Những chiếc xe to lớn đến mức thừa thãi như Ford Expedition, GMC Yukon hay Cadillac Escalade xuất hiện tràn ngập trong các bộ phim, video nhạc hay trên truyền hình. Xét một khía cạnh nào đó, những chiếc SUV ngoại cỡ là hình ảnh đại diện cho nền công nghiệp xe hơi Mỹ: ngoại cỡ, bề thế và … thừa thãi!
Theo bạn, dòng SUV hạng sang cỡ lớn nào đang bán chạy nhất tại Bắc Mỹ? Cadillac Escalade? Lựa chọn sáng suốt đấy! Bạn đoán mẫu SUV sang nhất, to nhất và “hoành tráng” nhất của đại gia đình GM là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc. Quá hợp lý! Một số người lại đoán rằng những mẫu xe dẫn đầu phải là Lexus LX570 hay Land Rover Range Rover “thùng to”. Chúng cũng là những lựa chọn rất hợp lý, đơn giản vì hình ảnh những chiếc Lexus và Range Rover to lớn đã rất quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên, ông hoàng doanh số của phân khúc “to cao đen … thơm” này lại là Mercedes-Benz GLS-Class.
Hãy cùng phân tích chiến thắng của dòng GLS-Class tại Mỹ trong nhiều năm qua. Dòng GLS-Class đã thống trị phân khúc SUV hạng sang cỡ lớn (fullsize) ở Bắc Mỹ trong 8 năm liên tiếp (2010 – 2017). Cụ thể, dòng GLS-Class của Mercedes-Benz có doanh số cộng dồn 32.248 xe trong năm 2017, bỏ xa doanh số của dòng xe về nhì – Cadillac Escalade (22.994 xe). Nói một cách dễ hình dung thì cứ 14 chiếc GLS có chủ thì sẽ có 10 chiếc Escalade được bán ra trên đất Mỹ.
Vị trí thứ ba thuộc về Infiniti QX80 với 17.881 đơn vị. Có một điều khá thú vị là dòng xe QX80 này bán cực chạy ở Mỹ nhưng lại đang chật vật tìm kiếm khách hàng tại Việt Nam. Tiếp đó, Range Rover “thùng to” cán đích ở vị trí thứ tư với 16.869 xe được bán ra, không tăng quá nhiều so với năm 2016 vì tâm lý chờ đợi phiên bản mới sẽ được bán ra trong năm 2018.
Mercedes GLS Grand Edition sang trọng hơn với nội thất bọc da cao cấp |
Tôi chưa nhắc đến Lexus LX570, đúng không? Có lẽ các bạn đang cảm thấy “có cái gì đó sai sai” khi chiếc xe đắt nhất, to lớn, bệ vệ nhất của hãng xe sang danh tiếng nhất Nhật Bản lại không thể lọt vào top dẫn đầu. Tuy nhiên, những con số không biết nói dối. Cụ thể, Lexus bán được 6.004 chiếc LX tại Mỹ trong năm vừa qua. Người Mỹ yêu Lexus: 305.000 khách hàng mua xe Lexus trong năm 2017 - nhưng phần lớn trong số họ chọn mua NX, RX hay IS.
Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ không bàn đến nguyên nhân vì sao những mẫu xe trên thành công hay không thành công trên đất Mỹ, đó không phải là mục đích của bài đánh giá này. Tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu xem liệu doanh số ấn tượng của Mercedes-Benz GLS-Class tại Mỹ có đảm bảo những trải nghiệm thỏa mãn cho khách hàng Việt Nam hay không. Tại Việt Nam, dải sản phẩm thuộc GLS-Class có giá bán đề xuất bắt đầu từ 4,029 tỷ đồng đến 11,949 tỷ đồng. Bài viết ngày hôm nay đề cập đến GLS 350d 4MATIC, chiếc GLS “hạt dẻ” nhất.
To lớn nhưng không ... cục mịch!
Thực sự mà nói, dòng GLS (và G-Class) là những chiếc xe gầm cao cuối cùng mang trên mình gen thiết kế khỏe khoắn và nam tính của Mercedes-Benz trước khi dòng S-Class W222 ra đời. Ngôn ngữ thiết kế “Sự thuần khiết gợi cảm” mà S-Class tiên phong thực sự là một cuộc cách mạng. Nó mang lại sự hấp dẫn, thuôn mượt và sang trọng cho gần như toàn bộ dải sản phẩm Mercedes nhưng theo tôi, một chiếc SUV cỡ lớn của Mercedes phải sở hữu những đường nét vạm vỡ và bề thế, đậm chất “chúa tể đường phố”. Hãy dành các đường nét uyển chuyển cho những dòng sedan như C, E và S – GLS không cần điều đó.
Mercedes-Benz GLS 350d có kích thước tổng thể dài x rộng (không tính gương) x cao lần lượt là 5.130 x 1.924 x 1.850 mm, chiều dài cơ sở 3.075 mm. Khi so sánh với LX570 và Escalade, GLS 350d có kích cỡ tương đương với 2 con “khủng long” này, kích thước ba chiều có lớn hơn hoặc nhỏ hơn một chút không đáng kể. Tuy nhiên, GLS 350d không thực sự cho chúng ta ấn tượng về một cỗ xe tăng trên đường phố như Lexus LX 570, hay một ngôi nhà di động như Cadillac Escalade. Nguyên nhân là GLS sở hữu nhiều đường cong hơn hai mẫu xe kể trên. Dù vậy, đây là những đường cong khỏe khoắn giống như cơ bắp của một lực sĩ cử tạ chứ không “ẻo lả” như thiết kế của vài mẫu xe khác.
Ở phần đầu xe, ngoài cụm đèn pha có thiết kế đặc trưng của Mercedes thì mặt ca lăng cực lớn của GLS cũng như một cục nam châm thu hút ánh nhìn. Bên trong mặt ca lăng là 2 thanh crôm ngoại cỡ, ôm trọn biểu tượng ngôi sao ba cánh có đường kính lên tới 21,5 cm (chúng tôi đo cả những chi tiết như vậy). Chỉ riêng biểu tượng ngôi sao ba cánh, mỗi cánh sao cách nhau 120 độ này cũng là đủ để chiếc GLS 350d “nổi bần bật” trên phố.
Nắp capô với các đường gờ đậm nét và tấm cản trước bệ vệ là hai bộ phận cuối cùng góp phần tạo nên một vẻ mặt bảnh bao nhưng cũng không kém phần thể thao và linh hoạt cho Mercedes GLS 350d. Tuy nhiên, có một chi tiết ở phần đầu xe không thực sự thuyết phục đối với tôi. Đó là hai hốc hút gió được đặt dưới đèn pha. Chúng chỉ là 2 tấm nhựa với các mắt lưới đặc. Do đó, chúng chỉ đơn thuần mang yếu tố thẩm mỹ mà chẳng có tác dụng thực tiễn nào cả. Bên cạnh đó, bộ la-zăng kích thước 19 inch cũng không thực sự phù hợp với giá bán và kích thước to lớn của GLS 350d.
[ĐÁNH GIÁ XE] Mercedes-Benz S400L - Đẳng cấp là mãi mãi |
Nếu như phần đầu xe đã che giấu bản chất SUV 7 chỗ của GLS 350d một cách khéo léo thì chỉ cần chuyển sang góc nhìn ngang, ta ngay lập tức thấy được sự đồ sộ của chiếc xe to lớn này. Từ mũi xe cho đến đuôi xe là những đường thẳng, những đường gờ đầy góc cạnh, phản ánh đúng phong cách thiết kế vuông vức và vững chãi của các mẫu SUV cỡ lớn của Mercedes-Benz. Vòm cửa sổ được bọc crôm dày dặn – nét thiết kế thường thấy của các mẫu xe sang.
Chưa hết, cửa sổ của hàng ghế thứ hai, thứ ba và cả kính chắn gió sau được phủ đen, tạo nên sự riêng tư cho người ngồi sau. Phần đuôi xe có thiết kế vuông vức với điểm nhấn là 2 cụm đèn hậu dạng LED và cặp chụp ống xả mạ crôm sáng loáng. Nhìn chung, Mercedes-Benz GLS 350d có ngoại hình to lớn nhưng không quá cồng kềnh, không giống một “ngôi nhà di động” như kiểu thiết kế thường thấy của những chiếc SUV 7 chỗ cỡ lớn.
Nội thất rộng rãi và tiện nghi
Không gian nội thất thoáng đãng của GLS 350d là thành quả của việc tối ưu hóa từng mm kích thước bề ngoài của nó. Khoảng cách từ mũi xe đến trục bánh xe trước chỉ là 890 mm, đuôi xe đến trục bánh xe sau 1.165 đã khiến chiều dài cơ sở của GLS lên tới 3.075 mm, đồng nghĩa với việc khoang cabin của GLS là vô cùng rộng rãi. Trên thực tế, chiều dài cơ sở của Mercedes GLS là tốt nhất phân khúc (LX 570 2.849 mm, Escalade 2.946 mm), trong khi chiều dài tổng thể của nó không lớn nhất (kém Escalade bản tiêu chuẩn 48 mm).
Thể tích khoang chứa đồ của GLS là 295 lít ở trạng thái tiêu chuẩn, 680 lít nếu gập hàng ghế thứ 3 và lên tới 2.500 lít nếu gập cả hai hàng ghế.
Chiều dài cơ sở ấn tượng của GLS 350d dẫn đến một khoang nội thất thoáng đãng. Hãy xem bảng so sánh sau để thấy sự khác biệt. Lưu ý rằng mọi sự so sánh trong bài viết này đều áp vào mẫu xe Cadillac Escalade phiên bản tiêu chuẩn, không phải bản ESV có trục cơ sở kéo dài.
Vị trí đo đạc | Thông số (mm) | Mercedes GLS 350d | Lexus LX 570 | Cadillac Escalade (phiên bản trục cơ sở tiêu chuẩn) |
Hàng ghế trước | Khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe | 1.046 | 972 | 1.008 |
Khoảng đặt vai | 1.485 | 1.549 | 1.648 | |
Khoảng duỗi chân | 1.023 | 1.089 | 1.150 | |
|
|
|
|
|
Hàng ghế thứ hai | Khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe | 1.016 | 988 | 982 |
Khoảng đặt vai | 1.480 | 1.559 | 1.640 | |
Khoảng duỗi chân | 978 | 873 | 990 | |
|
|
Hàng ghế thứ ba
Khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe
988
909
967
Khoảng đặt vai
1.282
1.582
1.590
Khoảng duỗi chân
889
718
629
Các thông số trong bảng được trích từ trang web chính thức của các hãng xe kể trên. Ta có thể thấy ngay được từng kích thước tổng thể dài x rộng x cao đã ảnh hưởng đến không gian nội thất ra sao. Cadillac Escalade là chiếc xe có chiều rộng tổng thể lớn nhất nên khoảng đặt vai ở cả 3 hàng ghế đều nhỉnh hơn GLS và LX 570.
Khi xét về khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe (headroom), đáng ngạc nhiên là GLS, chiếc xe thấp nhất lại có thông số này thoải mái nhất (GLS có chiều cao 1.850 mm, LX 570 1.864 mm, Escalade 1.897 mm). Nguyên nhân là ghế ngồi của GLS được đặt thấp hơn một chút so với 2 mẫu xe còn lại. Dù vậy, sự hơn kém nhau vài chục mm về headroom cũng không quá quan trọng (nếu người lái Lexus LX 570 cảm thấy đầu hơi sát trần xe quá, họ chỉ cần ấn nút hạ thấp ghế ngồi xuống một chút). Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy bí bức vì thiếu khoảng trống giữa đầu mình và trần xe khi ngồi vào các vị trí bất kỳ cả 3 chiếc xe trên.
Tuy nhiên, nếu bạn cao hơn 1 mét 8 và phải ngồi hàng ghế thứ 3, sự khác biệt giữa việc sắp xếp không gian 3 hàng ghế của 3 chiếc SUV fullsize mới bộc lộ rõ. Khi mọi ghế ngồi ở vị trí tiêu chuẩn, hàng ghế thứ 3 của GLS 350d có khoảng duỗi chân lên tới 889 mm, thoải mái hơn nhiều so với hàng ghế của Lexus (718 mm) và Escalade (629 mm).
Cần lưu ý rằng hàng ghế thứ 2 của Lexus có thể trượt về sau 90 mm để tạo ra khoảng duỗi chân rộng rãi hơn (dù phải hy sinh không gian hàng ghế thứ 3).
Khoảng đặt vai cho hàng ghế thứ 3 của GLS thua khá nhiều so với 2 đối thủ, nhưng đấy chẳng phải là một điểm bất lợi lớn vì Mercedes chỉ thiết kế 2 chỗ ngồi ở hàng ghế thứ 3, trong khi Lexus và Cadillac “nhét” tới 3 chỗ ngồi ở hàng ghế cuối cùng này.
Dòng Escalade cung cấp nhiều cách tùy biến không gian nội thất hơn với lựa chọn 2 ghế hàng 2 tách biệt hoặc gắn liền và nhất là có phiên bản trục cơ sở dài. Nhắc đến Escalade phiên bản trục cơ sở dài (ESV), tôi lại phải tán dương khả năng sắp xếp không gian nội thất chiếc GLS của các kỹ sư Đức.
Chú “khủng long” Escalade ESV với chiều dài chỉ kém Rolls-Royce Phantom VIII đúng 6,5 cm nhưng chỉ có khoảng duỗi chân hàng ghế thứ 2 hơn GLS đúng 30 mm, trong khi khoảng headroom của hàng ghế thứ 2, thứ 3 và khoảng duỗi chân hàng ghế thứ 3 lại kém GLS vài milimét! Nhìn chung, không gian nội thất của Mercedes-Benz GLS 350d đủ sức làm hài lòng đa số khách hàng Việt Nam vốn có thể vóc dáng không quá to cao, nhất là những người thuộc phân khúc khách hàng mà GLS phục vụ.
Gói nội thất da hơn 500 triệu đồng!
Những con số về kích thước mang lại cảm giác thoáng đãng, còn cảm giác sang trọng được tạo nên bởi chất lượng vật liệu gia công. Có rất nhiều loại vật liệu có mặt trong khoang nội thất xe ơi nhưng tôi muốn hướng sự quan tâm của các bạn vào loại vật liệu quan trọng nhất: da. Nếu nói riêng phân khúc xe sang/siêu sang, gần như mọi thứ bạn chạm vào khi sử dụng xe hằng ngày đều có khả năng cao là được bọc da: ghế ngồi, bệ tỳ tay, vô lăng, bảng táp lô, táp pi v.v.. Ở một vài mẫu xe đắt tiền, các bộ phận như trần xe, cần điều khiển sau vô lăng hay thậm chí là tấm che nắng cũng được bọc da thượng hạng! Chất lượng da nội thất là một tiêu chí rất quan trọng đối với một chiếc xe sang có giá bán từ 4 tỷ đồng trở lên.
Chiếc Mercedes-Benz GLS 350d mà chúng tôi trải nghiệm được trang bị gói nâng cấp da nội thất Designo Exclusive cao cấp với giá niêm yết hơn 500 triệu đồng! Đây là tùy chọn nội thất đắt nhất mà Mercedes-Benz Việt Nam dành cho dòng GLS. Bỏ ra hơn 500 triệu đồng để nâng cấp hầu hết các chi tiết bọc da trên xe, chủ nhân của những chiếc GLS sẽ được gì?
Được trải nghiệm viên mãn hơn mỗi khi họ bước lên xe, tất nhiên rồi! Khẽ mở cửa lái, tôi ngay lập tức ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của da hảo hạng. Nó thoang thoảng, khẽ mơn man trong cánh mũi chứ không xộc thẳng lên ... tận óc giống như các mùi hương tổng hợp khác. Tôi dùng từ “mùi đặc trưng” vì mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về mùi hương này: có người thấy thơm và rất thích mùi da, có người lại thấy mùi này hơi ngai ngái. Thú thực, tôi không hề biết chiếc GLS mà mình trải nghiệm có gói da “xịn” Designo Exclusive cho đến khi tôi mở cửa xe và gặp lại mùi hương quen thuộc này.
Mercedes-Benz Việt Nam hỗ trợ lệ phí trước bạ 30 triệu đồng nhân dịpTết Mậu Tuất 2018 |
Ta hãy bỏ qua các thuật ngữ marketing, nào là Designo, nào là Nappa, vân vân và vân vân. Nappa, hay Napa thì cũng đều là thuật ngữ marketing cả. Chỉ có những thông tin sau đây mà “Nappa” hay “Napa” cung cấp chính xác: đây là loại da tương đối sang trọng, có độ mềm, mịn nhất định và không nổi hạt sần một cách rõ ràng.
Năm 1875, ông Emanuel Manasse đã tìm được cách chế biến những tấm da sống thành các tấm da vừa mềm, đẹp lại vừa bền bỉ. Ông gọi loại da này là “Napa” vì đó là tên thành phố ông sống và làm việc. “Nappa” là một cách phát âm sai – nhưng được cả thế giới dùng trong suốt hơn 1 thế kỷ qua. Hiện nay, Nappa là một thuật ngữ chung và chưa có tổ chức nào đưa ra các tiêu chuẩn xác định chính xác tính chất của da Nappa. Điều đó có nghĩa là “da Nappa” trên xe Mercedes, BMW, Audi hay Jaguar không nhất thiết phải là cùng một loại và có chất lượng giống hệt nhau.
Khi bàn về các loại da cao cấp, ta cần phân biệt giữa da “full grain” và “top grain”. Nói một cách đơn giản, da “full grain” có chất lượng cao nhất, mọi khiếm khuyết tự nhiên, mọi vết nhăn trên bề mặt da đều được giữ nguyên nhằm khiến miếng da có vẻ đẹp tự nhiên nhất có thể. Da “top grain” có chất lượng thứ nhì, chỉ kém một chút so với full grain. Loại da này được mài đi một phần rất mỏng để bề mặt da nhẵn đều hơn và loại đi một phần khiếm khuyết da nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của miếng da một cách tương đối hoàn hảo.
Còn “semi-aniline” thì sao? “Semi-aniline” hay “aniline” cho ta biết liệu miếng da có được phủ lớp bảo vệ hay không. Hãy quan sát hình chụp cắt lớp 1 miếng da dưới đây:
Đây là mặt cắt của một tấm da. Bản thân tấm da đã được nhuộm màu sẵn, nếu nó không được phủ một lớp bảo vệ + lớp màu nhuộm bên ngoài thì chúng ta có thể gọi nó là da full-aniline, hay thường được gọi tắt là aniline. Tổng hợp lại, nếu ta có full grain + full aniline, tức ta đang nhắc đến loại da bò thượng hạng có chất lượng cao nhất mà tiền bạc có thể mua được.
Tuy nhiên, loại da này rất, rất ít khi xuất hiện trên xe sang thời hiện đại vì các nhà sản xuất xe hơi đều đặt ra các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe cho các loại da bọc trên xe họ bán ra. Một vài tiêu chí có thể kể đến là độ đàn hồi, độ bền nhiệt, khả năng chống mài mòn, chống cháy, chống nhăn, chống thấm nước… Nếu những chiếc ghế da, bảng táp lô, táp pi được bọc bằng da full grain + full aniline, chúng sẽ dễ bị bẩn, dễ phai màu, ám màu và khó vệ sinh vì da nguyên bản hút nước rất nhanh và không được phủ lớp bảo vệ.
Mercedes-Benz sẽ giới thiệu hệ thống giải trí dành riêng cho xe cỡ nhỏ tại CES 2018 |
Độ thấm nước của những miếng da analine cũng phụ thuộc nhiều vào quá trình xử lý da tươi, bảo quản, cách thuộc da, hóa chất thuộc da và một số yếu tố khác. Mỗi xưởng da cũng có các quy trình xử lý riêng dành cho các loại da có mục đích sử dụng khác nhau. Nhìn chung thì da aniline không hẳn là lựa chọn tốt nhất cho nội thất xe hơi. Đó là lý do vì sao đa số các hãng xe đều sử dụng da semi-aniline – sự thỏa hiệp hoàn hảo.
Da semi-aniline vẫn giữ được sự mềm mại, khả năng truyền nhiệt cùng nhiều đặc tính đáng giá của da aniline nhưng bền màu hơn, bền bỉ hơn và chống xước tốc hơn. Các hãng da đều áp dụng phương pháp sản xuất da semi-aniline như nhau: phủ một lớp vật liệu kết dính siêu mỏng, 1 lớp màu và 1 lớp coating bảo vệ lên trên bề mặt tấm da – ba thành phần này gọi là “finish”. Lớp phủ thêm này phải đảm bảo độ mỏng và độ trong suốt nhất định để không che đi phần vân tự nhiên nhưng vẫn phải bảo vệ tốt lớp da nhạy cảm bên dưới. Một loại da semi-aniline hảo hạng phải có lớp coating đủ tốt để không bít quá nhiều lỗ chân lông và vân da để “khoe” gần như trọn vẹn vẻ đẹp của da tự nhiên.
Các hãng xe phải cân bằng giữa nhiều yếu tố. Nếu họ chọn loại da ít khiếm khuyết nhất có thể để không phải mài da và không phủ lớp finish quá dày, họ có một loại da bọc nội thất tuyệt đẹp, có độ mềm và độ thoáng khí tối ưu nhất nhưng giá thành da sẽ rất đắt. Ngược lại, nếu da gốc kém hơn một chút thì nó sẽ bị mài nhiều hơn, phủ lớp finish dày hơn. Khi đó, chất lượng về mặt thẩm mỹ và cảm giác khi tiếp xúc với tấm da cũng sẽ giảm dần theo.
Đó là tôi còn chưa nhắc đến các loại da thấp cấp hơn như da “split leather” bị mài nhẵn và dập vân nhân tạo, hay tệ hơn nữa là da tạp nham được tạo ra bằng cách trộn vụn da và các chất độn. Tất nhiên, ta không thể đòi hỏi những chiếc xe thuộc phân khúc tầm trung trở xuống sở hữu chất lượng da tương đương với xe sang hay siêu sang nhưng khi nhà sản xuất đứng trước sức ép giảm chi phí, tăng lợi nhuận, da nội thất là một trong những thành phần bị cắt xén mạnh tay.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng mọi bộ phận bọc da bên trong chiếc GLS 350d, tôi thấy có khoảng 80 đến 90% da trên xe là loại “top grain semi-aniline”. Gói nâng cấp da Designo Exclusive khá “đáng tiền” vì giá trị mà nó mang lại. Loại da Mercedes-Benz sử dụng có chất lượng rất cao, có độ mềm dẻo và đàn hồi tuyệt vời (tôi dùng ngón tay ấn mạnh vào các phần da bọc ở ghế, bệ tỳ tay, bảng táp lô và táp pi để kiểm chứng điều này).
Bề mặt da có các đường vân hoàn toàn ngẫu nhiên, độ nhăn và các khiếm khuyết tự nhiên nhìn rất thuyết phục. Dù vậy, tôi vẫn nhận thấy lớp da này được mài một chút ít, bằng chứng là bề mặt da bọc trên GLS 350 d phẳng phiu hơn so với da bọc trên chiếc Bentley Mulsanne Speed mà tôi trải nghiệm cách đây ít lâu. Hãy quan sát thật kỹ bức ảnh dưới đây.
Mũi tên màu tím cho ta thấy miếng da hơi mấp mô một chút (chỉ khi có ánh sáng chiếu xiên thì bạn mới nhìn thấy sự không bằng phẳng này), còn mũi tên màu đỏ cho thấy miếng da có những đường nhăn li ti dưới lực ép của tấm kim loại đè bên trên. Một miếng da tự nhiên không bao giờ phẳng hoàn toàn và cách duy nhất để có một bề mặt da láng mịn, tất nhiên rồi, là mài tấm da đó.
Một bằng chứng nữa cho thấy chất lượng của da bọc nội thất chiếc GLS 350 d là sự xuất hiện của … lỗ chân lông. Lớp lông trên da bò được loại bỏ trong quá trình thuộc da nhưng lỗ chân lông vẫn còn nguyên. Lớp phủ finish càng dày, hoặc da bị mài mòn càng nhiều thì dấu vết lỗ chân lông càng thưa và mờ nhạt. Rất “may” là lỗ chân lông xuất hiện khá nhiều trên bề mặt da bọc nội thất chiếc GLS 350 d, nếu quan sát thật kỹ bằng mắt thường hoặc dùng … kính lúp, bạn sẽ thấy một “rừng” các lỗ chân lông nhỏ li ti. Tôi không thể chụp cận cảnh chi tiết siêu nhỏ này một cách rõ ràng nhất bằng những ống kính đa dụng những tôi vẫn có bằng chứng khá thuyết phục. Đó là bức ảnh này:
Hãy để ý những lỗ bé li ti ở xung quanh các lỗ to, đó chính là lỗ chân lông (lỗ to là lỗ đục để thông khí. Cho tôi gửi lời xin lỗi đến những người mắc hội chứng sợ lỗ!
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng phần lớn da bọc nội thất của Mercedes-Benz GLS 350d có gói Designo Exclusive đạt chất lượng gần như cao nhất trong ngành công nghiệp xe hơi, chỉ thua chút ít so với da bọc trên những chiếc Bentley hay Rolls-Royce. Tất nhiên, một số bộ phận trong chiếc GLS 350 d, ví dụ như một góc nhỏ của 4 cánh cửa xe, bậu cửa, phần ốp bên cạnh hàng ghế thứ 3 và một số góc khuất được bọc loại da chất lượng nhất. Trần xe được phủ sợi Dinamica khá mềm và mượt. Thoạt nhìn thì vật liệu này khá giống với sợi Alcantara nhưng nó dày và mềm hơn một chút (Alcantada không phải là da lộn như nhiều người vẫn tưởng).
Mercedes-Benz xây dựng bộ phận Designo Manufaktur chuyên cá nhân hóa các mẫu xe của hãng |
Tuy nhiên, các chi tiết khác của phần nội thất lại không quá ấn tượng như phần da bọc. Thiết kế tổng thể của cả khoang cabin GLS 350 d giống với “đàn em” GLE đến giật mình – giống từ khoang trước đến khoang sau, thậm chí bảng đồng hồ, vô lăng, bảng táp lô, phần gỗ ốp ở táp lô và táp pi, loa tép gắn cột A và rất nhiều chi tiết khác giữa 2 xe là hoàn toàn giống nhau.
Liệu dòng GLS có phải là những chiếc “S-Class gầm cao”? Nếu xét riêng phần nội thất thì câu trả lời của tôi là Không. Hãy cứ nhìn ngắm xung quanh khoang nội thất. Màn hình trung tâm không cảm ứng, có kích thước chỉ 8 inch, chạy giao diện COMMAND Online. Dù độ sắc nét, độ sáng và màu sắc của màn hình này rất tốt nhưng có lẽ tôi đã bị “làm hư” bởi cụm màn hình đôi 12.3 inch của S-Class.
Thậm chí, màn hình của A-Class 2018 còn “xịn” hơn với phần cứng và phần mềm hoàn toàn vượt trội so với những gì Mercedes cung cấp trước đó. Theo Mercedes, phân khúc khách hàng của A-Class (CLA, GLA, A) là trẻ nhất trong số các dòng sản phẩm của hãng. Họ là những người đã quen với thao tác cảm ứng và dễ tiếp nhận công nghệ hơn nhóm khách hàng chọn E-Class hay S-Class. Vì lý do đó, hãng xe Đức đã thử nghiệm hệ thống thông tin giải trí hoàn toàn mới trên dòng xe dành cho giới trẻ này. Có lẽ S-Class và GLS-Class thế hệ tiếp theo mới sở hữu cặp màn hình “đỉnh” như A-Class 2018!
Cụm điều khiển điều hòa và các cửa gió cũng không đẹp và được làm bằng kim loại như S-Class. Một điểm khác nữa là dàn âm thanh Burmester với hai chiếc loa tép tuyệt đẹp gắn ở cột A những chiếc S-Class cũng không có trên GLS, thay vào đó là dàn âm thanh Harman Kardon Logic7 14 loa, 830 watt. Cả hai đều là những dàn âm thanh cao cấp nhưng xét về mặt thẩm mỹ thiết kế của dàn Burmester đẹp hơn, có khả năng lay động tâm hồn người thưởng thức hơn. Sự khác biệt về mặt thẩm mỹ của hai hệ thống âm thanh càng rõ ràng nếu bạn ngồi ở hàng ghế thứ hai. Có thể thấy, khoang nội thất của GLS tuy đẹp nhưng vẫn chưa vươn tới tầm S-Class (trừ tiêu chí chất lượng da). Có lẽ do S-Class W222 đã “trót” đặt ra những tiêu chuẩn quá cao!